Là những bạn trẻ khao khát chinh phục tri thức, góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, họ đã và đang miệt mài nỗ lực và học tập tại nhiều quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, dù ở đâu, làm gì thì các em vẫn hướng trái tim về quê hương, về gia đình khi Tết đến Xuân về.

Tết đầu tiên xa nhà

Năm nay, bạn Trần Thị Khánh Linh phải đón cái Tết xa nhà đầu tiên sau khi rời Việt Nam để du học thạc sĩ báo chí ở trường Đại học Aarhus, Đại học Danish School of Media and Journalism tại Đan Mạch (giai đoạn 1) và Đại học Amsterdam tại Hà Lan (giai đoạn 2).

Không được đi thả cá chép ngày 23 tháng Chạp, không được bày mâm ngũ quả, cùng mẹ nấu mâm cỗ Tết, dọn dẹp nhà cửa hay đi mua cành đào Nhật Tân cùng bố, Khánh Linh thấy thiếu vắng hơi ấm từ quê nhà.

Nữ sinh Hà Thành cho biết, do lịch học của chương trình không nghỉ Tết âm lịch giống Việt Nam, chưa kể nội dung chương trình học cũng khá nặng, nhiều bài tập nên cô không thể về Việt Nam ăn Tết. Không chỉ vậy, Khánh Linh hiện đang thực tập tại một startup về AI-Generator (một công cụ giúp tạo ra nội dung tự động bằng trí tuệ nhân tạo) khiến quỹ thời gian kín hoàn toàn.

Khoảnh khắc giao thừa tại Việt Nam thì ở Đan Mạch điểm 6 giờ sáng. Trước khi đến trường, Linh gọi điện về cho bố mẹ, gửi gắm những lời chúc bình an và bày tỏ nỗi nhớ nhà trong mùa Tết đầu tiên xa quê. Dù không thể tổ chức đón Tết chu đáo nhưng Khánh Linh vẫn cùng các bạn gói bánh chưng, nấu mâm cỗ Tết truyền thống vào chiều 30 Tết tại Đan Mạch.

leftcenterrightdel
Cờ Tổ quốc luôn đồng hành cùng Khánh Linh (bên phải) trên khắp mọi nẻo đường của châu Âu. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Du học thạc sĩ theo chương trình Erasmus (chương trình trao đổi sinh viên của Liên minh châu Âu được thành lập vào năm 1987) ngành Mỹ phẩm và Da liễu tại Đại học Eastern Piedmont của Italy. Năm nay, lịch thi học kỳ của Nguyễn Vân Trang lại trùng với Tết Nguyên đán nên cô không thể về Việt Nam. Vân Trang chia sẻ: "Mỗi lần mở mạng xã hội, thấy mọi người được ở bên gia đình, bạn bè chuẩn bị đón Tết mà trong lòng tôi cồn cào nỗi nhớ nhà. Tôi rất nhớ cái cảm giác đi dọc đường Lạc Long Quân ngắm đào Nhật Tân, quất Tứ Liên khoe sắc hay những lúc cùng bố mẹ dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị mâm cơm ngày Tết. Những điều tưởng chừng giản đơn nhưng đúng là đi xa rồi mới thấy ý nghĩa, thấy trân trọng từng phút giây đầm ấm bên gia đình".

leftcenterrightdel
Vân Trang (thứ 2 từ phải qua) cùng các du học sinh tại buổi học thực hành. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Thật vinh dự, Vân Trang được mời tham gia buổi họp mặt Xuân Quê hương ở thành phố Milano do Đại sứ quán Việt Nam tại Italy tổ chức. Sau khi được tự tay gói bánh chưng, quây quần đầm ấm chia sẻ cùng các cô chú, anh chị, bạn bè đồng hương về niềm vui cũng như khó khăn trong một năm qua đã giúp Vân Trang vơi đi nỗi nhớ nhà.

Dịp để quảng bá văn hóa Việt Nam

Là sinh viên trao đổi, Võ Đại Nguyên được ví như “lính đánh thuê” tại trời Âu. Bởi, theo đúng chương trình thạc sĩ thì mỗi năm cậu sẽ học một nước khác nhau. Cụ thể, năm đầu tiên sẽ học ở Đại học Bangor (Vương quốc Anh), năm 2 học Đại học Gottingen (Đức) và trước đó, cậu là sinh viên chuyên ngành Quản lý lâm nghiệp và thiên nhiên bền vững của Đại học Nông nghiệp (Thụy Điển).

leftcenterrightdel

Võ Đại Nguyên (ngoài cùng bên phải) trong buổi học thực hành. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Mỗi khi nhắc về Tết, Đại Nguyên không giấu nổi sự xúc động vì suốt 3 năm không thể về Việt Nam. Đại Nguyên cho biết, hồi ở Thụy Điển thì không có đủ tài chính để mua vé máy bay, còn Vương quốc Anh và Đức lại trùng với lịch thi cuối học kỳ. 3 cái Tết xa nhà, nỗi nhớ quê hương của Đại Nguyên chưa bao giờ vơi đi. Việc cậu có thể làm để xoa dịu nỗi nhớ chính là học tập, là chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi bởi khối lượng kiến thức đồ sộ đang đợi mình.

Chính vì khối lượng kiến thức to lớn ấy nên dịp Tết Nguyên đán 2023,  Đại Nguyên rơi vào trạng thái trầm cảm, không được đón Tết, cậu cũng chẳng thể tìm thấy đồ ăn Việt Nam tại nơi mình sinh sống. Đêm Giao thừa hay sáng mồng 1 Tết ở Việt Nam nhưng lại là một ngày bình thường ở trời Âu nên cậu vẫn bắt đầu ngày mới bằng việc tới trường.

Nhớ lại Tết đầu tiên xa nhà, Đại Nguyên hào hứng kể: "Mình khá may mắn khi được bạn mời tới thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) để ăn tết với cộng đồng người Việt Nam và hòa cùng không khí gói bánh chưng, thức trắng đêm trông nồi bánh chưng như ở Việt Nam". Năm nay, Đại Nguyên cùng với các bạn sinh viên quốc tế tại trường đón Tết Việt, tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống, qua đó quảng bá văn hóa Tết ở Việt Nam cho bạn bè quốc tế.

leftcenterrightdel

Với Quang Huy  (thứ 2, từ bên phải), Tết là dịp để quảng bá văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Bạn Bùi Quang Huy đang học thạc sĩ năm đầu tiên chuyên ngành Lâm nghiệp Châu Âu tại Đại học Đông Phần Lan (Phần Lan). Theo đúng lịch, kỳ nghỉ đông sẽ kết thúc vào cuối tháng 1, thời điểm này trùng với dịp Tết Nguyên đán của Việt Nam nên Quang Huy cũng không trở về quê hương đón Tết bên gia đình.

Trải nghiệm ăn Tết xa nhà ở Phần Lan, Quang Huy lại tìm thấy niềm vui mới đón Tết cùng bạn bè đến từ khắp nơi trên thế giới. Nhân dịp này, chàng trai 25 tuổi giới thiệu văn hóa đất Việt, nhất là Tết cổ truyền đến bạn bè năm châu, mang tới một không gian văn hóa đa sắc màu và nhiều điều thú vị. Để vơi đi nỗi nhớ nhà, Quang Huy gọi video về Việt Nam trong đêm Giao thừa để cùng gia đình đếm ngược khoảnh khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới.

“Mục tiêu của mình trong thời gian tới là hoàn thành xuất sắc chương trình học và thực hiện các dự án cá nhân, nhằm tích lũy kinh nghiệm cho công việc tương lai. Ngay sau khi tốt nghiệp, mình sẽ trở về Việt Nam thay vì ở lại Phần Lan để bù đắp những cái Tết xa nhà và thưởng thức những món ăn Việt”, Quang Huy cho hay.

Có thể thấy, dù ở đâu, làm gì thì hình ảnh gia đình sum vầy, đầm ấm cùng hương vị Tết của quê hương vẫn luôn in đậm trong tâm trí của những du học sinh xa quê. Với họ, Tết chỉ thật trọn vẹn khi được ở bên gia đình! Đó chính là ước muốn, khao khát và là động lực để mỗi du học sinh như Khánh Linh, Vân Trang, Quang Huy, Đại Nguyên nỗ lực phấn đấu.

KHÁNH AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.