Nhưng cũng không ít người trong số đó buộc phải tìm tới các cơ sở cai nghiện cờ bạc để mong tìm lối thoát vì nhận ra lao vào trò “đỏ đen” là lao vào con đường cùng.

Tổ chức từ thiện GamCare hỗ trợ cai nghiện cờ bạc tại Anh vừa đưa ra cảnh báo sức ép chi phí sinh hoạt leo thang tại Anh đang đẩy một số người lao vào đánh bạc và đầu tư tiền ảo như một cách cuối cùng để kiếm sống. GamCare cho biết nhận được nhiều cuộc gọi từ những người đang phải sống nhờ trợ cấp của nhà nước nhưng lại mang tiền đi đánh bạc, với hy vọng kiếm thêm để trang trải cuộc sống trong thời buổi lạm phát, giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, rồi sau đó thua bạc.

Trong số này có cả những người đã được hỗ trợ cai nghiện cờ bạc thành công nhưng lại tái nghiện do áp lực tài chính ngày càng lớn. Nhiều người gọi tới các tư vấn viên qua đường dây hỗ trợ của GamCare, đặc biệt là những người đã cai cờ bạc, thổ lộ rằng chi phí sinh hoạt làm ảnh hưởng đến hành vi cờ bạc của họ. Cả những người chơi tiền ảo cũng gọi tới GamCare đề nghị hỗ trợ sau những giao dịch tiền ảo khiến tiền thật của họ “không cánh mà bay”. 

Ảnh minh họa: Vneconomy.vn

Một cuộc thăm dò do công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường YouGov có trụ sở tại Anh thực hiện với 4.000 người Anh theo đề nghị của GamCare cho thấy, hơn 50% cho biết đã đánh bạc trong 12 tháng qua và hầu hết đều thua. Ngoài ra, một số người cho biết đã đầu tư vào Bitcoin để mong kiếm được tiền trang trải chi phí sinh hoạt tăng cao, nhưng họ đã mất 55% khoản đầu tư. 

Đáng chú ý là các nghiên cứu ở Anh đều chỉ ra rằng nhóm đối tượng túng quẫn nhất về kinh tế lại là nhóm dễ “lún sâu” vào cờ bạc và chịu tổn thất vì thua bạc nhiều nhất. Một nghiên cứu cho biết số lượng cửa hàng cá cược tại khu vực nghèo hơn ở Anh nhiều gấp 10 lần so với những khu vực giàu có hơn. Và số các cửa hàng cờ bạc kiểu này còn nhiều hơn cả siêu thị. Điểm nữa cũng cần lưu ý đó là một nửa trong số 348 cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị chứng nghiện cờ bạc nằm cách một tụ điểm cờ bạc chỉ 5 phút đi bộ, theo một báo cáo của tổ chức từ thiện Standard Life Foundation. Điều này cảnh báo những tác hại không đơn giản của nạn cờ bạc đẩy những người vốn đã khó khăn vào chiếc vòng luẩn quẩn khó thoát hơn. 

Một báo cáo toàn diện về tác hại của cờ bạc do Cơ quan Y tế Công của Anh (PHE) công bố khẳng định cờ bạc gây thiệt hại đáng kể cho xã hội. Chi phí để xử lý các tác hại đối với xã hội mà nạn cờ bạc gây ra như thất nghiệp, nợ nần và các vấn đề liên quan đến sức khoẻ là hơn 1,2 tỷ bảng Anh mỗi năm. PHE còn cho biết, những người chơi cờ bạc ở Anh mất khoảng 14 tỷ bảng mỗi năm cho ngành kinh doanh đang gây nhiều tranh cãi này.

Các báo cáo và điều tra nghiên cứu về tác hại của cờ bạc đối với kinh tế và xã hội Anh đang tạo áp lực lên chính phủ trong việc xem xét lại Đạo luật cờ bạc năm 2005, nhằm vừa bảo vệ người dân, nhất là nhóm dễ bị tổn thương, vừa bảo đảm ngành cờ bạc vẫn đóng góp cho ngân sách, tạo việc làm và tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên mô hình hoạt động hiện nay của ngành kinh doanh cờ bạc cho thấy điều này là không thể. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy lợi nhuận của ngành này lại đang phụ thuộc vào nguồn thu từ “móc túi” những người nghèo hoặc đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Và một ngành kinh doanh như vậy được đánh giá là sẽ không thể bền vững. 

Nghị sĩ Công đảng Carolyn Harris, người đứng đầu một nhóm nghị sĩ liên đảng đang xem xét tác hại của cờ bạc cho rằng, ngành kinh doanh này đang lấy tiền từ những người ít có khả năng nhất và trong cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt hiện nay, điều quan trọng chính phủ cần làm ngay là có các bước đi cần thiết để bảo vệ những người bị tổn thương. Một trong những biện pháp từng được đề xuất đó là chính quyền địa phương nên được trao quyền hạn lớn hơn để ngăn chặn các tụ điểm cờ bạc mở cửa.

Nhưng nỗ lực ngăn chặn xu hướng tiêu cực này cũng gặp phải trở ngại do các nhà vận động hành lang đang hành động mạnh mẽ để chống lại các quy định chặt chẽ hơn liên quan tới đánh bạc trực tuyến hay quảng cáo cho trò “đỏ đen”. 

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng tình hình có xu hướng ngày càng trở nên tồi tệ trong bối cảnh các hộ gia đình Anh đang phải chật vật chống chọi với tỷ lệ lạm phát ở nước mình, vốn đang ở mức cao nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Lạm phát ở Anh trong tháng 5 vừa qua tăng lên 9,1%, mức cao nhất trong 40 năm. Ngân hàng Trung ương Anh dự báo lạm phát có thể sẽ tăng lên mức 11% trước cuối năm nay do giá năng lượng tăng cao. Mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ kéo theo khủng hoảng giá sinh hoạt. 

Báo cáo của PHE đã chỉ ra rằng, hệ lụy từ cờ bạc đã tạo ra những chi phí xã hội đáng kể ở vào thời điểm mà nước Anh có sức chịu đựng kém. Đã đến lúc phải đặt câu hỏi liệu một ngành đóng góp cho nền kinh tế bằng cách khai thác tiềm năng của những người dễ bị tổn thương, củng cố những bất bình đẳng hiện tại, có phải là loại hình kinh doanh mà nước Anh mong muốn hay không? Brexit cùng với đại dịch Covid-19 đã giáng cho nền kinh tế nước Anh những đòn không dễ hồi phục, nên câu trả lời cũng không dễ, ít nhất là vào giai đoạn hiện nay.

HẠNH NGUYÊN