Ngay sau khi đặt chân tới Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản đã đến Nghĩa trang Quốc gia Seoul và bày tỏ lòng thành kính với những người yêu nước và các cựu chiến binh Hàn Quốc đã hy sinh trong cuộc chiến giành độc lập cho quốc gia. Chiều cùng ngày, Thủ tướng Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã có cuộc gặp thượng đỉnh tại Seoul, với nội dung thảo luận chính là tăng cường hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, kinh tế, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, cũng như hợp tác về các vấn đề văn hóa và thanh niên. Hai bên kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn để bảo vệ lợi ích chung trong lĩnh vực chất bán dẫn và pin xe điện, trong bối cảnh Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã hành động để bảo vệ ngành công nghiệp của chính mình. Tokyo và Seoul cũng đang trong quá trình khôi phục tư cách đối tác thương mại đáng tin cậy của nhau thông qua khôi phục những ưu đãi xuất khẩu song phương.

leftcenterrightdel

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Seoul, ngày 7-5. Ảnh: Kyodo News

Tại cuộc gặp thượng đỉnh, hai nhà lãnh đạo cũng không quên nhấn mạnh “tầm quan trọng của hợp tác 3 bên Nhật Bản-Hàn Quốc-Mỹ, được hướng dẫn bởi các giá trị chung, được thúc đẩy bởi sự đổi mới và cam kết vì sự thịnh vượng và an ninh chung”, theo Hãng tin Hàn Quốc Yonhap. Hai bên tái khẳng định những nỗ lực chung nhằm cải thiện hợp tác an ninh để đối phó với chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, cũng như bày tỏ ý định tham gia tham vấn chặt chẽ vì an ninh khu vực. 

Truyền thông Nhật Bản và Hàn Quốc đều chung nhận định, cuộc gặp thượng đỉnh lần này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc sưởi ấm mối quan hệ giữa hai bên. Quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, khi bất đồng trong việc giải quyết các tranh chấp về lao động thời chiến ngăn cản hai quốc gia theo đuổi các cuộc đàm phán ngoại giao quan trọng. Chuyến công du gần nhất tới Hàn Quốc của một thủ tướng Nhật Bản là vào tháng 2-2018, khi Thủ tướng Abe Shinzo tới tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang. Những tưởng chuyến thăm có thể mở ra chương mới cho sự hàn gắn, thì ngay sau đó, căng thẳng lại gia tăng khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu hai công ty Nhật Bản phải bồi thường trong vụ kiện lao động cưỡng bức thời chiến của các nguyên đơn người Hàn Quốc, trong khi phía Nhật Bản duy trì tuyên bố cứng rắn, rằng tất cả các vấn đề liên quan đến thời kỳ Nhật Bản cai trị Bán đảo Triều Tiên đã được giải quyết theo thỏa thuận song phương ký năm 1965. Không giải quyết được bất đồng, quan hệ Tokyo-Seoul từ đó đã trở nên căng thẳng với những đòn “ăn miếng trả miếng” trong nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế và ngoại giao. Hiển nhiên là, căng thẳng và trả đũa chỉ khiến hai bên thêm mệt mỏi và thiệt hại. Mối quan hệ căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cũng làm phức tạp thêm những nỗ lực của Mỹ-đồng minh chung của cả Tokyo và Seoul-nhằm xây dựng một liên minh khu vực mạnh mẽ hơn để đối trọng với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực, cũng như trước các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.

leftcenterrightdel
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và phu nhân tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cùng phu nhân tại Seoul (Hàn Quốc), ngày 7-5. Ảnh: Yonhap 

Kể từ khi nhậm chức cách đây vừa tròn năm, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã thể hiện thiện chí muốn cải thiện quan hệ với Tokyo bằng nhiều động thái hàn gắn, trong đó nổi bật là chuyến thăm chính thức tới Nhật Bản hồi tháng 3 năm nay. 

Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Kishida Fumio cũng là chuyến công du đầu tiên tới Hàn Quốc kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 10-2021, như một động thái tiếp nối làm nồng ấm lại quan hệ Tokyo-Seoul. Ngay trước khi lên máy bay rời Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ: “Tôi muốn thẳng thắn trao đổi quan điểm dựa trên sự tin tưởng với Tổng thống Yoon Suk-yeol về nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm các vấn đề xung quanh tranh chấp lao động thời chiến”. Kết quả cuộc gặp thượng đỉnh lần này tại Seoul là một chỉ dấu cho thấy, quan hệ song phương đang đi đúng hướng, rằng cả Nhật Bản và Hàn Quốc đang nỗ lực để khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.

HÀ PHƯƠNG