Hãng tin tức địa phương Hoodline đang hoạt động trên quy mô toàn nước Mỹ tự hào tuyên bố khẩu hiệu “Bản tin chuyên sâu về khu vực nhà bạn”. Nhưng trên thực tế, các tin tức thuộc đủ nội dung như tội phạm, chính trị địa phương, thời tiết hay những sự kiện đều do các “nhà báo” AI không có thật viết ra. Bên cạnh những dòng tên tác giả như: Sarah Kim, Jake Rodriguez, Mitch M.Rosenthal đều có một ký hiệu nhỏ với dòng chữ “AI”. Những cái tên đó không thuộc về con người thật nào cả mà bài viết được viết bằng cách sử dụng AI. 

leftcenterrightdel

Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ công việc làm báo của các phóng viên đã trở nên phổ biến tại Mỹ. Ảnh minh họa: baodantoc.vn

Hoodline không phải trang tin tức duy nhất khai thác AI mà nhiều hãng tin khác trên khắp thế giới cũng đang vật lộn với việc làm sao để tận dụng các lợi thế của công nghệ đang phát triển nhanh chóng này theo cách hữu ích nhất mà không bị nó lấn át. Nhiều chuyên gia về AI đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc phụ thuộc quá nhiều vào AI có thể hủy hoại uy tín của các hãng tin, đe dọa niềm tin của công chúng đối với những tin tức và nhất là làm gia tăng nguy cơ lan truyền thông tin sai lệch nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Các hãng truyền thông tích hợp AI vào xuất bản tin tức đã nhận thấy AI phản tác dụng như thế nào. Các bài báo do AI tạo ra trên trang tin công nghệ CNET đã mắc phải những lỗi đáng xấu hổ. Chủ sở hữu loạt tờ báo lớn nhất nước Mỹ-Gannett-đã phải rút lại một bản tin thí điểm do AI thực hiện về các trận đấu thể thao ở trường trung học sau khi bị công chúng chế nhạo. Tạp chí Sports Illustrated cũng đã phải xóa một số bài báo khỏi trang web của mình sau khi những bài này bị phát hiện được xuất bản dưới tên tác giả không có thật. 

Hoodline là hãng tin tức siêu địa phương, có trụ sở tại San Francisco, từng tuyển dụng rất nhiều nhà báo. Trang này đã mở rộng thành mạng lưới toàn quốc gồm các trang web địa phương, đưa tin tức và sự kiện ở các thành phố lớn trên cả nước và thu hút hàng triệu độc giả mỗi tháng. Kể từ năm ngoái, Hoodline bắt đầu lấp đầy trang web của mình bằng những bài viết do AI tạo ra. Lãnh đạo của Hoodline không tiết lộ hệ thống AI mà hãng tin này đang sử dụng, chỉ gọi đó là “phần mềm được xây dựng tùy chỉnh và độc quyền, kết hợp với các đối tác AI tiên tiến nhất để tạo ra bài viết dựa trên thực tế, sẵn sàng xuất bản”. Mỗi bài viết đều được các biên tập viên giám sát trước khi xuất bản. 

Tuy nhiên, những trang tin tức sử dụng các “nhà báo” AI như Hoodline cũng đang phải đối mặt với vấn đề vi phạm bản quyền. Liên minh tin tức/truyền thông, đại diện cho hơn 2.200 nhà xuất bản Mỹ, đã hỗ trợ các hãng tin thực hiện hành động pháp lý chống lại các nhà phát triển AI đang thu thập nội dung tin tức mà không được phép.

Danielle Coffey, Giám đốc điều hành của tổ chức này nói với CNN rằng nội dung của Hoodline “có thể vi phạm luật bản quyền”, bất chấp việc người đứng đầu công ty mẹ của Hoodline là ông Zachary Chen khẳng định hãng tin này rất coi trọng luật bản quyền và có các quy trình được cải tiến nhiều để nghiêm túc ngăn chặn việc này.

Bên cạnh những chỉ trích đối với việc sử dụng các “nhà báo” AI và có một thực tế là công chúng không chấp nhận những tin tức do AI tạo ra, vẫn có những bênh vực cho công cụ này. AI hỗ trợ các nhà báo nghiên cứu và xử lý dữ liệu, giảm chi phí trong bối cảnh tài chính khó khăn.

Theo chuyên gia Felix Simon, chuyên về AI và tin tức kỹ thuật số từ Viện Nghiên cứu báo chí Reuters thuộc Đại học Oxford, AI giúp các nhà báo địa phương tiết kiệm thời gian để họ có thể tập trung thực hiện các cuộc điều tra chuyên sâu có chất lượng hơn. Việc này khác với việc tung ra một lượng lớn câu chuyện chất lượng thấp mà không cung cấp những thông tin kịp thời và phù hợp về những gì đang xảy ra trong cộng đồng, cũng như giúp họ hiểu rõ hơn về những gì đang xảy ra xung quanh sẽ ảnh hưởng đến họ như thế nào.

Nhưng dù thế nào, việc phải chứng kiến công việc của các nhà báo bằng xương bằng thịt bị thay thế bởi những “nhà báo” AI cũng là điều thật khó tưởng tượng. Cô Nuala Bishari, cựu phóng viên của Hoodline đã viết trong một chuyên mục gần đây cho tờ San Francisco Chronicle rằng việc nhìn thấy công việc trước đây của cô được thay thế bởi AI là một điều “siêu thực”. Theo cô Bishari, nếu không có sự thay đổi lớn, báo chí sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng theo chiều hướng không mong muốn như đang thấy. Nếu không, sẽ không chỉ những hãng tin như Hoodline mới có nguy cơ bị tuyệt chủng hoặc bị AI biến thành những “xác sống”, mà cả những tổ chức tin tức khác nữa.

MAI NGUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.