 |
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm phát biểu tại diễn đàn |
QĐND Online-“Việt Nam đã nhận thức rõ những thách thức và thuận lợi khi trở thành thành viên WTO…Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nỗ lực hết mình để cạnh tranh hiệu quả ngay trên thị trường trong nước và vươn ra khẳng định mình trên thị trường quốc tế. Tuy vậy, chúng ta đã khẳng định rằng, cơ hội sẽ hơn nhiều so với thách thức…”, đó là lời nhấn mạnh của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm tại “Diễn đàn Thương mại-Đầu tư Việt Nam sau một năm gia nhập WTO” ngày 11-1, tại Hà Nội.
Những dấu ấn tăng trưởng ngoạn mục
Khoảng thời gian 1 năm chưa đủ để chúng ta có thể nhìn nhận tổng thể những tác động của sự kiện này, nhưng không thể phủ nhận dấu ấn quan trọng, rõ nét đối với nền kinh tế trong năm đầu tiên là thành viên WTO với những hiệu ứng khả quan. Trong đó, nổi bất nhất là sự tăng trưởng mạnh mẽ trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu. Trong năm 2007, Việt Nam đã thu hút trên 20tỷ USD FDI, tăng gấp đôi so với năm trước và kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 50 tỷ USD, tăng 21,5% so với năm 2006. Nhìn chung, các tác động của việc gia nhập WTO đối với Việt Nam là tích cực, qua đó góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao và ổn định ở mức 8,5% năm 2007, tốc độ tăng trưởng cao kỷ lục đối với Việt Nam và thứ hai trên thế giới. Bên cạnh đó, một điểm đáng chú ý nữa là về cơ bản Việt Nam đã thành công trong việc giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể có đối với an sinh xã hội và không thể xảy ra những xáo trộn lớn ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, trong đó có việc làm và phúc lợi xã hội…
 |
Nhiều hãng sản xuất, chế tạo ô tô danh tiếng thế giới đầu tư vào ngành công nghiệp này ở Việt Nam. Ảnh TTXVN |
Ông Walter Blocker, Phó Chủ tịch Hội đồng Thương mại Hoa Kỳ, khu vực châu Á –Thái Bình Dương, Tổng giám đốc Gannon Việt Nam cũng nhận định:
“Năm 2007, chúng ta thấy rằng các dự án FDI đã vượt 50% so với 2006. Đây là con số khổng lồ đối với nền kinh tế Việt Nam. Thực tế, FDI của Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ”.
Việt Nam đã hội nhập và trở thành một bộ phận không thể tách rời của kinh tế thế giới với tư cách là một nhà xuất khẩu lớn nhiều mặt hàng. Xuất khẩu liên tục tăng trưởng ở mức hai con số và hiện chiếm xấp xỉ 68% GDP và đưa Việt Nam vào diện các nước có nền kinh tế mở.
Những thách thức lớn còn ở phía trước
Việt Nam mới chỉ gia nhập WTO tròn một năm và đây thực sự là một năm bản lề, cũng là một bước nhấn tiếp theo với bao thách thức và khó khăn mà Việt Nam sẽ phải hoàn thiện hơn nữa trong những năm tới.
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết: “Bên cạnh những cơ hội to lớn mà Việt Nam đã đạt được, năm đầu tiên thực thi cam kết WTO cũng đã bộc lộ phần nào những thách thức to lớn mà chúng ta phải đối phó. Nhập siêu đạt mức hai con số do nhập khẩu có tốc độ tăng gấp rưỡi xuất khẩu. Cơ sở hạ tầng bao gồm hệ thống đường giao thông, cảng, điện, nước… trở nên quá tải và có nguy cơ không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển kinh tế nếu không có những giải pháp quyết liệt và nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành…”
Ngoài ra, thiếu lao động trình độ cao trong hầu hết các ngành, đặc biệt là trong những ngành công nghệ cao, dịch vụ, ngân hàng… đang kìm hãm quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ông Hoàng cũng nêu rõ: đây cũng chính là nguyên nhân cơ bản khiến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam tạo ra được ít giá trị gia tăng, kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, những thách thức về môi trường, công ăn việc làm… cũng đang tạo áp lực lên nền kinh tế.
Những tồn tại này cũng là nỗi niềm trăn trở của một số nhà đầu tư, trong đó có ông Ashok Sud, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu, phụ trách Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia của Ngân hàng Standard Chartered Bank : “Lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam còn chưa thông thoáng. Trong khi, xu hướng ngân hàng thanh toán điện tử trên thế giới đang gia tăng nhưng tại Việt Nam lại chưa đáp ứng được. Ngoài ra, năng lực ngân hàng địa phương còn hạn chế, một phần do nguồn nhân lực chưa cao”.
 |
Các đại biểu tham dự diễn đàn |
Ngoài ra, một trong những quan tâm lớn của các nhà đầu tư là việc cải cách mạnh mẽ về hành chính, sự minh bạch, tính hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư, việc đơn giản hoá các thủ tục cấp phép đầu tư, tháo bỏ các quy định không hợp lý, cải thiện cơ sở hạ tầng, thực thi hiệp định thương mại song phương BTA và các cam kết WTO, các thoả thuận thuế, mở thêm các lĩnh vực khác cho các hoạt động đầu tư nước ngoài, cải thiện công tác thi hành pháp luật…
Một điểm quan trọng mà Việt Nam phải hoàn thiện trong những năm tới mà ông Walter Blocker, Tổng giám đốc Gannon nêu ra trên diễn đàn là: “Thử thách quan trọng đối với Việt Nam trong năm đến mười năm tới là việc thực thi Hiệp định Thương mại song phương (BTA) và WTO, liên quan đến những cải cách hiệu quả hơn trong thực tiễn. Đặc biệt, Việt Nam phải vượt qua một tầm nhận thức hay quan sát rộng lớn của quá trình chuyển tiếp giữa một bên cải thiện mạnh mẽ luật pháp và một bên là vấn đề tiếp tục cải cách hành chính thói quan liêu, gánh nặng về điều chỉnh, chống tham nhũng…”
Những thách thức này sẽ được Việt Nam tiếp tục khắc phục trong thời gian sớm nhất. Điều quan trọng, cần có sự liên thông, gắn kết các nỗ lực cải cách trong nước với nỗ lực thực thiện cam kết WTO nói riêng và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung sao cho hiệu quả nhất. Chúng ta đã thành công trong đàm phán gia nhập WTO và sẽ thành công trong quá trình thực thi các cam kết với WTO.
Bài và ảnh: Hồng Anh