Theo Reuters, khi Nga thắt chặt nguồn cung khí đốt cho châu Âu, các ngân hàng ở “lục địa già” đang thử nghiệm xem họ có thể đối phó với tình trạng thiếu điện như thế nào.
Họ cũng bố trí các nguồn năng lượng thay thế như máy phát điện để các máy ATM và ngân hàng trực tuyến không ngừng hoạt động. Tình hình đặc biệt cấp bách đối với các công ty tài chính vì liên quan tới các khoản thanh toán và giao dịch có tầm quan trọng với nền kinh tế châu Âu.
Lĩnh vực tài chính-ngân hàng thích ứng tốt trong đợt phong tỏa vì đại dịch Covid-19 thông qua hình thức làm việc từ xa. Tuy nhiên, tình huống mất điện hoặc phải sử dụng hạn chế điện lại là một thách thức khác hẳn.
“Hệ thống ngân hàng là một phần của các hệ thống khác. Mối quan tâm chính của tôi là các tác động lớn đối với xã hội khi không sử dụng được máy ATM hoặc không thực hiện được giao dịch không dùng tiền mặt”, Giáo sư Gianluca Pescaroli tại Đại học London (Anh) cho biết.
 |
Ngân hàng Deutsche Bank nỗ lực tiết kiệm điện. Ảnh: DW |
Ngân hàng JPMorgan của Mỹ có chi nhánh ở thủ đô London (Anh) và thành phố Frankfurt (Đức) đã thực hiện tình huống mô phỏng trường hợp mất điện. Theo đó, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, JPMorgan có thể chuyển sang sử dụng máy phát điện chạy bằng dầu diesel để duy trì hoạt động của các điểm giao dịch quan trọng trong vài ngày. Một số ngân hàng khác cũng đang thực hiện các biện pháp để đối phó với khủng hoảng năng lượng. Ngân hàng Deutsche Bank (Đức) cho biết đang triển khai một loạt biện pháp tiết kiệm năng lượng với 1.400 tòa nhà để tiết kiệm 4,9 triệu kWh điện mỗi năm. Đây là số điện đủ để cung cấp năng lượng cho khoảng 49.000 bóng đèn trong một giờ. Deutsche Bank cũng tắt nước nóng trong phòng vệ sinh, điều chỉnh nhiệt độ nơi làm việc, tắt tất cả đèn chiếu sáng bên trong chi nhánh và chiếu sáng quảng cáo ngoài trời qua đêm.
Các cơ quan quản lý ngân hàng đang cảnh giác cao độ trước tình huống mất điện hoặc hạn chế sử dụng điện. Cơ quan giám sát của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cơ quan Luật lệ An toàn (PRA) của Anh đều yêu cầu các ngân hàng có kế hoạch đối phó với tình trạng gián đoạn hoạt động. Các ngân hàng ở Anh được yêu cầu phải xác định các dịch vụ kinh doanh quan trọng và phương pháp giải quyết nếu xảy ra mất điện. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng có rất ít ngân hàng có khả năng chuẩn bị cho tình huống mất điện kéo dài nhiều ngày.
DƯƠNG LÂM
Theo AP, ngày 3-9, khoảng 70.000 người đã tập trung tại Quảng trường Wenceslas, trung tâm thủ đô Praha, Cộng hòa Séc trong một cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm phản đối các biện pháp ứng phó không kịp thời của chính phủ đối với tình trạng khủng hoảng năng lượng và giá điện, khí đốt tăng cao kỷ lục.
Trước những tin tức về khả năng Nga cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu khiến lục địa già đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang ráo riết tìm kiếm nhiều nguồn cung năng lượng thay thế...