Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố Đạo luật chip châu Âu (European Chips Act)-một nỗ lực trị giá hàng tỷ euro nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp châu Âu, đồng thời ngăn chặn tình trạng thiếu chất bán dẫn trong tương lai và thúc đẩy đầu tư vào ngành công nghiệp này.
Đạo luật dự kiến sẽ thu hút 43 tỷ euro (49 tỷ USD) đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu hoành hành, chất bán dẫn đã trở thành một vấn đề an ninh quốc gia không chỉ đối với Mỹ-nền kinh tế số một thế giới-mà cả đối với các nước châu Âu nơi sở hữu các ngành công nghiệp chế tạo lâu đời. Chất bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là sản xuất thiết bị và linh kiện điện tử. Đại dịch Covid-19 gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến cuộc khủng hoảng chip toàn cầu. Các nhà sản xuất ô tô và tập đoàn công nghiệp khác trong khối EU đã phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chip do đứt gãy chuỗi cung ứng và cả do năng lực tiếp cận công nghệ sản xuất chip của EU còn rất hạn chế.
 |
Ảnh minh họa: Nguồn: solvay.com |
Trong lĩnh vực sản xuất chip, các công ty châu Á đang chiếm ưu thế, dẫn đầu là các doanh nghiệp của Trung Quốc và Hàn Quốc. Công ty Intel của Mỹ, từng giữ vị trí dẫn đầu trong sản xuất chip nhưng nay đã tụt lại phía sau. Tuy nhiên, sau khi ngấm đòn từ cuộc khủng hoảng chip toàn cầu năm 2021, Intel đã công bố kế hoạch đầu tư 20 tỷ USD xây dựng hai nhà máy sản xuất chip ở bang Arizona, Mỹ.
“Đại dịch đã làm bộc lộ lỗ hổng của chuỗi cung ứng chip một cách đau đớn. Tất cả đều biết rằng tình trạng thiếu chip trên toàn cầu đã thực sự làm chậm quá trình phục hồi của chúng tôi”, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch EC cho hay.
Cùng với đạo luật này, EU cũng đặt mục tiêu vào năm 2030 khối này sẽ chiếm 20% thị phần sản xuất chip toàn cầu, so với mức 9% ở hiện tại. Theo các nhà phân tích, nếu muốn kiểm soát vận mệnh của chính mình, các quốc gia EU bắt buộc phải tham gia vào việc thiết kế các hệ thống AI (trí tuệ nhân tạo) thế hệ tiếp theo. Điều này đòi hỏi họ phải tự chủ trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, thiết kế và sản xuất chip.
HẢI LÊ
Hãng công nghệ DSruptive Subdermals của Thụy Điển vừa giới thiệu chip điện tử cấy dưới da mang dữ liệu tiêm vaccine ngừa Covid-19.