Tổng thống Cô-lôm-bi-a U-ri-bê (bên trái) bắt tay Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Cha-vết (bên phải) với sự chứng kiến của người đồng cấp Đô-mi-ni-ca Phéc-nan-đét. Ảnh: AFP

Ngòi nổ chiến tranh ở Nam Mỹ đã được tháo gỡ sau những cái bắt tay giữa lãnh đạo các nước Ê-cu-a-đo, Cô-lôm-bi-a và Vê-nê-xu-ê-la tại hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Ri-ô diễn ra ở thủ đô Xan-tô Đô-min-gô (Đô-mi-ni-ca), chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị và an ninh khu vực kéo dài một tuần với các lời lẽ thù địch và động thái triển khai quân sự. Chiến tranh đã không xảy ra ở đây, bởi theo các nhà phân tích, giữa ba nước Nam Mỹ trên còn có nhiều mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau.

Liệu pháp từ “mối quan hệ ràng buộc”

Hội nghị thượng đỉnh cấp khu vực ở Đô-mi-ni-ca đã trở thành cơ hội để lãnh đạo của ba nước láng giềng Nam Mỹ bắt tay nhau vui vẻ, chấm dứt cuộc khủng hoảng được xem là trầm trọng nhất trong lịch sử của ba quốc gia Ê-cu-a-đo, Cô-lôm-bi-a và Vê-nê-xu-ê-la.

Giới quan sát cho rằng, cả ba nhà lãnh đạo rõ ràng không muốn gây ra bầu không khí căng thẳng trong khu vực nên đã biết dừng lại trước khi mọi việc còn chưa quá muộn. Nguyên nhân dẫn tới xung đột giữa ba nước trên bắt nguồn từ Các lực lượng vũ trang cách mạng Cô-lôm-bi-a (FARC). Trong khi Cô-lôm-bi-a cùng với Mỹ và châu Âu coi tổ chức này là khủng bố và cần phải loại trừ thì Vê-nê-xu-ê-la lại phản đối cáo buộc trên. Ca-ra-cát đã thể hiện ảnh hưởng lớn của mình đối với nhóm này bằng cách giúp 6 con tin nổi tiếng bị FARC cầm giữ hơn 6 năm được phóng thích. Nhưng đó lại là cái cớ để Cô-lôm-bi-a cáo buộc Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la có quan hệ với FARC. Việc Tổng thống Cha-vết và Tổng thống Cô-rê-a khẳng định không hậu thuẫn cho FARC đã làm thỏa mãn yêu cầu của Cô-lôm-bi-a. Bù lại, Bô-gô-ta cũng cam kết không tiến hành các cuộc tấn công tương tự trong tương lai.

Trong trường hợp chiến tranh xảy ra, thiệt hại về kinh tế sẽ rất lớn đối với cả ba quốc gia vốn có quan hệ thương mại rất chặt chẽ với nhau. Hiện nay, trao đổi thương mại giữa Cô-lôm-bi-a và Vê-nê-xu-ê-la trị giá khoảng 5 tỉ USD/năm; giữa Cô-lôm-bi-a và Ê-cu-a-đo cũng đạt xấp xỉ 1,8 tỉ USD/năm. Chỉ trong một tuần khủng hoảng chính trị, giá tiêu dùng ở Cô-lôm-bi-a và Vê-nê-xu-ê-la đều tăng vọt do lượng hàng hóa không được xuất qua biên giới, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân hai nước.

Bên cạnh đó, Vê-nê-xu-ê-la là một trong những nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Nếu chiến tranh xảy ra, thiệt hại về kinh tế đầu tiên sẽ là Vê-nê-xu-ê-la. Nhưng nước bị ảnh hưởng nhiều nhất không phải là Cô-lôm-bi-a mà là Mỹ, nước nhập khẩu dầu lớn của Vê-nê-xu-ê-la. Trong bối cảnh hiện nay nền kinh tế Mỹ đang suy thoái và giá dầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng thì một cuộc chiến tranh khu vực Nam Mỹ là điều hoàn toàn bất lợi đối với Mỹ. Vì thế, theo các chuyên gia, việc Cô-lôm-bi-a “xuống nước” xin lỗi Ê-cu-a-đo cũng một phần vì ông bạn đồng minh Mỹ của mình.

Một yếu tố quan trọng nữa, đó là các nước Mỹ La-tinh khác, nhất là những nước có vai trò và ảnh hưởng lớn ở khu vực như Bra-xin, Ác-hen-ti-na, Chi-lê phối hợp hòa giải các nước liên quan để giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng này, tạo cơ sở cho việc thúc đẩy tiến trình hội nhập khu vực.

Cơ hội thể hiện sức mạnh quốc phòng

Cuộc khủng hoảng này được xem như một lần “nắn gân” nhau và thể hiện sức mạnh quốc phòng của mỗi nước. Tổng thống Cô-rê-a đã điều 3.200 quân tới biên giới phía tây nam Cô-lôm-bi-a. Trong khi đó, ở biên giới phía đông bắc, Vê-nê-xu-ê-la đã điều động 10 tiểu đoàn, với 9 nghìn binh sĩ sẵn sàng nổ súng nếu Cô-lôm-bi-a xâm phạm lãnh thổ Vê-nê-xu-ê-la.

Với nguồn lợi nhuận khổng lồ từ dầu lửa, Vê-nê-xu-ê-la đã từng bỏ ra 2 tỷ USD để mua máy bay, tàu tuần tiễu, tàu chiến của Tây Ban Nha. Các hợp đồng mua súng AK, máy bay chiến đấu và trực thăng các loại mà nước này ký với Nga đã khiến cho nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, tỏ ra lo ngại. Kho vũ khí của nước này vừa mới được bổ sung 100 nghìn khẩu AK, 53 trực thăng trị giá hàng tỉ USD. Vì vậy, cuộc khủng hoảng này được các nhà phân tích ví như “một cuộc trình diễn sức mạnh” của quân đội Vê-nê-xu-ê-la.

Về phần mình, Cô-lôm-bi-a có một lực lượng hơn 250 nghìn quân được Mỹ trang bị và huấn luyện, nhiều hơn 172 nghìn quân tại ngũ của cả Vê-nê-xu-ê-la và Ê-cu-a-đo. Trong 10 năm qua, Cô-lôm-bi-a đã chi 38,6 tỉ USD cho lực lượng này. Kể từ năm 2001, Cô-lôm-bi-a còn nhận được mỗi năm 600 triệu USD viện trợ quân sự của Mỹ. Nếu chiến tranh xảy ra, với tương quan lực lượng chênh lệch như vậy, sẽ hoàn toàn bất lợi cho cả Vê-nê-xu-ê-la và Ê-cu-a-đo. Còn Cô-lôm-bi-a không muốn mở mặt trận thứ hai trong khi mặt trận thứ nhất là FARC vẫn chưa giải quyết xong. Vì vậy, theo các nhà phân tích, cuộc khủng hoảng vừa qua ở Nam Mỹ chỉ là “phép thử” cho tình đoàn kết giữa các quốc gia trong khu vực mà thôi.

KIM OANH