Anh đào trước đền Ninnaji - Kyoto. Ảnh: Theo Internet

(Bài của phóng viên báo Quân đội nhân dân từ Tô-ki-ô)

Nhật Bản mùa này trời còn khá lạnh nhưng thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những cây anh đào đặc trưng của “đất nước mặt trời mọc” trổ hoa sớm. Lại gần ngắm nhìn, có cảm giác không gian như biến một khối màu phớt hồng, nổi bật giữa những hàng cây chỉ còn trơ cành sau một mùa đông khắc nghiệt.

Tôi nhớ lại cuối năm 2006, Việt Nam và Nhật Bản vừa đạt được thỏa thuận đưa quan hệ hai nước theo hướng trở thành đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á. Lúc đó, dư luận bắt đầu nói đến sự nổi lên mạnh mẽ của làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam và cho đó như bằng chứng của một giai đoạn mới trong quan hệ Việt-Nhật. Những tín hiệu của làn sóng đó có thể thấy qua con số vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam tăng vọt từ 100 triệu USD năm 2003 lên 1,34 tỷ USD năm 2006.

Những ngày theo sát các hoạt động nhộn nhịp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm hữu nghị chính thức đến Nhật Bản, tôi cảm nhận rõ thêm một điều: làn sóng đầu tư giờ đã không còn đủ sức nói hết thực trạng phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt-Nhật.

Hôm tiếp Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, Hạ nghị sĩ Ni-kai, Chủ tịch Hội đồng chính sách đảng Dân chủ Tự do (LDP) Nhật Bản, sau khi bộc bạch chân thành với Chủ tịch rằng số người ái mộ Việt Nam trong Quốc hội Nhật Bản ngày càng tăng đã khái quát lên một hiện tượng là chưa bao giờ “cao trào Việt Nam” ở Nhật Bản lại mạnh như hiện nay.

Những ngày tiếp sau, không hôm nào tôi không nghe thấy câu nói trên, lúc thì tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt-Nhật, lúc thì từ các chính khách, các chủ tịch những tập đoàn đến gặp gỡ Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng. Việt Nam đang nhận được tình cảm thân thiện và sự quan tâm lớn từ phía Nhật Bản và chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đến Nhật Bản là dịp mà người ta thấy rõ hơn “cao trào Việt Nam” trên “đất nước mặt trời mọc”.

Tôi nhớ đến những lời thăm hỏi hết sức ân cần của Nhà vua A-ki-hi-tô với những khó khăn mà Việt Nam gặp phải trong đợt rét đậm kéo dài. Nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng kể trâu, bò chết nhiều, mùa màng có khó khăn, Nhà vua hỏi ngay đến đời sống của nông dân bị ảnh hưởng thế nào, làm sao khắc phục được sản xuất để ổn định đời sống cho họ.

Tôi thật sự cảm động khi chứng kiến cuộc gặp của Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng với Chủ tịch Đảng Cộng sản Nhật Bản Ca-dư-ô Si-i. Đã bao năm trôi qua, ông Ca-dư-ô Si-i vẫn nhớ như in những kỷ niệm thời trẻ tuổi lúc nào cũng hướng về cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Việt Nam. Cho đến tận bây giờ, ông vẫn có thể hát bài “Vì nhân dân quên mình”. Ông kể rằng cách đây vài năm, trong chuyến thăm Việt Nam, ông có dịp đến thăm một trường đại học và đã làm các sinh viên phải ngạc nhiên với bài hát mà mình đã thuộc lòng từ cách đây vài thập kỷ.

Hai diễn đàn doanh nghiệp Việt-Nhật mà Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức tại Tô-ki-ô và Ô-sa-ca đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp Nhật Bản đến tham dự. Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng lưu lại Tô-ki-ô chỉ hai ngày nhưng lúc nào cũng thấy nhiều “đại gia” của nước Nhật là Chủ tịch các tập đoàn lớn đến xin gặp. Thời gian hạn hẹp nên mỗi cuộc gặp chỉ được kéo dài chưa đầy 30 phút. Mỗi vị khách đến, sau vài lời giới thiệu làm quen là câu chuyện đi ngay vào hàng loạt mối quan tâm của họ trong làm ăn với Việt Nam.

Ông Chủ tịch tập đoàn tài chính Sumitomo Ô.Mô-tô-i-u-ki nhắc lại những ngày đầu tiên khó khăn khi Sumitomo triển khai dự án đầu tiên ở Hà Nội là Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Lúc đó, trên cương vị Bí thư thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp tham gia tháo gỡ khó khăn cho Sumitomo. Còn bây giờ, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long đã trở thành hình ảnh đặc trưng cho sự thành công của Sumitomo trong đầu tư ở Hà Nội. 82 doanh nghiệp Nhật Bản thuê ở đây hiện tạo ra 3,3% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Từ thành công của Khu công nghiệp Bắc Thăng Long và thực tế trào lưu đầu tư ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục mạnh mẽ, ông Ô.Mô-tô-i-u-ki cho biết Sumitomo đã quyết định đầu tư tiếp vào Khu công nghiệp Thăng Long 2 ở Hưng Yên.

Còn Phó chủ tịch tập đoàn Nomura T.Hi-rô-si thì đề nghị với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng về dự định của tập đoàn đứng ra làm tư vấn cho Việt Nam trong việc huy động vốn cho các dự án mang tầm chiến lược đã được hai nước đề ra trong tuyên bố chung hướng tới đối tác chiến lược Việt-Nhật. Ông T.Hi-rô-si tính rằng dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, đường bộ cao tốc Bắc-Nam ở Việt Nam đòi hỏi các khoản đầu tư rất lớn mà vốn ODA không thể đáp ứng được. Trong khi đó ở Nhật Bản, số vốn nhàn rỗi trong dân hiện đã lên tới 26 nghìn tỷ USD, tức là gấp 6 lần GDP của nước này. Nhưng vì lãi suất ngân hàng chỉ có 0,7%/tháng nên người dân Nhật đang không biết đầu tư đi đâu. Nomura sẵn sàng giúp Việt Nam huy động nguồn vốn nhàn rỗi này một cách hiệu quả. Trong câu chuyện, ông T.Hi-rô-si còn tiết lộ thông tin là trước tình hình nền tài chính Mỹ đang có nhiều biến động lớn và khả năng có tới 3-4 tập đoàn tài chính lớn của Mỹ có thể bị phá sản làm thị trường tài chính thế giới đảo lộn, các tập đoàn tài chính Nhật Bản bắt đầu tính đến chuyện chuyển hướng về thị trường châu Á.

Trong các câu chuyện ngắn ngủi như vậy, tôi có cảm giác các “đại gia” Nhật Bản đều tỏ rõ mong muốn được tham dự những cuộc làm ăn lớn với Việt Nam. Tôi chợt nghĩ, nếu làm một so sánh, diện tích Nhật Bản 332 nghìn ki-lô-mét vuông cũng tương tự như Việt Nam nhưng dân số lại đông hơn (128 triệu), điều kiện thiên nhiên khó khăn (đất hẹp, người đông, núi lửa, động đất, sóng thần, núi non hiểm trở, đất đai khô cằn, kém phì nhiêu…), thế mà GDP của Nhật Bản hiện đứng thứ hai thế giới, thu nhập bình quân đầu người cũng thuộc nhóm đầu bảng. Lúc bình thường thì con đường đi lên của đất nước này cũng đã có nhiều điều đáng học hỏi, kinh nghiệm của họ cũng có nhiều điều thiết thực với Việt Nam. Nay sự quan tâm của Nhật Bản với Việt Nam tăng lên thì đây là một cơ hội.

Thêm vào đó, mong muốn được học hỏi ở Nhật Bản không phải là điều gì mới lạ. Cách đây bốn thế kỷ đã có nhiều thương gia Nhật Bản sang Việt Nam làm ăn, để lại nhiều di tích ở thị xã Hội An và đặt nền móng cho bang giao hai nước. Trong những năm đầu thế kỷ 20, ở Việt Nam cũng đã dấy lên phong trào Đông Du sang Nhật Bản học tập chính sách cách tân. Sự “phát triển vượt bậc” của Nhật Bản trong thế kỷ 20 và nhất là những “kỳ tích” về phát triển kinh tế, khoa học-công nghệ luôn được nhân dân Việt Nam ngưỡng mộ.

“Cao trào Việt Nam” đang nổi lên mạnh mẽ ở Nhật Bản xuất phát từ sự phát triển tích cực của nền kinh tế Việt Nam, từ vị thế mới của Việt Nam đang mở ra cơ hội để biến tiềm năng quan hệ Việt-Nhật thành những dự án cụ thể phát triển của đất nước.

MẠNH TƯỜNG