Kế hoạch này được tiết lộ vào ngày 29-1 (theo giờ Mỹ) trong lễ ký Đạo luật Laken Riley, quy định việc giam giữ và trục xuất những người nhập cư không có giấy tờ bị buộc tội trộm cắp và bạo lực, ngay cả khi chưa bị kết án. Giới chuyên gia đánh giá kế hoạch này là một phần quan trọng trong nỗ lực tăng cường trục xuất người nhập cư bất hợp pháp khỏi nước Mỹ của ông Trump.

Khiến những người nhập cư trái phép không thể quay lại nước Mỹ

Theo ông Trump, việc sử dụng cơ sở giam giữ ở vịnh Guantanamo sẽ khiến những người nhập cư trái phép không thể quay lại nước Mỹ. Vịnh Guantanamo nổi tiếng là nơi giam giữ những nghi phạm khủng bố. Ở đây cũng có một trung tâm xử lý các vấn đề liên quan người di cư. Tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ ký một sắc lệnh hành pháp chỉ đạo Bộ Quốc phòng và Bộ An ninh Nội địa mở rộng và chuẩn bị các cơ sở cho người nhập cư trái phép.

Binh sĩ Mỹ tuần tra khu vực biên giới với Mexico tại Eagle Pass, Texas, ngày 24-1. Ảnh: CNN

“Hầu hết mọi người không biết chúng ta có 30.000 giường ở Guantanamo để giam giữ những tên tội phạm nguy hiểm nhất là người nhập cư bất hợp pháp”, ông Trump tuyên bố. Ông nói thêm rằng động thái này sẽ đưa nước Mỹ tiến gần hơn một bước tới việc xóa bỏ nạn tội phạm di cư trong cộng đồng quốc gia này một lần và mãi mãi.

Kể từ ngày đầu tiên trở lại nắm quyền, Tổng thống Trump đã ban hành một loạt sắc lệnh hành pháp nhằm mục đích cải tổ hệ thống nhập cư của Mỹ. Các đặc vụ của Cơ quan Thực thi pháp luật về Nhập cư và Hải quan Mỹ (ICE) đã tiến hành các cuộc đột kích trên khắp nước Mỹ, bắt giữ hàng trăm người mỗi ngày. Theo ICE, các thành phố bị nhắm mục tiêu bao gồm Boston, New York, Newark và San Francisco. Các đặc vụ tập trung bắt giữ những người đã phạm tội sau khi nhập cảnh bất hợp pháp vào Mỹ.

Bên cạnh đó, Chính quyền Tổng thống Trump cũng tăng cường các nỗ lực trục xuất người di cư trái phép, trong đó sử dụng máy bay quân sự cho các chuyến bay trục xuất, đe dọa áp thuế và những biện pháp trừng phạt khác đối với các quốc gia từ chối tiếp nhận người di cư bị trục xuất.

Cổng căn cứ hải quân Mỹ tại vịnh Guantanamo, Cuba. Ảnh: AP

Vịnh Guantanamo là căn cứ hải quân Mỹ từ năm 1903 và được chuyển đổi thành trại giam vào năm 2002 dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush để giam giữ những nghi phạm khủng bố sau vụ tấn công ngày 11-9-2001. Cơ sở này từ lâu đã bị chỉ trích vì tra tấn và giam giữ người vô thời hạn mà không buộc tội hoặc xét xử. Tính đến tháng 1-2025, vẫn còn 15 người bị giam giữ tại đây, nhiều người trong số họ đã bị giam giữ trong hơn hai thập kỷ mà không bị buộc tội chính thức.

Chính phủ Cuba liên tục lên án sự hiện diện của căn cứ quân sự Mỹ tại vịnh Guantanamo, gọi đó là hành vi vi phạm chủ quyền của Cuba và nêu bật mối quan ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền tại cơ sở giam giữ này.

Trục xuất người nhập cư ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Mỹ và toàn cầu?

Thực tế, việc ông Trump “mạnh tay” trục xuất người nhập cư không có giấy tờ tại Mỹ được dự báo có thể gây ra những tác động sâu rộng không chỉ đối với nền kinh tế quốc gia này, mà còn có ảnh hưởng tới toàn cầu.

Người nhập cư không có giấy tờ hiện chiếm một tỷ lệ đáng kể trong lực lượng lao động của Mỹ, đặc biệt trong các ngành như xây dựng, chăm sóc sức khỏe và khách sạn, nơi lao động tay nghề thấp chiếm ưu thế. Theo Trung tâm Nghiên cứu Di cư, người nhập cư đóng góp vào khoảng 17% tổng số lao động tại Mỹ. Việc trục xuất hàng triệu lao động này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong các ngành nghề thiết yếu, từ đó làm tăng chi phí sản xuất và dịch vụ.

Tổng thống Donald Trump ký nhiều sắc lệnh hành pháp liên quan tới vấn đề an ninh biên giới phía Nam và chống nhập cư trái phép ngay trong ngày cầm quyền đầu tiên. Ảnh: Reuters

Lực lượng lao động là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển và thịnh vượng của một quốc gia. Điều khiến nhập cư trở thành vấn đề nan giải hiện nay là lực lượng lao động Mỹ đang phải chịu áp lực ngày càng tăng do tỷ lệ sinh giảm và già hóa dân số. Trong bối cảnh đó, nhập cư  trở thành một giải pháp quan trọng để ổn định và phát triển lực lượng lao động, tránh tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng hơn.

Michael Gapen, nhà kinh tế trưởng về Mỹ của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, cho biết ngăn chặn dòng người nhập cư và tăng cường trục xuất có thể khiến nền kinh tế Mỹ suy giảm đáng kể về tiềm năng tăng trưởng. Một phân tích của Bloomberg cho thấy việc trục xuất tất cả những người nhập cư bất hợp pháp khỏi đất nước sẽ làm giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ 8%.

Theo ước tính của Viện Thuế và Chính sách kinh tế, có khoảng 7,6 triệu cá nhân không có giấy tờ đang làm việc tại thị trường lao động Mỹ, tích lũy hơn 375 tỷ USD thu nhập vào năm 2022 và nộp 96,7 tỷ USD thuế vào năm 2022. Việc mất đi nguồn thu thuế đó có thể gây khó khăn cho chương trình nghị sự cắt giảm thuế của Tổng thống Trump.

Chưa kể quá trình trục xuất người nhập cư cũng rất tốn kém. Theo nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận Hội đồng Nhập cư Mỹ, chiến dịch trục xuất hàng loạt người nhập cư không có giấy tờ có thể tiêu tốn khoảng 315 tỷ USD. Nhưng xét đến sự phức tạp của hoạt động này - bao gồm triển khai lực lượng thực thi pháp luật và mở rộng các trung tâm giam giữ - JPMorgan ước tính việc trục xuất hàng loạt sẽ mất nhiều năm và có khả năng tiêu tốn gần 1 nghìn tỷ USD trong khoảng thời gian 11 năm.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt đã chia sẻ hình ảnh những người di cư bị còng tay, đưa lên máy bay quân sự, kèm tuyên bố: "Các chuyến bay trục xuất đã bắt đầu". Ảnh: CNN

Chính sách trục xuất hàng triệu người nhập cư không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ mà còn gây ra những hệ lụy sâu rộng đối với các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là ở khu vực Mỹ Latin. Các quốc gia này phụ thuộc rất lớn vào kiều hối từ lao động di cư, chiếm tỷ lệ lớn trong GDP của họ. Cụ thể, theo báo cáo năm 2023 của Ngân hàng Thế giới (World Bank) kiều hối đóng góp khoảng 24% GDP của El Salvador (8.182 tỷ USD), 20% GDP của Honduras (9.177 tỷ USD) và 15% GDP của Guatemala (19.804 tỷ USD). Trong khi với Mexico, lượng kiều hối đổ về quốc gia này năm 2023 đạt hơn 63,4 tỷ USD, đóng góp 3,5% GDP. Nếu chính sách trục xuất người di cư của Mỹ được duy trì và mở rộng, các quốc gia nói trên có thể đối mặt với tình trạng giảm thu nhập từ kiều hối, kéo theo một loạt tác động tiêu cực đến nền kinh tế, từ giảm tiêu dùng đến gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và bất ổn xã hội.

Có thể thấy, di cư không còn là câu chuyện riêng của nước Mỹ mà là vấn đề chung của cả các quốc gia láng giềng với “xứ cờ hoa”. Nếu chính sách nhập cư cứng rắn của Mỹ tiếp tục được triển khai, điều này chắc chắn sẽ tác động sâu sắc đến các quốc gia trong khu vực cũng như mối quan hệ của Mỹ với các nước láng giềng.

Do vậy, để giải quyết tận gốc và ngăn chặn từ sớm, từ xa làn sóng di cư, đòi hỏi chính quyền của Tổng thống Trump phải quan tâm nhiều hơn việc chung tay hỗ trợ các quốc gia nghèo ở khu vực Trung Mỹ và Caribe. Việc xây dựng bức tường biên giới, quân sự hóa tại khu vực có nhiều người di cư bất hợp pháp vào Mỹ hay trục xuất người di cư chỉ là giải quyết “phần ngọn” của vấn đề.

NGỌC THƯ (Theo RT, Reuters, Barron’s, Bloomberg, CNN)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.