Bangladesh đã và đang phải trải qua đợt mất điện tồi tệ nhất kể từ năm 2014. Giao thông ở các thành phố trở nên tắc nghẽn.
Nước này buộc phải áp dụng các biện pháp cực đoan như đóng cửa trường học thêm một ngày mỗi tuần, văn phòng chính phủ và ngân hàng rút ngắn ngày làm việc. Các cửa hàng phải dùng đèn pin để bán hàng trong khi người dân đổ xô đến các trạm nhiên liệu để mua dầu diesel chạy máy phát điện.
Đây là những dấu hiệu cho thấy nguồn cung nhiên liệu ở quốc gia Nam Á này bị gián đoạn trong bối cảnh giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao, nhất là cuộc khủng hoảng giá năng lượng ở châu Âu do nguồn cung từ Nga bị gián đoạn.
Bangladesh là một trong những nạn nhân bị vạ lây bởi cơn "khát" năng lượng ở châu Âu. Nguồn cung khí đốt đáng lẽ bán cho châu Á đã bị chuyển hướng sang châu Âu do các nước giàu ở lục địa này chủ trương bằng mọi cách phải có được các nguồn cung năng lượng thay thế nhiên liệu nhập khẩu bị hạn chế của Nga.
 |
Hàng triệu người dân Pakistan phải sống trong tình cảnh không có điện trong hơn 12 giờ mỗi ngày. Trong ảnh: Một xe bán hàng rong trên đường phố Pakistan trong đêm. Ảnh: Bloomberg |
Trong bối cảnh mùa đông lạnh giá, châu Âu càng gia tăng nhu cầu tích trữ khí đốt để sưởi ấm. Giờ lục địa già đã có thể yên tâm phần nào vì dự trữ khí đốt đã ở mức cao và gần như được chứa đầy. Theo Bloomberg, họ đã mua đủ dầu và khí đốt cho mùa đông tới.
Ông Saul Kavonic, nhà phân tích năng lượng tại Credit Suisse cho biết: “Những lo ngại về an ninh năng lượng ở châu Âu đã dẫn đến tình trạng “đói” năng lượng ở những quốc gia nghèo hơn. Châu Âu đã cố gắng hút cạn kiệt khí đốt từ các quốc gia bằng bất cứ giá nào.”
Chỉ khổ cho các nước nghèo vì phải chật vật hơn bao giờ hết để tìm kiếm các nguồn năng lượng khác. Các nước này không thể tranh giành nguồn cung năng lượng với châu Âu vì năng lực tài chính hạn chế không thể đọ được với nhà giàu. Đơn cử như trường hợp của Pakistan, nước vốn đã ký hợp đồng dài hạn với nhà cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nước ngoài ở Italy và Qatar từ hơn một thập kỷ trước đề phòng khả năng giá cả biến động.
Nhưng giờ đây, những công ty này bất chấp việc vi phạm hợp đồng với Pakistan để phục vụ các thị trường châu Âu béo bở, nơi một số nước giàu có sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua được LNG. Hậu quả là hàng triệu người dân Pakistan phải tiếp tục sống trong tình cảnh không có điện trong hơn 12 giờ mỗi ngày. Lần đầu tiên, chẳng khác nào “trứng chọi đá”, các quốc gia như Pakistan, Bangladesh và Thái Lan buộc phải cạnh tranh giá năng lượng với Đức và các nền kinh tế khác gấp nhiều lần quy mô của họ.
Các nước Nam Á khác như Ấn Độ, Sri Lanka cũng trong tình cảnh khó khăn tương tự vì không dễ để tìm nguồn khí đốt khi giá bị đẩy lên cao vì tình trạng thiếu hụt năng lượng ở châu Âu. Giới phân tích cho rằng, hậu quả nghiêm trọng có thể thấy đó là nhà máy ngừng hoạt động, tình trạng thiếu điện thường xuyên xảy ra, từ đó kéo theo những bất ổn xã hội và có thể kéo dài sang cả thập kỷ tới.
Khu vực Nam Á thời tiết đang dần lạnh hơn nên nhu cầu bảo đảm nguồn cung năng lượng càng cao. Trong khi đồng USD mạnh lên càng khiến các quốc gia ở khu vực này bối rối vì họ phải lựa chọn giữa việc mua nhiên liệu và thanh toán các món nợ. Nhưng việc mua nhiên liệu cũng không phải dễ vì các nhà cung cấp đang trở nên cảnh giác hơn với việc bán năng lượng cho các nước có thể sắp vỡ nợ.
Bloomberg cho biết, ngay cả các hồ sơ dự thầu của những nước khó khăn về tài chính cho việc giao hàng bắt đầu từ nhiều năm tới đây cũng đều bị khước từ. Trước đây, để đối phó với thực trạng thiếu hụt năng lượng trong ngắn hạn, các nước có thể ký hợp đồng cung cấp dài hạn và trả trước một số tiền nhất định để bảo đảm việc giao hàng.
Nhưng điều này giờ cũng không được chấp nhận. Ấn Độ đã thất bại trong việc cố gắng chốt các lô hàng bắt đầu vận chuyển vào năm 2025. Bangladesh và Thái Lan cũng cho biết họ không thể có được những hợp đồng để nhận được hàng trước năm 2026. Pakistan cũng đã không thể hoàn tất hợp đồng kéo dài 6 năm để có thể bắt đầu vào năm sau và những nỗ lực mua hàng ngắn hạn của họ cũng không thành công.
Theo Bloomberg, châu Âu đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cảng nổi để dễ dàng vận chuyển nhiên liệu trong tương lai. Nhu cầu về khí đốt tự nhiên của châu Âu dự kiến sẽ tăng gần 60% cho đến năm 2026. Vì vậy, cảnh báo trên là hoàn toàn có cơ sở nếu các nước nghèo không tìm ra được giải pháp để tự cứu mình.
Giải pháp cho các nước bị vạ lây giờ đây có thể sẽ là sử dụng các nhiên liệu rẻ hơn như than và dầu hoặc tìm cách phát triển các nguồn lực trong nước. Bangladesh có thể sẽ tính tới việc đẩy mạnh thăm dò khí đốt tự nhiên cả trên đất liền lẫn ngoài khơi để thay thế LNG đang ngày một đắt đỏ.
Ông Shaiq Jawed, Giám đốc điều hành tại JK Group, nhà cung cấp hàng dệt may có trụ sở tại Pakistan cho các chuỗi khách sạn toàn cầu, cho biết: “Vào mùa hè này, đây là lần đầu tiên sau 25 năm, công ty chỉ nhận được một nửa lượng khí đốt cần thiết. Nếu cần, chúng tôi có thể dựa vào điện và năng lượng từ than đá". Các quốc gia ở Nam Mỹ, như Brazil và Argentina có thể dựa vào thủy điện để vượt qua cơn bão khủng hoảng năng lượng hiện nay.
MAI NGUYÊN