Theo AFP, năm 2023 chỉ có 11/31 nước thành viên NATO đạt chỉ tiêu 2% GDP cho quốc phòng. Con số này nhiều khả năng sẽ tăng lên thành 20 nước trong năm 2024. Hiện trong số những nước chưa đạt chỉ tiêu có Pháp (1,9%), Đức (1,57%), Bỉ (1,15%) ... Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đưa ra dự báo về khả năng này nhưng chưa có gì bảo đảm chắc chắn sẽ thành hiện thực trong bối cảnh các nước trì trệ trong đóng góp ngân sách còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế. 

Nhưng thực tế, số nước thành viên NATO đáp ứng được cam kết đóng góp 2% GDP cho quốc phòng đã tăng so với thời điểm năm 2014 chỉ có 3 nước đáp ứng được mục tiêu quốc phòng của liên minh. Ông Stoltenberg cho biết NATO sẽ đầu tư tổng cộng 380 tỷ USD cho hoạt động quân sự trong năm nay, tương đương 2% tổng GDP của khối và tăng 0,15% so với năm 2023. Bộ Quốc phòng Đức thông báo Berlin sẽ phân bổ 71,8 tỷ euro (76,8 tỷ USD) cho ngân sách quốc phòng trong năm 2024, qua đó đáp ứng mục tiêu 2% GDP mà NATO đề ra. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu xác nhận Paris sẽ là một trong các thành viên NATO đạt được mục tiêu trong năm nay.

Những thông tin trên được công bố trong bối cảnh những dự báo về khả năng ông Trump sẽ quay trở lại Nhà Trắng gia tăng. Ông Trump cách đây ít ngày tiết lộ nội dung cuộc đối thoại với “lãnh đạo một quốc gia lớn” tại hội nghị của NATO khi ông còn tại chức, trong đó ông nói sẽ “khuyến khích Nga làm bất cứ thứ gì mà họ muốn” với thành viên NATO không đóng góp đủ ngân sách.

Khi còn tại chức, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích các nước NATO thiếu trách nhiệm trong việc đóng góp đủ tiền. Ông cũng nhiều lần cảnh báo Mỹ sẽ không bảo vệ các đồng minh theo Điều 5 của NATO nếu họ không đáp ứng mục tiêu chi tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng. Theo Điều 5 của NATO, bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào một thành viên của khối cũng được coi là đòn tấn công nhằm vào cả liên minh và NATO sẽ phối hợp đáp trả. Ông Trump còn dọa rút Mỹ khỏi liên minh, cho rằng tổ chức này đã “lỗi thời” và làm tiêu tốn quá nhiều tài nguyên của Washington.

leftcenterrightdel

Các quân nhân Mỹ được triển khai tới Đông Âu hồi tháng 2-2022 để hỗ trợ đồng minh, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine (ảnh minh họa). Ảnh: Reuters 

Trung tướng về hưu Keith Kellogg, Chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Trump và hiện là cố vấn chính sách của ông Trump còn đề xuất một hệ thống phân cấp cho NATO nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cuối năm nay. Theo đó, một số thành viên của NATO sẽ được hưởng mức độ bảo vệ cao hơn nếu tuân thủ tốt các quy định của khối, còn các nước chi dưới 2% GDP cho quốc phòng sẽ không được hưởng chính sách phòng thủ tập thể của liên minh. 

Không rõ NATO lo ngại những lời đe dọa của ông Trump tới mức nào, nhưng theo nhà lãnh đạo NATO, việc các nước châu Âu cam kết tăng chi tiêu quốc phòng là bằng chứng cho thấy họ đã lắng nghe các thông điệp chỉ trích. Bình luận về phát biểu đe dọa của ông Trump, ông Stoltenberg nói Mỹ nhận thức rõ tầm quan trọng của NATO đối với an ninh của Washington. Ông nhấn mạnh, Mỹ chưa bao giờ phải hành động một mình khi xảy ra chiến tranh và bất kỳ ý tưởng nào về việc các đồng minh không bảo vệ lẫn nhau sẽ làm suy yếu toàn bộ an ninh của cả khối, trong đó có Mỹ.

Theo giới phân tích, châu Âu đã quá tự tin khi cho rằng ổn định đã được tái lập sau nhiều thập niên hòa bình và ưu tiên phát triển kinh tế mà lơ là quốc phòng. Nhưng kể từ khi cuộc chiến Ukraine bùng nổ hồi tháng 2-2022, châu Âu mới “thấm thía” việc bị phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ về mặt quốc phòng cũng như bảo đảm an ninh. Trả lời Đài truyền hình Pháp BFMTV mới đây, Tướng Pháp Jérôme Pellistrandi cho biết, là cường quốc lớn nhất thế giới, Mỹ chiếm gần nửa năng lực quân sự của NATO và nằm trong số những nước đóng góp nhiều nhất cho hoạt động của NATO. Ngoài ra, Mỹ còn có “khả năng phân tích và tình báo mà các nước đồng minh không thể thay thế. Mỹ là tai mắt của châu Âu”.

Lời cảnh báo của cựu Tổng thống Trump buộc các nước châu Âu hình dung ra một tương lai có thể không còn “lá chắn” Mỹ. Trong khi đó, tham vọng tự chủ chiến lược châu Âu do Pháp khởi xướng, vẫn đang rất khó khăn để biến thành hiện thực. Một trong những động thái cho thấy sự “thức tỉnh” của châu Âu đó là Pháp và Đức đã tăng đáng kể ngân sách quốc phòng khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Thụy Điển tái khởi động nghĩa vụ quân sự. Ba Lan đầu tư 3,9% GDP cho quốc phòng. Trả lời kênh truyền hình Quốc hội Pháp “Public Sénat”, Tướng Pháp Dominique Trinquand lưu ý rằng “3/4 các nước châu Âu thành viên NATO không muốn Mỹ rút khỏi khối. Tuy nhiên, cần phải tái vũ trang, cơ cấu lại và chuẩn bị để châu Âu thành trụ cột của NATO”. Châu Âu cần tự chủ quốc phòng nhưng “cần phải phát triển trong khuôn khổ NATO”.

XUÂN PHONG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.