Theo đánh giá của lãnh đạo Tổng cục Tình báo Liên Xô (GRU), tướng Yuri Babayants: “GRU có một mạng lưới tình báo rộng lớn trên khắp thế giới. Nhưng những cá nhân có tiềm năng như vậy (như Stig Wennerström) giống như những viên ngọc quý hiếm nhất”. Xét về phạm vi hoạt động và giá trị của thông tin cung cấp, họ được xem là những siêu điệp viên xuất sắc nhất.

Từ phi công chỉ huy Thụy Điển...

Khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, chỉ huy phi đội Không quân Thụy Điển Stig Wennerström đã đeo trên vai quân hàm thiếu tá, và được đánh giá là một phi công giàu kinh nghiệm. Sau chiến tranh, Wennerström mong muốn tiếp tục phục vụ trong biên chế lực lượng Không quân Thụy Điển, và sau đó đã quay trở lại với công việc bay.

Trong một vụ rơi máy bay, Wennerström đã sống sót một cách thần kỳ, khi vòm buồng lái bị kẹt, ông đã phải thoát ra ngoài bằng cửa sập khẩn cấp. Khi mở dù tiếp đất thì đã quá muộn, phi công Thụy Điển may mắn mắc vào tán cây cao.

Sau tai nạn đó, Wennerström được điều về làm việc ở trụ sở của lực lượng Không quân, để tham gia nhiệm vụ nghiên cứu, phân tích về tổ chức của các lực lượng vũ trang. Tất nhiên, điều này không ảnh hưởng đến ước mơ trở thành chỉ huy phi đội không quân của Stig Wennerström.

leftcenterrightdel
Stig Wennerström là phi công chỉ huy của Không quân Thụy Điển trong Thế chiến 2. Ảnh: Wikipedia.org. 

Vào một ngày đẹp trời, Wennerström nhận được một cuộc gọi từ Tư lệnh Lực lượng Không quân Thụy Điển. Chỉ huy đã đánh giá cao về tài năng và kiến thức, khả năng ngôn ngữ của ông. Do đó, ông sẽ hữu ích hơn cho vị trí tùy viên hàng không quân sự ở Moscow (Liên Xô).

Wennerström sau đó chuyển đến làm việc tại Liên Xô trong năm 1940-1941. Nhưng đến tháng 3-1941, ông được triệu hồi về Stockholm. Tất nhiên, Wennerström vẫn mong muốn được tiếp tục sự nghiệp bay, song đã thất vọng khi không được trở về công việc cũ.

Trong bối cảnh đó, ông đã có cuộc gặp với tùy viên hàng không Liên Xô tại Thụy Điển, Đại tá Ivan Rybachenkov, người đang bay cố gắng tìm hiểu xem liệu nước Thụy Điển trung lập có đồng ý với một thỏa thuận bí mật với NATO hay không, cũng như vấn đề về việc tái thiết và nâng cấp đường băng tại sân bay quân sự ở Uppland.

Bằng các thông tin nắm được, Wennerström cung cấp thông tin quan trọng cho tùy viên Liên Xô. Tất nhiên, cuộc nói chuyện diễn ra không hề dễ dàng. Và Stig Wennerström tận dụng thời cơ này, đã than thở về những khó khăn khi làm việc với giới lãnh đạo ngoại giao Liên Xô, khiến ông không thể đảm nhận nhiệm vụ của tùy viên hàng không ở Moscow. Đại tá Rybachenkov hứa sẽ giúp đỡ và đề nghị một số công việc với Wennerström.

Từ đó, Wennerström bắt đầu hợp tác với tình báo quân đội Liên Xô. Ông cũng yêu cầu về một số tiền nhận được từ các sĩ quan tình báo Liên Xô. Tuy nhiên, khoản thanh toán này rất nhỏ, và theo đánh giá, tiền bạc không phải là mục đích chính, mà thực tế Wennerström bắt đầu làm việc cho Moscow vì những lý do hoàn toàn khác.

Trong thời kỳ Wennerström hợp tác với tình báo quân đội Liên Xô, đã có sự đối đầu ngày càng tăng giữa hai hệ thống của thế giới, mà đại diện là Mỹ và Liên Xô. Và đối với ông, một người có kỹ năng phân tích cao và có điều kiện tiếp cận được các tài liệu của NATO, không khó để đoán ra ý đồ thực sự của Mỹ và NATO.

Theo đó, Stig Wennerström đồng ý hợp tác chủ yếu với tình báo Liên Xô, nhằm cân bằng quyền lực và ngăn chặn người Mỹ sử dụng ưu thế quân sự của họ so với Liên Xô, và khơi mào một cuộc chiến tranh thế giới mới.

Trong cuốn hồi ký của mình sau này, Wennerström viết: “Người Mỹ trong những ngày đó đã nhận thức rõ ràng về ưu thế quân sự của họ. Có những tuyên bố hung hăng kiểu “diều hâu” trong tướng lĩnh quân đội và các nhà ngoại giao. Tất cả những điều này gây ấn tượng buồn đối với tôi. Tôi thực sự lo sợ về Thế chiến 3”.

... thành siêu điệp viên của Liên Xô

Một buổi tối tại dinh thự đại sứ quán nơi Wennerström sống, một bức thư nhỏ được trao cho ông ghi thông tin ngày tháng của các cuộc gặp quan trọng. Vào thời điểm đã thống nhất tại tượng đài Pushkin (ở Moscow), Wennerström có cuộc hẹn với Đại tá Nikolai Nikitushev, người mà ông đã gặp hồi ở Thụy Điển.

Tại cuộc gặp tiếp theo, Wennerström đã được giới thiệu với người đứng đầu Ủy ban thứ hai của GRU. Cuộc trò chuyện xoay quanh quan điểm trung lập của Thụy Điển, sau đó yêu cầu tìm hiểu vai trò của chiến dịch không chiến chống Liên Xô trong các kế hoạch của NATO.

Vì điều này không ảnh hưởng đến lợi ích của Thụy Điển, nên Wennerström đồng ý hợp tác. Ông được giao nhiệm vụ thu thập dữ liệu trên bản đồ mục tiêu mà NATO có thể ném bom hạt nhân vào các thành phố, cơ sở công nghiệp và quân sự của Liên Xô.

leftcenterrightdel
Đại tá Không quân Thuỵ Điển  Wennerström (bên phải) nói chuyện với tướng tình báo Liên Xô Vitali Nikolsky. Ảnh: espionagehistoryarchive.com 

 Bản đồ ném bom hạt nhân Liên Xô là một tài liệu có giá trị đặc biệt quan trọng trong trường hợp chiến tranh xảy ra. Tất nhiên, không chỉ mỗi Wennerström tham gia vào việc tìm lời giải của vấn đề tối mật này, song ông ấy đã đóng góp quan trọng vào quá trình xác định các mục tiêu ném bom mới. Điều đặc biệt đáng lo ngại, đây là các cơ sở công nghiệp và khu đông dân cư, và đối phương có thể sử dụng những quả bom nguyên tử có sức công phá chưa từng thấy.

Vì Wennerström có nhiều điều kiện tự do hơn ở Moscow so với các tùy viên khác của các nước NATO, nên phía Mỹ cũng thường tiếp cận và yêu cầu ông lấy thông tin. Ví dụ, họ yêu cầu tìm hiểu xem mái nhà ở các khu định cư ở Ukraine có được lợp bằng tôn hay như trước đây, hay sử dụng than bùn. Lúc đầu, Wennerström không thể hiểu tại sao người Mỹ lại cần thông tin như vậy. Hóa ra, khi ném bom từ độ cao lớn, các mái tôn có thể nhìn thấy rõ trên màn hình của các trạm radar và có thể đóng vai trò dẫn đường, nhưng nếu bằng than bùn thì khả năng hiển thị bằng không.

Sau đó, khi Wennerström là tùy viên quân sự của Thụy Điển tại Hoa Kỳ, ông được tiếp cận một trình mô phỏng để huấn luyện phi hành đoàn máy bay ném bom chiến lược. Trên bản đồ di chuyển của chuyến bay, các tấm kim loại được gắn ở một số nơi. Khi được hỏi nó là gì, phía Mỹ cho ông biết: Đó là mái lợp bằng tôn. Chúng có thể nhìn thấy rõ ràng trên màn hình radar.

Một thập kỷ rưỡi làm việc cho GRU

Tại Hoa Kỳ, Stig Wennerström, theo chỉ thị của Tổng cục Tình báo (GRU) ở Moscow, đã thực hiện những nhiệm vụ bất ngờ nhất.

Vào ngày nhậm chức, Tổng thống Dwight Eisenhower bắt đầu nói về việc “các dân tộc Đông Âu bị xiềng xích”, và rằng người Mỹ “không thể nhìn nó với sự thờ ơ”. Wennerström nằm trong số những khách mời tham dự, và được giao tìm hiểu xem liệu tuyên bố này chỉ là hình thức hay sẽ được thực thi bằng một số hành động chính trị, quân sự cụ thể.

Vào một dịp khác, GRU yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về hình ảnh tuyệt mật được thiết kế để sử dụng bom hạt nhân. Khi đến thăm căn cứ không quân ở Las Vegas, trong trung tâm huấn luyện bay của Không quân Mỹ, Stig Wennerström không chỉ tìm hiểu cách thức hoạt động của thiết bị ống ngắm, mà còn có được một tài liệu có tên “Nguyên tắc thiết kế ống ngắm để ném bom hạt nhân”. Đây chính là điều mà Moscow rất quan tâm.

leftcenterrightdel
Stig Wennerström là một trong những siêu điệp viên của tình báo quân đội Liên Xô. Ảnh: Historia.nu.

Nhân viên tình báo quân đội Liên Xô Stig Wennerström đã giữ vị trí tùy viên quân sự Thụy Điển tại Hoa Kỳ trong 5 năm. Sau đó, ông có 2 sự lựa chọn: Hoặc quay trở lại Thụy Điển, hoặc chuyển đến London cho một vị trí thích hợp. Trong hai tuần, Wennerström đã cân nhắc và cuối cùng quyết định quay trở lại Stockholm.

Ông phục vụ trong Bộ Quốc phòng Thụy Điển, nơi ông thực hiện nhiệm vụ liên lạc giữa Không quân và lực lượng quân sự khác, đồng thời làm việc với các tùy viên quân sự. Năm 1961, ông nghỉ hưu và được thuê làm cố vấn cho Bộ Ngoại giao. Trong suốt những năm đó, Wennerström tiếp tục hợp tác với tình báo quân đội Liên Xô.

Tháng 6-1963, trên cầu Norrström ở Stockholm, Stig Wennerström bị Cảnh sát An ninh Thụy Điển bắt. Hiện vẫn chưa rõ bằng cách nào mà lực lượng phản gián Thụy Điển (SEPO) có được thông tin về Wennerström. Một số thông tin cho rằng, ông đã bị cảnh sát chú ý vào năm 1941, khi trở về từ chuyến công tác đầu tiên đến Moscow.

Stig Wennerström thực sự đã đóng “vai trò đặc biệt”, và là một trong những siêu điệp viên có giá trị nhất của GRU. Đó là lý do khiến ông phải nhận một bản án chưa từng có là tù chung thân, bất chấp thực tế mức phạt tù tối đa ở Thụy Điển được giới hạn trong 10 năm.

Nhiều người ta cho rằng, Stig Wennerström trên thực tế không hoạt động chống lại đất nước Thụy Điển. Mối quan tâm của ông chủ yếu tập trung vào NATO và Mỹ. Có thể áp lực từ Washington đã ảnh hưởng đến quá trình buộc tội ông.

Stig Wennerström sau đó nhận bản án chung thân, nhưng được thả năm 1972 và sinh sống ở Stockholm. Ông qua đời trong viện dưỡng lão vào mùa xuân năm 2006 ở tuổi 99.

MINH TUẤN (Theo Zvezdaweekly.ru)