Nhiều sáng kiến đã được đưa ra, bao gồm tổng đài tư vấn liên quan đến sự cô đơn theo đường dây nóng 24/7, triển khai các chuyên gia tới thăm khám và tư vấn trực tiếp, mở rộng các dịch vụ tư vấn tâm lý và không gian xanh, xây dựng “hệ thống tìm kiếm” để xác định những cư dân nào đang sống cô lập cần được giúp đỡ, tổ chức các hoạt động khuyến khích mọi người ra ngoài và kết nối với người khác... “Cô đơn và cô lập không chỉ là vấn đề cá nhân mà là nhiệm vụ mà xã hội phải cùng nhau giải quyết”, Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon nhấn mạnh.
 |
Nhằm sớm giải quyết “đại dịch cô đơn”, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra nhiều sáng kiến. Ảnh minh họa: tuoitre.vn
|
Có lẽ với nhiều người, khi cảm thấy cô đơn thì chỉ cần đi “chữa lành” sẽ thấy nguôi ngoai. Tuy nhiên, tình trạng người dân cô đơn đã thu hút sự chú ý của chính quyền Hàn Quốc thời gian qua khi số lượng vấn đề liên quan không hề nhỏ. Thậm chí, mỗi năm có hàng nghìn người dân Hàn Quốc - chủ yếu là đàn ông trung niên - qua đời trong thầm lặng và đơn độc. Bộ Y tế và Phúc lợi nước này còn ghi nhận số trường hợp như vậy có xu hướng tăng, từ 3.661 người trong năm ngoái so với 3.559 người vào năm 2022 và 3.378 người của năm 2021. Đôi khi phải mất vài ngày hoặc vài tuần thì người thân, bạn bè của họ mới phát hiện ra.
Tuy nhiên, những trường hợp đó, còn được gọi là “godoksa” trong tiếng Hàn, chỉ là một lát cắt trong bức tranh hiện tượng “đại dịch cô đơn” - thuật ngữ chỉ mối đe dọa ngày càng lớn khi nhiều người cô lập mình với xã hội. Yonhap dẫn thống kê cho biết, Hàn Quốc có tới 244.000 người chọn lối sống ẩn dật, rút lui khỏi đời sống thường nhật và dành thời gian dài chỉ ở nhà một mình.
Lý giải về vấn đề này, theo Giáo sư tâm lý học An Soo-jung tại Đại học Myongji (Hàn Quốc): Trong một số nền văn hóa, cô đơn được coi là cảm giác xảy ra khi các mối quan hệ không được thỏa mãn. Ở Hàn Quốc, người dân sẽ cảm thấy rất cô đơn khi họ cho rằng mình không đủ xứng đáng hoặc thiếu mục đích sống.
Nhiều người trẻ còn rất nhạy cảm với những lời chỉ trích trong khi lại quá khắt khe với bản thân và sợ thất bại. Một nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm của Giáo sư An Soo-jung cũng xác định các yếu tố khác thúc đẩy cảm giác cô đơn ở xã hội Hàn Quốc, trong đó có sự gia tăng của những gia đình chỉ có một người, sự suy giảm các tương tác xã hội bên ngoài công việc và gia đình, sự thống trị của phương tiện truyền thông xã hội và cách nó nuôi dưỡng cảm giác bất lực, văn hóa cạnh tranh để lập thành tích....
Nhằm sớm giải quyết “đại dịch cô đơn”, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra nhiều sáng kiến, đơn cử như thông qua “Đạo luật phòng ngừa và quản lý cái chết cô đơn”, trong đó yêu cầu biên soạn một kế hoạch toàn diện và báo cáo tình hình 5 năm một lần. Năm ngoái, nước này cũng sửa đổi luật nhằm hỗ trợ tài chính cho thanh, thiếu niên sống ẩn dật lên tới 650.000 won mỗi tháng để trang trải chi phí sinh hoạt, khôi phục lại các mối quan hệ xã hội và tìm việc làm.
Dẫu vậy, Hàn Quốc không đơn độc trong cuộc chiến này. Một cuộc khảo sát trên 142 quốc gia của Meta-Gallup vào năm 2023 cho thấy, cứ 1 trong 4 người trưởng thành trên khắp thế giới cho biết họ cảm thấy cô đơn, nếu không nói là rất cô đơn. Cùng năm, Tổng hội Y sĩ Mỹ cảnh báo về sự bùng phát của “đại dịch cô đơn”, cho biết sự cô lập có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe, thậm chí có thể rút ngắn tuổi thọ tương đương việc hút 15 điếu thuốc lá mỗi ngày.
Năm 2018, Vương quốc Anh bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng chuyên giải quyết các vấn đề liên quan tới sự cô độc của người dân xứ sương mù. Nhật Bản cũng hình thành vị trí nội các này trong năm 2021. Đồng thời, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa “tình trạng cô đơn” vào danh sách những mối đe dọa cấp bách với sức khỏe toàn cầu và thành lập một ủy ban chuyên trách để ứng phó vấn đề đó.
VĂN HIẾU
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.