“Thời đại ảo tưởng đã qua”
Hôm 6-3 vừa qua, các nhà lãnh đạo của 27 nước EU đã tiến hành Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt tại Brussels (Bỉ) để tìm hướng đi cho chính sách quốc phòng của khối và hỗ trợ Ukraine trong dài hạn.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa có những điều chỉnh lớn về đối ngoại, như khôi phục quan hệ ngoại giao với Nga, tạm ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine sau màn tranh cãi nảy lửa với ông Zelensky tại Nhà Trắng vào tuần trước. Cùng với đó là những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương ngày càng trở nên mong manh với những tuyên bố mạnh mẽ từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo đó, trong chuyến thăm Ba Lan hồi tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã ám chỉ rằng “Không ai có thể mặc định rằng sự hiện diện của Mỹ là mãi mãi”, trong khi Cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz phát biểu tại Nhà Trắng rằng: “Đã đến lúc các đồng minh châu Âu phải gánh vác trách nhiệm lớn hơn”.
Thực tế hơn 7 thập kỷ qua, an ninh châu Âu gần như gắn chặt với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nơi Mỹ đóng vai trò “anh cả”. Thế nhưng, tuyên bố của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc “châu Âu phải tự lo an ninh” cùng lệnh ngừng viện trợ cho Ukraine, đã phơi bày điểm yếu chiến lược của EU: Phụ thuộc quá mức vào Mỹ.
Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã thừa nhận rằng họ không thể tiếp tục dựa vào vào “ô an ninh” Mỹ, đã đến lúc phải tự điều chỉnh chiến lược của mình. Điều này thể hiện rõ nét trong bài phát biểu khai mạc hội nghị của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, rằng châu Âu và Ukraine đang ở vào một "thời điểm quyết định". Bà cho rằng châu Âu đang đối mặt với "mối đe dọa hiển hiện" từ bên ngoài, đòi hỏi lục địa này phải có khả năng tự bảo vệ và phòng thủ trong mọi tình huống. Không dừng lại ở đó, phát biểu trước Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp) hôm 11-3, Chủ tịch EC tiếp tục nhấn mạnh: "Thời đại ảo tưởng đã qua. Châu Âu được kêu gọi tự chịu trách nhiệm lớn hơn về quốc phòng của mình. Chúng ta cần tăng đột biến chi tiêu cho quốc phòng và cần làm điều đó ngay bây giờ".
 |
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: THX/TTXVN |
Tái cấu trúc quốc phòng
Lo ngại trước viễn cảnh ngày càng rõ ràng về việc Mỹ không tham gia đảm bảo an ninh của châu Âu, EU đã nhất trí tăng cường quốc phòng cho khối, với kế hoạch mang tên "Tái vũ trang châu Âu", và mục tiêu huy động khoảng 800 tỷ euro, trong đó 150 tỷ euro sẽ được cung cấp dưới dạng các khoản vay. Theo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, Kế hoạch này nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên nâng cao năng lực quân sự và quốc phòng, đồng thời đảm bảo rằng EU có thể tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa bên ngoài.
Theo đó, các quốc gia thành viên có thể tăng cường chi tiêu quân sự mà không bị tính vào việc tính toán thâm hụt ngân sách quốc gia, vốn được giới hạn ở mức 3% GDP. EC cũng cam kết đảm bảo cho các quốc gia thành viên có thể giải ngân khoảng 650 tỷ euro trong vòng 4 năm. Những đề xuất này vốn trước đây bị phản đối do lo ngại về sự ổn định ngân sách của châu Âu, nhưng nay đã nhận được sự đồng thuận rộng rãi, bao gồm cả Đức, quốc gia vốn có quan điểm dè dặt về chi tiêu quốc phòng. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Phần Lan Olli Rehn thậm chí kêu gọi thông qua các giải pháp chung để tăng cường an ninh của "Lục địa già" bất chấp thâm hụt công lớn.
Ngoài ra, EC cam kết cung cấp 150 tỷ euro dưới dạng các khoản vay để hỗ trợ tài trợ chung và đầu tư vào quốc phòng của các quốc gia thành viên. Khoản tiền này nhằm thúc đẩy các dự án quốc phòng chung, đặc biệt là trong các lĩnh vực cấp thiết như phòng không, tên lửa, máy bay không người lái và các hệ thống phòng không chống máy bay không người lái, pháo binh.
Ngoài ra, tại cuộc họp với các Bộ trưởng Tài chính EU ngày 11-3, Bộ trưởng Kinh tế Italy Giancarlo Giorgetti nêu đề xuất một cơ chế bảo lãnh chung, nhằm thu hút vốn tư nhân và tăng cường năng lực quốc phòng, an ninh mà không làm tăng nợ công quốc gia. Theo chương trình mang tên Sáng kiến an ninh và đổi mới công nghiệp châu Âu, các nước EU nên từng bước lập một quỹ bảo lãnh trị giá 17 tỷ euro, dự kiến thu hút khoản đầu tư của tư nhân trị giá 200 tỷ euro (216,48 tỷ USD) trong tối đa 5 năm.
Giới quan sát nhận định, qua loạt hội nghị thượng đỉnh gần đây, châu Âu đang đẩy nhanh việc tự chủ quốc phòng, giảm phụ thuộc vào Mỹ. Trong bối cảnh an ninh khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là từ cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine và những động thái gần đây của Mỹ, kế hoạch “tái vũ trang châu Âu” của lục địa già đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong chính sách quốc phòng của EU. Một câu hỏi lớn được đặt ra là: Khi Mỹ không còn là chỗ dựa tin cậy, liệu châu Âu có đủ mạnh và thống nhất để củng cố khả năng phòng thủ, tự bảo vệ mình, duy trì sự ổn định trong khu vực?
THANH SƠN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.