Thế nhưng, đáng buồn thay, nghề giáo cũng không tránh khỏi những sai phạm. Khi bị chi phối bởi giá trị vật chất, một số giáo viên đã có những hành vi “lệch chuẩn”, thậm chí là vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo. Thông tin mới đây về 249 giáo viên bán đề thi thu lợi bất chính ở Hàn Quốc đã gây rúng động xứ kim chi, đồng thời phản ánh mặt trái của ngành công nghiệp luyện thi, vốn là “gà đẻ trứng vàng” ở Hàn Quốc với trị giá hàng chục tỷ USD.
Theo Yonhap, cơ quan thanh tra Hàn Quốc đã phát hiện 249 giáo viên trường công lập và tư thục có hành vi bán đề thi thử cho các cơ sở giáo dục tư nhân, thu lợi bất chính khoảng 21,3 tỷ won (tương đương 14,8 triệu USD) trong vòng 6 năm qua. Kết quả báo cáo do Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc (BAI) công bố cho thấy, các giáo viên này đã thực hiện hành vi trên từ năm 2018 đến tháng 6-2023 với thu nhập trung bình khoảng 85 triệu won (59 nghìn USD) mỗi người. Các giao dịch thường bắt đầu khi các trung tâm luyện thi tư nhân tìm kiếm giáo viên soạn thảo đề qua danh sách tác giả biên soạn sách luyện thi hoặc thông qua các mối quan hệ. Giá bán được thỏa thuận tùy theo loại và độ khó của các câu hỏi.
 |
Hàng trăm giáo viên bị phát hiện bán đề thi cho các trung tâm luyện thi tư nhân. Ảnh minh họa/vtv.vn |
BAI cho biết hành vi biên soạn và bán câu hỏi cho các cơ sở giáo dục tư nhân để kiếm tiền của giáo viên vi phạm Điều 64 Luật Công chức Nhà nước và Điều 8 Luật Chống tham nhũng. Trong số các giáo viên vi phạm, 29 người bị coi là có hành vi nghiêm trọng và đã bị yêu cầu kỷ luật. Bộ Giáo dục Hàn Quốc cũng được đề nghị phối hợp với các cơ quan giáo dục địa phương để có biện pháp xử lý đối với 220 giáo viên còn lại.
Đây không phải vụ việc duy nhất bị phát hiện về hành vi “tuồn” đề thi tại xứ kim chi. Hồi tháng 7 năm ngoái, cảnh sát Hàn Quốc cũng đã bắt giữ 69 người và chuyển 24 người trong số đó cho cơ quan công tố, để điều tra về mối quan hệ giữa các giáo viên trường công với các cơ sở giáo dục tư nhân. Tất cả những trường hợp bị truy tố đều là giáo viên đang làm việc tại Seoul. Đáng chú ý, một người trong số này đã bị buộc tội vi phạm Luật Chống tham nhũng vì biên soạn đề thi tuyển sinh đại học và bán cho một cơ sở luyện thi tư nhân với giá khoảng 250 triệu won (174 nghìn USD) trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2023.
Dư luận Hàn Quốc đã phản ứng mạnh mẽ trước bê bối này. Tờ Chosun Ilbo nhận định: “Vụ việc một lần nữa đặt ra câu hỏi về tính công bằng, vốn là nguyên tắc cơ bản của hệ thống tuyển sinh đại học ở Hàn Quốc. Các cuộc điều tra cần làm rõ liệu đây có phải chỉ là phần nổi của tảng băng chìm hay không”.
Trong khi đó, BAI chỉ ra rằng xu hướng ra đề thi ngày càng khó cùng với sự lỏng lẻo trong giám sát của Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã tạo điều kiện cho tình trạng câu kết bán đề thi thử diễn ra. Tình trạng này diễn ra nghiêm trọng nhất ở khu vực thủ đô, bao gồm Seoul và tỉnh Gyeonggi. Riêng Seoul ghi nhận tổng giao dịch trái phép lên tới 16,5 tỷ won, chiếm 75,4% cả nước.
Các chuyên gia trong ngành giáo dục cho rằng, nếu hệ thống thi đại học hiện tại không thay đổi, những giao dịch ngầm như vậy sẽ tiếp tục diễn ra. Maeil Business Newspaper dẫn lời một quan chức giáo dục nhận định: “Cơn sốt luyện thi do cạnh tranh quá mức trong tuyển sinh giống như một căn bệnh mãn tính ăn sâu vào xã hội Hàn Quốc. Vấn đề này sẽ tiếp diễn trừ khi hệ thống thi cử được cải cách”. Bên cạnh đó, một số giáo viên lo ngại vụ bê bối sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng nghề giáo, làm xấu đi hình ảnh giáo viên trong mắt công chúng.
Trước những lo ngại này, Bộ Giáo dục Hàn Quốc khẳng định sẽ tích cực thực hiện đổi mới, cải cách, đồng thời đưa ra hình phạt thích đáng đối với những cá nhân vi phạm sau khi tham vấn với các cơ quan có liên quan. Bộ trên cũng cam kết sẽ tăng cường giám sát để ngăn ngừa những hành vi sai phạm tái diễn trong tương lai.
BẢO CHÂU
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.