Trước đó một ngày, dự luật đã được Thượng viện nước này thông qua. Đáng chú ý, lệnh cấm nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ đảng đối lập. Đây được coi là một thắng lợi chính trị giúp củng cố uy tín của Thủ tướng Anthony Albanese ngay trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Australia vào năm tới.

Tuy nhiên, thắng lợi đó một lần nữa đặt chính quyền Thủ tướng Albanese vào thế đối đầu với các gã khổng lồ công nghệ. Bên cạnh đó, việc ban hành lệnh cấm cũng tạo ra nhiều luồng dư luận, gây chia rẽ nội bộ Australia.

Lệnh cấm buộc các chủ sở hữu của những nền tảng MXH như Facebook, Instagram, X, Snapchat, Reddit, TikTok phải ngăn trẻ vị thành niên đăng nhập tài khoản MXH, nếu không sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 49,5 triệu AUD (32 triệu USD). Các nền tảng liên quan đến dịch vụ y tế và giáo dục bao gồm: YouTube, Messenger Kids, WhatsApp, Kids Helpline và Google Classroom được miễn trừ trước lệnh cấm này.

Logo ứng dụng TikTok hiển thị trên màn hình điện thoại một người dùng hồi tháng 8-2022. Ảnh: Reuters 

Trong “cơn đau đầu kinh niên” trước các cuộc điều tra kéo dài về những vụ án trẻ tự làm hại bản thân do bị bắt nạt trên MXH, việc các nhà lập pháp cũng như đông đảo công chúng Australia đồng lòng ủng hộ lệnh cấm cũng là điều dễ hiểu. Thượng nghị sĩ đối lập Maria Kovacic tuyên bố, lệnh cấm không mang tính cực đoan mà vô cùng cần thiết: "Trọng tâm cốt lõi của luật này rất đơn giản: Nó yêu cầu các công ty truyền thông xã hội thực hiện các bước hợp lý để xác định và xóa người dùng chưa đủ tuổi khỏi nền tảng của họ... Đây là công việc mà lẽ ra họ phải thực hiện từ lâu, nhưng trong suốt thời gian dài, họ đã trốn tránh trách nhiệm để chạy theo lợi nhuận”.

Có tới 77% người dân Australia tán thành lệnh cấm-một phản ứng rõ ràng trước tác động tiêu cực của MXH vốn đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần của giới trẻ. Nhà vận động an toàn trực tuyến Sonya Ryan, bà mẹ của cô con gái 15 tuổi bị một tội phạm ấu dâm 50 tuổi làm quen trên MXH rồi ra tay sát hại, đã mô tả việc ban hành lệnh cấm là “thời khắc quan trọng” trong việc bảo vệ trẻ em khỏi những tác hại khủng khiếp của MXH: “Đã quá muộn với con gái tôi và nhiều trẻ em khác từng phải gánh chịu đau đớn... nhưng chúng ta cần đứng về phía họ và phải cùng nhau vượt qua thách thức”. Tương tự, Wayne Holdsworth, ông bố có cậu con trai tuổi teen tự tử sau khi bị lừa đảo tống tiền qua mạng, hoàn toàn ủng hộ việc giới hạn độ tuổi sử dụng MXH.

Dĩ nhiên là dưới sự “thống trị” của các nền tảng MXH ở quy mô toàn cầu trong suốt thời gian qua, lệnh cấm trẻ vị thành niên sử dụng MXH không tránh khỏi những phản ứng trái chiều. Một số học giả và nhóm hoạt động vì thanh thiếu niên lên tiếng rằng lệnh cấm có thể ngăn cản những người trẻ dễ bị tổn thương nhất-như cộng đồng LGBT và thanh thiếu niên nhập cư-tiếp cận các mạng lưới hỗ trợ. Số khác lo ngại lệnh cấm này có thể dẫn đến việc thu thập dữ liệu cá nhân nhiều hơn, mở đường cho hoạt động giám sát nhà nước dựa trên nhận dạng kỹ thuật số.

Với lệnh cấm nói trên, Australia trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành một đạo luật cứng rắn toàn diện nhắm vào các gã khổng lồ công nghệ, đặt nền móng cho nhiều quốc gia khác khởi động một số quy định cứng rắn nhằm siết chặt hoạt động của các nền tảng MXH. Trước đó, nhiều quốc gia đã xem xét giới hạn độ tuổi sử dụng MXH như Áo, Chile, Cyprus , Italy, Hàn Quốc và Tây Ban Nha (14 tuổi); Séc, Hy Lạp, Serbia (15 tuổi); Croatia, Đức, Ireland, Hà Lan và Slovenia (16 tuổi). Tuy nhiên, việc thực hiện ở mỗi nơi mỗi khác và chưa có nước nào ban hành lệnh cấm toàn diện như Australia.

Điều đáng nói là, lệnh cấm trẻ sử dụng MXH có thể gây căng thẳng cho mối quan hệ giữa Australia với đồng minh Mỹ, nơi mà chủ sở hữu X là tỷ phú quyền lực Elon Musk, một nhân vật chủ chốt trong chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump, đã công khai đăng lời chỉ trích lệnh cấm như là "một phương thức bí mật để kiểm soát quyền truy cập internet của tất cả người dân Australia". Đáp lại, Bộ trưởng Tài chính Australia Jim Chalmers tỏ ra bình thản: "Nhiệm vụ của chúng tôi không phải là đưa ra các chính sách làm hài lòng Elon Musk, mà là đưa ra biện pháp cần thiết bảo vệ trẻ trên không gian mạng". Hồi tháng 4, tỷ phú Musk cũng từng công kích “bàn tay kiểm duyệt” của Canberra, sau khi một thẩm phán Australia ra phán quyết rằng X phải chặn người dùng trên toàn thế giới truy cập vào video ghi lại cảnh một giám mục bị đâm trong nhà thờ ở Sydney. Sự việc khiến Thủ tướng Albanese mô tả Musk là một "tỷ phú kiêu ngạo", “tự cho mình đứng trên luật pháp và vô cảm với công chúng”.

Không chỉ với X, việc ban hành lệnh cấm cũng bộc lộ “tâm trạng đối kháng” giữa Canberra với các gã khổng lồ công nghệ mà đa phần là các tập đoàn của Mỹ. Một nhóm đại diện cho quyền lợi của các công ty công nghệ như Meta, Snapchat tại Australia coi lệnh cấm là "phản ứng của thế kỷ 20 trước những thách thức của thế kỷ 21", nhấn mạnh lệnh cấm có thể đẩy trẻ vào “những góc tối hơn của internet, nơi không có hướng dẫn cộng đồng, công cụ an toàn hoặc biện pháp bảo vệ nào".

Đây không phải là lần đầu tiên Canberra rơi vào thế đối đầu với các gã khổng lồ công nghệ. Vài năm trước, Australia là quốc gia tiên phong buộc các nền tảng MXH phải trả tiền bản quyền cho các hãng tin nước này khi chia sẻ nội dung tin tức của họ. Hiện các nền tảng MXH cũng đang đối mặt với nguy cơ bị Chính phủ Australia phạt tiền nếu không dập tắt được các vụ lừa đảo trực tuyến.

“Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”, chưa rõ cuộc “khẩu chiến” xoay quanh lệnh cấm trẻ vị thành niên sử dụng MXH của Chính phủ Australia rồi sẽ đi tới đâu. Chỉ có một điều hiển hiện: Những tiến bộ về công nghệ thường vượt xa chính sách, do đó, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách luôn phải vận động không ngừng trong nỗ lực kiềm tỏa những tác động tiêu cực mà chúng đem lại.

HÀ PHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.