Tổng thống El Salvador Nayib Bukele đã gây chấn động cho ngành tài chính toàn cầu khi công nhận Bitcoin là đồng tiền hợp pháp vào tháng 9-2021. Theo The New York Times, việc hợp pháp hóa Bitcoin từng được kỳ vọng sẽ đưa El Salvador từ một quốc gia nghèo thành nước tiên phong trong cuộc cách mạng tài chính ở Trung Mỹ. Gần một năm sau khi đặt cược nền kinh tế vào Bitcoin, “canh bạc” này vẫn chưa thành công như Tổng thống Bukele hy vọng. 

Khi thị trường tiền mã hóa lao dốc, lượng Bitcoin do Chính phủ El Salvador nắm giữ mất khoảng 60% giá trị. Việc sử dụng Bitcoin để giao dịch tại El Salvador đang giảm mạnh. Đất nước Trung Mỹ này cũng cạn tiền mặt vì Tổng thống Bukele không thể huy động nguồn vốn mới từ các nhà đầu tư tiền mã hóa.

 Giá Bitcoin lao dốc. Ảnh: Getty Images

Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Bukele dành số tiền tương đương 15% ngân sách đầu tư thường niên để phổ biến Bitcoin tại El Salvador. Mỗi người tải ứng dụng thanh toán tiền mã hóa Chivo sẽ nhận được số Bitcoin tương đương 30USD.

Số tiền này gần bằng 1% thu nhập hàng năm của người dân El Salvador. Gần 3 triệu người dân, hay 60% người trưởng thành, đã nghe theo lời kêu gọi của ông Bukele. Những người ủng hộ Bitcoin cho rằng việc quảng bá Bitcoin đã thay đổi hình ảnh của El Salvador, biến nước này thành cái tên tiên phong về công nghệ cũng như tạo ra nhiều cơ hội cho những người dân không tham gia hệ thống ngân hàng truyền thống.

Sau những hào hứng ban đầu, số lượng người sử dụng Bitcoin giảm dần. Theo một cuộc khảo sát hồi tháng 2, chỉ 10% người dùng Chivo tiếp tục thực hiện các giao dịch Bitcoin trên ứng dụng sau khi tiêu hết 30USD ban đầu. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, hầu như không có khách hàng mới nào tải xuống ứng dụng trong năm nay.

"Chính phủ El Salvador đã làm mọi cách để thúc đẩy dự án. Nhưng nó vẫn thất bại", nhà kinh tế Fernando Alvarez của Trường Đại học Chicago (Mỹ) bình luận. Kết quả một cuộc khảo sát khác của Phòng Thương mại El Salvador cho thấy, tính đến tháng 3 năm nay, chỉ 14% doanh nghiệp trong nước sử dụng Bitcoin để giao dịch. Trong đó, chỉ có 3% nhận thấy Bitcoin có giá trị kinh doanh.

Ngoài ra, những công dân El Salvador ở Mỹ cũng không dùng Bitcoin để gửi tiền về cho người thân như lời kêu gọi của ông Bukele. Theo Ngân hàng trung ương El Salvador, các ứng dụng thanh toán tiền mã hóa như Chivo chiếm chưa tới 2% lượng kiều hối của nước này trong 5 tháng đầu năm nay.

Việc thúc đẩy sử dụng Bitcoin của ông Bukele đã bị giáng một đòn mạnh bởi một đợt bán tháo tiền điện tử toàn cầu, khiến các tài sản số bốc hơi hàng trăm tỷ USD kể từ tháng 3 năm nay. Ông Edgardo Villalobos, người quản lý các gian hàng tại một khu chợ lớn ở trung tâm thủ đô San Salvador, cho biết: “Mọi người đang sợ mất tiền của mình”.

Giới phân tích cho rằng Bitcoin cũng không tạo ra làn sóng khởi nghiệp bằng tiền mã hóa tại El Salvador. Kể từ năm ngoái, chỉ có 48 công ty mới tập trung vào Bitcoin đăng ký tại nước này. Theo bà Leonor Selva, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp tư nhân quốc gia El Salvador, Bitcoin khiến các nhà tài chính lo ngại vì những tác động của tiền mã hóa đối với sự ổn định kinh tế.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng kêu gọi El Salvador thay đổi chính sách và ngừng sử dụng Bitcoin như một đồng tiền hợp pháp do tiềm ẩn nhiều rủi ro. IMF nêu rõ, mặc dù các loại tiền mã hóa có tiềm năng giúp hệ thống thanh toán hoạt động hiệu quả hơn, song quyết định của El Salvador về việc công nhận Bitcoin là đồng tiền hợp pháp rất mạo hiểm. Theo IMF, Bitcoin đang tạo gánh nặng cho nợ công của quốc gia Trung Mỹ này.

Đến nay, theo ước tính của Tạp chí Disruptive do Trường Đại học Francisco Gavidia ở San Salvador xuất bản, các giao dịch Bitcoin đã khiến El Salvador thiệt hại 63 triệu USD. Các chuyên gia kinh tế cho biết, khoản lỗ vì Bitcoin gây khó khăn thêm cho chính quyền Tổng thống Bukele trong bối cảnh El Salvador phải trợ giá thực phẩm và nhiên liệu cho người dân.

Bên cạnh đó, nước này còn đang đau đầu tìm phương án trả khoản nợ trái phiếu 800 triệu USD vào tháng 1-2023. The New York Times nhận định, ông Bukele sẽ phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn như cắt giảm chi tiêu công hoặc đẩy đất nước vào tình trạng vỡ nợ. Việc vỡ nợ có thể gây gián đoạn hoạt động nhập khẩu hàng hóa thiết yếu, giảm tăng trưởng kinh tế, thậm chí khiến người dân ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng.

LÂM ANH