Trong phiên giao dịch ngày 15-3 vừa qua, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đã giảm 6,57USD xuống còn 96,44USD/thùng, trong khi giá dầu Brent cũng giảm 6,99USD xuống còn 99,91USD/thùng. Nên nhớ rằng, chỉ một tuần trước đó, giá dầu thế giới đã tăng lên mốc gần 140USD/thùng và đây cũng là mức cao nhất được ghi nhận trong gần 14 năm qua.

Giá dầu leo thang phần nào xuất phát từ những lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu mỏ toàn cầu sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, kéo theo việc nhiều quốc gia phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow.

Ô tô xếp hàng chờ mua nhiên liệu tại một trạm xăng ở Bedfordshire, Anh. Ảnh: Sky News

Theo nhận định của các chuyên gia phân tích thị trường, do Nga là quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới nên bất kỳ sự gián đoạn nào đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng của nước này đều có thể khiến giá nhiên liệu tăng cao hơn. Thực tế cũng cho thấy, trong vài tuần qua, thị trường dầu mỏ thế giới liên tục quay cuồng trong cơn bão biến động về giá.

Ngoài ra, trong bối cảnh nhiều quốc gia thực hiện chiến dịch mở cửa trở lại, khôi phục các hoạt động sản xuất, vận tải, du lịch... sau một thời gian dài phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19 cũng khiến nhu cầu tiêu thụ dầu tăng mạnh, đồng nghĩa với giá dầu tăng theo.

Để đối phó với tình trạng gián đoạn nguồn cung, đầu tháng 3 này, các thành viên Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã đồng ý xả 62 triệu thùng dầu dự trữ, tương đương 4% kho dự trữ của IEA. Mới đây, giới lãnh đạo IEA cũng tuyên bố sẽ bơm thêm dầu dự trữ cho các thị trường nếu tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, đồng thời kêu gọi các nước sản xuất dầu mỏ tăng sản lượng khai thác để bình ổn thị trường.

"Mỗi nhà sản xuất dầu mỏ có trách nhiệm bơm thêm dầu ra thị trường", ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành của IEA nhấn mạnh trong một cuộc họp về vấn đề năng lượng.

Cũng chính vì vậy nên việc giá dầu trong phiên giao dịch ngày 15-3 bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 tuần qua được dư luận đánh giá là thông tin rất tích cực. Giải thích về “hiện tượng” này, các chuyên gia nhận định những tín hiệu tích cực từ các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine là một trong những “chất xúc tác” làm giảm sức ép đối với giá dầu thế giới. 

Cùng quan điểm đó, ông Carsten Fritsch, nhà phân tích năng lượng thuộc Công ty nghiên cứu thị trường Commerzbank Research cho rằng, triển vọng về một lệnh ngừng bắn tại Ukraine là yếu tố tác động khiến giá dầu mỏ và khí đốt giảm. 

Theo Reuters, giá dầu giảm còn bắt nguồn từ việc Nga đề xuất khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 trong thời gian tới, cùng với đó là triển vọng từ các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận này có thể dẫn đến việc phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ Iran và mở ra cơ hội để quốc gia này tiếp tục xuất khẩu dầu thô.

Ngoài ra, cũng có nhận định cho rằng, các lệnh phong tỏa mà Trung Quốc-quốc gia đông dân nhất thế giới-áp đặt nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan có thể góp phần làm giảm nhu cầu về dầu mỏ, từ đó khiến giá dầu hạ nhiệt.

Hiện vẫn chưa rõ giá dầu trong vài ngày hoặc vài tuần tới sẽ đi theo xu hướng nào, song chắc chắn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của những vấn đề đã nói ở trên.

Vốn được coi là mặt hàng chiến lược, thậm chí được gọi là “vàng đen”, nhưng thị trường dầu mỏ thế giới lâu nay vẫn chịu ảnh hưởng bởi những biến động về kinh tế, chính trị, xã hội trên toàn cầu. Những gì đã và đang diễn ra có thể được coi là minh chứng rõ ràng nhất.

ANH VŨ