Trong một lớp học tại Daechi-dong (Seoul, Hàn Quốc), cậu bé 4 tuổi Tommy (tên đã được thay đổi) nắm chặt chiếc bút chì, đôi bàn tay nhỏ bé hơi run rẩy, đôi chân đung đưa vì không chạm đất. Mẹ cậu bé, cùng nhiều người khác, lo âu đợi bên ngoài trong lúc con họ làm bài kiểm tra. Bài kiểm tra yêu cầu trẻ đọc một đoạn văn tiếng Anh và trả lời các câu hỏi để đánh giá khả năng đọc hiểu và suy luận, hoặc viết một bài luận gồm 5 đoạn văn trong vòng 15 phút.
Đây không phải bài kiểm tra dành cho trẻ mẫu giáo thông thường mà là sự chuẩn bị cho "kỳ thi 4 tuổi"-một thuật ngữ do các bậc phụ huynh đầy tham vọng trong khu phố giàu có này đặt ra. Ở đây, ngay cả những đứa trẻ chưa vào mẫu giáo cũng đã có lộ trình học tập.
 |
Ảnh minh họa/Ảnh: koreaherald.com |
Khu phố Daechi-dong nằm trong quận Gangnam giàu có của Seoul, thường được gọi là “thủ đô giáo dục” của Hàn Quốc, nơi các cơ sở giáo dục tư nhân mọc lên "như nấm sau mưa". Theo The Korea Herald, những phụ huynh ở Daechi-dong vì mong muốn con có lợi thế hơn các bạn đồng trang lứa, đã đốc thúc con ôn tập cho những kỳ thi đầu vào tại các trường mẫu giáo dạy học bằng tiếng Anh. Họ coi những trường này là bước đệm đầu tiên để bảo đảm tương lai thành công cho con em mình.
Để con mình có thể đạt kết quả tốt trong các kỳ thi tuyển sinh, phụ huynh thường đăng ký cho con học tại những trung tâm chuyên ôn thi cho trẻ 4 tuổi. Chỉ riêng tiền học phí ở những trung tâm này đã lên tới hơn 2 triệu won (1.400USD) mỗi tháng, nhưng nhiều gia đình sẵn sàng chi gấp đôi để con họ được kèm riêng, nhằm bảo đảm con theo kịp chương trình giảng dạy khắt khe.
Phụ huynh ở Daechi-dong luôn tin rằng giáo dục sớm là cách tốt nhất để con họ thành công hơn trong hệ giống giáo dục cạnh tranh khốc liệt ở Hàn Quốc. Do đó, cuộc đua giáo dục sớm không chỉ giới hạn ở tiếng Anh. Với Toán, có một quy tắc ngầm rằng học sinh lớp 3 phải học xong chương trình lớp 6. Một số học sinh thậm chí còn học vi phân và tích phân từ lớp 5, trong khi những kiến thức này vốn phải đến cấp 3 mới được học.
Tư duy “học trước chương trình” đã ăn sâu bén rễ vào suy nghĩ của nhiều gia đình, tạo nên những áp lực nặng nề cho con em họ. Thậm chí, tại Hàn Quốc có câu nói đùa rằng, trẻ con mới biết đi, mặc tã lót cũng phải thi tuyển, chỉ để giành được một suất vào các trường mẫu giáo danh tiếng.
Vậy thực tế việc thúc ép con cái học tập từ quá sớm có mang lại lợi ích thực sự, hay chỉ tạo thêm áp lực và “cướp đi” tuổi thơ hồn nhiên của những đứa trẻ? Về điều này, Giáo sư Lim Wong, Đại học Yonsei (Hàn Quốc), cho rằng cần phải xem xét lại tính hiệu quả thật sự của những chương trình giáo dục sớm đầy tốn kém đó. Theo kinh nghiệm giảng dạy hàng nghìn học sinh ở Hàn Quốc và Mỹ, ông nhận thấy những em bắt đầu học tiếng Anh từ sớm chưa chắc là người học tiếng Anh giỏi nhất, kể cả những người đã học nhiều năm. Ngược lại, những học sinh bắt đầu hứng thú với tiếng Anh trong độ tuổi thiếu niên và chịu khó tìm tòi, học tập bằng nhiều phương pháp, bao gồm cả xem phim và đọc sách, lại tiến bộ đáng kể. Điều này cho thấy động lực tự thân có thể quan trọng hơn giáo dục sớm trong việc học tiếng Anh, đặc biệt khi cha mẹ thúc ép con học tập từ quá sớm khiến đứa trẻ dần mất hứng thú với việc học tập.
Cha mẹ thường nghĩ rằng cho con học từ sớm luôn có lợi, nhưng cho trẻ học quá nhiều kiến thức từ quá sớm hiếm khi mang lại lợi ích lâu dài nếu kiến thức đó không phù hợp lứa tuổi. Nghiên cứu của nhà tâm lý học Margaret Burchinal và các đồng nghiệp tại Đại học Virginia (Mỹ) với 4.667 trẻ em lứa tuổi 3-5 cho thấy, trẻ em được giáo dục sớm ở Tennessee ban đầu có thành tích vượt trội so với các bạn cùng lứa về năng lực đọc, viết và làm toán cho tới 9 tuổi. Tuy nhiên, đến năm 11 tuổi, thành tích của nhiều trẻ bắt đầu giảm sút đi cùng các vấn đề hành vi. Đây là dấu hiệu đáng báo động về những rủi ro tiềm ẩn từ áp lực giáo dục sớm.
Các bậc phụ huynh luôn mong muốn con em mình có tương lai tươi sáng, vì vậy không tiếc tiền đầu tư cho giáo dục sớm. Tuy nhiên, trước khi tạo áp lực học hành quá sớm cho con cái, có lẽ họ cần phải cân nhắc thật kỹ cái giá phải trả cho sự “hoàn hảo” mà họ luôn tâm niệm.
HÙNG HÀ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.