Hiện nay, làn sóng Covid-19 thứ 3 đang tấn công khu vực châu Phi. Theo Reuters, phát biểu trong cuộc họp báo mới đây, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Phi Matshidiso Moeti cho biết: “Đợt bùng dịch thứ 3 tại châu Phi đang tiếp tục diễn biến nguy hiểm khi tổng số ca nhiễm tại châu lục này đã lên đến 6 triệu”. Bà Moeti nhận định, các ca nhiễm Covid-19 mới và tử vong gia tăng một phần là do sự xuất hiện của biến thể Delta với tốc độ lây lan nhanh ở 21 quốc gia tại “lục địa đen”. Phần lớn các trường hợp tử vong vì Covid-19 được ghi nhận tại Namibia, Nam Phi, Tunisia, Uganda và Zambia. Tình trạng tăng cao các ca nhiễm khiến nhiều quốc gia châu Phi thiếu nguồn oxy và giường chăm sóc đặc biệt.
 |
Một nhân viên y tế được tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện Khayelitsha, ngoại ô thủ đô Cape Town của Nam Phi. Ảnh: Reuters |
Tình tình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh châu Phi đang thiếu vaccine phòng Covid-19. So với các khu vực khác trên thế giới, châu Phi đã bị tụt lại khá xa trong chiến dịch tiêm chủng cho người dân. Tỷ lệ tiêm chủng ở châu Phi, nơi có 1,3 tỷ dân, đang ở mức thấp đáng kinh ngạc. Theo bà Moeti, cho tới nay, mới chỉ có 18 triệu người dân châu Phi đã được tiêm chủng đầy đủ.
Châu Phi đã tạm dừng triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 do những thách thức về nguồn cung. Trên thực tế, hầu hết các nước châu Phi dựa vào nguồn vaccine của COVAX, chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu do WHO, Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) và Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) đồng khởi xướng nhằm bảo đảm quyền tiếp cận công bằng với vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên, các nước châu Phi đã buộc phải trì hoãn kế hoạch tiêm chủng sau khi Ấn Độ, nhà cung cấp chính của COVAX quyết định ngừng xuất khẩu vaccine để tập trung cho chương trình tiêm chủng trong nước. Ngoài ra, các quốc gia nghèo khó ở châu Phi cũng không đủ năng lực tài chính để tiếp cận nhanh chóng với nguồn cung cấp vaccine khác.
Việc thiếu vaccine phòng Covid-19 - “vũ khí” chống dịch hiệu quả đang khiến châu Phi gặp khó khi triển khai chiến dịch tiêm chủng để ứng phó với đại dịch. Tỷ lệ tiêm chủng thấp khiến các quốc gia châu Phi đứng ngồi không yên trước diễn biến nguy hiểm, khó lường của dịch bệnh. Theo Reuters, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi John Nkengasong cho biết, khu vực này không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19 khi thiếu vaccine. Ông Nkengasong khẳng định, châu Phi đang rất cần vaccine để ứng phó với làn sóng Covid-9 thứ 3. “Vaccine đến từ COVAX hay từ nơi khác đều không thành vấn đề. Tất cả những gì chúng tôi cần là được nhanh chóng tiếp cận vaccine”, ông Nkengasong nhấn mạnh.
Để giải bài toán thiếu hụt vaccine, châu Phi cần đến sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có việc các nước giàu chia sẻ nguồn vaccine dư thừa hoặc tăng cường cung cấp vaccine thông qua cơ chế COVAX. Trả lời phỏng vấn gần đây của hãng tin AFP, Giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới (WB) Axel van Trotsenburg nhấn mạnh, tình trạng thiếu vaccine phòng Covid-19 ở châu Phi là điều “không thể chấp nhận được”. Ông Axel van Trotsenburg nêu rõ, cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để hỗ trợ châu Phi trong việc tiếp cận vaccine, qua đó giúp tăng tỷ lệ tiêm chủng. WHO cho biết đang thúc đẩy việc phân phối vaccine cho khu vực này thông qua cơ chế COVAX, cũng như hỗ trợ mua trực tiếp vaccine từ các nhà sản xuất.
Theo hãng thông tấn Anadolu, COVAX hiện đặt mục tiêu cung cấp 520 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong năm nay và 850 triệu liều vaccine bổ sung trong quý I-2022 cho châu Phi. Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti hy vọng các nước châu Phi sẽ đẩy nhanh chương trình tiêm chủng khi nguồn cung vaccine dồi dào trở lại sau thời gian ngưng trệ. Bà Moeti lưu ý, chính phủ các nước châu Phi nên mở thêm các điểm tiêm chủng và có biện pháp phân bổ vaccine hợp lý, cải thiện khả năng bảo quản vaccine cũng như triển khai các chiến dịch nâng cao ý thức của người dân về việc tiêm chủng để phòng ngừa dịch bệnh.
Trong cuộc chiến không phải của riêng ai, thế giới cần đoàn kết, sẻ chia và giúp đỡ lẫn nhau. Nếu không có sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời của cộng đồng quốc tế, cũng như thiếu đi những nỗ lực thúc đẩy chương trình tiêm chủng, châu Phi sẽ khó có thể đạt được những kết quả khả quan trong cuộc chiến chống Covid-19. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân khu vực, cũng như tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
LÂM ANH