Trong những năm 1970, chế độ Khmer Đỏ do Pol Pot lãnh đạo đã gây ra nạn diệt chủng, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người Campuchia và tàn phá đất nước Chùa Tháp. Theo thống kê của Chính phủ Campuchia, kể từ khi nội chiến kết thúc năm 1979 đến nay, bom mìn còn sót lại đã giết chết gần 20.000 người, làm bị thương 44.000 người.

Tuy nhiên, vẫn còn hàng triệu vật liệu chưa nổ còn nằm trong lòng đất, đặc biệt ở phía tây bắc Campuchia, dọc biên giới với Thái Lan. Ở phía Đông Campuchia, giáp biên giới Việt Nam, một lượng lớn vật liệu chưa nổ khác chưa được xử lý. Đây là những vật liệu chưa nổ nằm trong số 7,5 triệu tấn đạn dược mà Mỹ và đồng minh đổ vào Đông Nam Á trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Năm 2016, Mỹ đã công bố cơ sở dữ liệu về các chiến dịch ném bom, giúp việc xác định vị trí bom mìn còn sót lại trong chiến tranh dễ dàng hơn.

Chuột khổng lồ châu Phi dò mìn ở Campuchia. (Ảnh: parismatch.com)

Trong những năm qua, quân đội Campuchia đã nỗ lực nhiều trong việc rà phá bom mìn, với việc làm sạch hơn 15 triệu m2 đất cho cộng đồng địa phương, phá hủy hơn 5.000 quả mìn và hơn 41.000 vật liệu nổ khác. Có được kết quả trên một phần là nhờ vào những con chuột khổng lồ châu Phi.

Theo ParisMatch, ý tưởng sử dụng chuột làm máy dò mìn ra đời năm 1995. Nhà khoa học người Bỉ Bart Weetjens, người từng nuôi loài gặm nhấm này làm thú cưng, nhận ra rằng chuột có khứu giác phi thường và con người có thể đào tạo chúng trở nên khôn ngoan hơn. Trong vài năm, ông đã kêu gọi được sự ủng hộ của nhiều người để mở cơ sở nghiên cứu ở Tanzania, trở thành tiền đề cho sự ra đời của tổ chức phi chính phủ APOPO.

APOPO đã lựa chọn những chú chuột túi Gambia, có tên khoa học là cricetome, là ứng cử viên sáng giá cho nhiệm vụ dò mìn, một phần vì chúng tuổi thọ dài, một phần có tính an toàn cao. Những chú chuột được mệnh danh là HeroRAT này không đủ nặng để kích hoạt mìn nổ. Tuy chi phí nuôi một HeroRat khá thấp, chưa bằng nuôi một chú chó trong nhà nhưng chi phí đào tạo lại tốn kém, lên tới 6.000 USD.

Tại trường đào tạo, những con chuột to lớn, có thể nặng tới 1,8 kg, được huấn luyện ngửi mùi thuốc nổ TNT. Khi phát hiện thuốc nổ, chúng sẽ dừng lại, báo hiệu cho người đi cùng, và được khen thưởng bằng một quả chuối. Theo các giám sát viên của Trung tâm hành động mìn Campuchia (CMAC), chuột chứng tỏ khả năng phát hiện bom mìn từ xa nhanh hơn con người. "Chuột làm việc nhanh hơn con người rất nhiều. Trong khu vực rộng 200m2, chúng có thể đánh hơi phát hiện trong chưa đầy 20 phút, trong khi con người phải mất 10 ngày”, CMAC cho hay.

Hiện nay, APOPO và CMAC đang nuôi 50 con chuột khổng lồ châu Phi và sử dụng chúng làm nhiệm vụ dò mìn ở Campuchia. APOPO cũng sử dụng loài chuột này cho nhiều dự án gỡ bom mìn ở các quốc gia như Angola, Mozambique, Thái Lan, Lào và Việt Nam.

HÒA AN (theo ParisMatch)