Theo Tổng thống Brazil, thiên nhiên bị ô nhiễm suốt hơn 200 năm qua do phát triển công nghiệp, cần các nước phát triển chi tiền để khôi phục những gì đã bị hủy hoại. Nhà lãnh đạo Brazil đang đi những bước mạnh mẽ hơn để buộc các nước giàu vốn bị cho là gián tiếp “phá rừng từ xa” tại các nước nghèo phải có trách nhiệm trong việc bảo tồn tất cả khu rừng nhiệt đới lớn và quan trọng nhất trên thế giới, chứ không riêng gì “lá phổi xanh” Amazon.

Từng có một nghiên cứu của những nhà khoa học Nhật Bản công bố trên Tạp chí Nature chỉ ra tác động tiêu cực của nhu cầu tiêu thụ tại các nước giàu đối với rừng và hệ sinh thái ở các nước nghèo. Nghiên cứu cho rằng, gia tăng tiêu dùng đối với các sản phẩm như: Chocolate, cao su, bông, đậu nành, thịt bò và gỗ quý tại các nước giàu hơn đã dẫn tới phá rừng để khai thác hoặc lấy đất trồng những nông sản đó ở các nước nghèo hơn. 

Cháy rừng ở bờ biển phía tây đảo Maui của Hawaii Ảnh:AP 

Trong tuyên bố chung sau hội nghị ACTO có tựa đề “Đoàn kết vì các khu rừng của chúng ta”, các nước: Bolivia, Brazil, Colombia, Cộng hòa dân chủ Congo, Ecuador, Guyana, Indonesia, Peru bày tỏ quan ngại vì các nước giàu không chịu thực hiện cam kết cung cấp 100 tỷ USD tài chính khí hậu thường niên cho các nước đang phát triển, kêu gọi tăng lên 200 tỷ USD vào năm 2030. Bên cạnh đó, những “chủ rừng” này cũng kêu gọi các quốc gia phát triển thực hiện cam kết cung cấp 200 tỷ USD/năm để bảo tồn đa dạng sinh thái.

Rừng Amazon, rừng mưa nhiệt đới Congo Basin và khu vực Đông Nam Á là nơi có những khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, những hệ sinh thái quan trọng có khả năng hấp thu khí thải CO2 và là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật. 3 nước: Brazil, Indonesia và Cộng hòa dân chủ Congo hiện sở hữu 52% diện tích rừng nhiệt đới nguyên sinh còn lại trên thế giới, vốn được xem như những bể chứa carbon rộng lớn, đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực kiểm soát biến đổi khí hậu. Ba nước đã ký một thỏa thuận hợp tác cùng hành động bảo tồn rừng nhiệt đới thông qua cái được ví như tổ chức “OPEC rừng nhiệt đới”.

Các quốc gia ở những khu vực có rừng mưa nhiệt đới đang được tập hợp để tạo thành một mặt trận đoàn kết dưới sự tiên phong của Brazil, nhằm đạt được mục tiêu tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Công ước khung của Liên hợp quốc (COP28) về biến đổi khí hậu dự kiến diễn ra vào tháng 11 năm nay ở Dubai. Theo Tổng thống Brazil Lula da Silva, tại COP28, những nước này cần thuyết phục các nước giàu có rằng nếu muốn bảo tồn hiệu quả những phần còn lại của các khu rừng thì họ phải chi tiền. Những nước giàu không chỉ cần chăm sóc rừng mà cần hỗ trợ cho cả những người sinh sống trong rừng. Tiền của các nước phải được đặt đúng chỗ trong nỗ lực bảo vệ các khu rừng còn lại. Nhà lãnh đạo Brazil nói rằng, các nước có diện tích rừng nhiệt đới rộng lớn cần có hàng trăm tỷ USD tài chính khí hậu và có vai trò lớn hơn trong việc quyết định các tài nguyên này được sử dụng như thế nào. 

Nỗ lực kêu gọi nguồn tài chính từ các nước giàu không hề dễ dàng do nhiều yếu tố, trong đó bao gồm việc các nước từ chối đóng góp tiền mà áp dụng các hình thức khác để thể hiện cái gọi là “trách nhiệm”. Những thị trường tiêu thụ hàng hóa từ rừng lớn, chẳng hạn như Liên minh châu Âu (EU), thay vì góp tiền đã ưu tiên thiết lập lệnh cấm đối với những hàng hóa liên quan đến nạn phá rừng.

Tuy nhiên, những nước giàu không phải là bên duy nhất phải chịu trách nhiệm. Chính những nước đang có rừng nhiệt đới cũng cần phải nỗ lực chung tay giữ và cứu nguồn tài nguyên vô giá này bằng cách ngăn chặn nạn phá rừng bừa bãi ở nước mình. Nạn phá rừng được ghi nhận đang gia tăng ở vùng rừng Amazon thuộc Bolivia.

Hội nghị COP28 trong thời gian tới sẽ là một phép thử đối với các nỗ lực của những nước có rừng nhiệt đới. Một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên nói rằng, bước tiếp theo là các nước này phải trình bày kế hoạch giải quyết nạn phá rừng bao gồm những con số về chi phí. Các nước giàu cần biết giá trị của việc chuyển tiền mặt theo mức được yêu cầu mà Hội nghị ACTO đưa ra. Họ cần phải biết “tiền của mình sẽ được đầu tư vào đâu, mục đích là gì và thời hạn như thế nào?”.

HẠNH NGUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.