Trang mạng swissinfo.ch đưa tin, Tổng tư lệnh quân đội Thụy Sĩ Thomas Süssli cho biết, theo kế hoạch, các binh lính của nước này sẽ tham gia huấn luyện tại Áo vào đầu năm 2025. "Nếu muốn bảo vệ đất nước, bạn cần phải được huấn luyện về vấn đề này. Chúng tôi cần địa điểm để có thể thực hiện huấn luyện hiệp đồng tác chiến cấp tiểu đoàn trở lên", tướng Süssli nhấn mạnh trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây.

leftcenterrightdel
Tổng tư lệnh quân đội Thụy Sĩ Thomas Süssli cho biết, các binh lính nước này sẽ tham gia huấn luyện tại Áo vào đầu năm 2025. Ảnh: swissinfo.ch 

Theo swissinfo.ch, ở phạm vi trong nước hiện nay, Thụy Sĩ chưa có đủ điều kiện cơ sở vật chất tổ chức huấn luyện quân sự với quy mô như tướng Süssli đề cập trong khi "ở nước ngoài thì sẵn có các cơ sở huấn luyện đáp ứng yêu cầu". Quân đội Thụy Sĩ trước kia từng tham gia huấn luyện với các binh lính Đức và Áo tại cơ sở huấn luyện quân sự Allentsteig (Áo) vào giữa thập niên 1990. Giờ đây, quân đội Thụy Sĩ muốn tiếp tục cử binh lính sang huấn luyện tại Allentsteig vào năm 2025. Tướng Süssli khẳng định, kế hoạch cụ thể đang được quân đội Thụy Sĩ tích cực triển khai.

Trang mạng swissinfo.ch cho biết, trong một báo cáo gửi Quốc hội, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ (với chức năng như Chính phủ) ủng hộ việc xây dựng các cơ sở huấn luyện quân sự lớn hơn tại nước này. Tướng Süssli cũng cho rằng, việc mở rộng các cơ sở huấn luyện quân sự hiện có trong nước "là một lựa chọn". “Bước đầu tiên là quân đội sẽ đầu tư 13 tỷ franc (gần 15 tỷ USD) để tái xây dựng tiềm lực quốc phòng của Thụy Sĩ. Ngoài ra, còn có một phần dự định dành cho công tác huấn luyện. Cuối cùng là liên quan tới mức độ ưu tiên”, Tổng tư lệnh quân đội Thụy Sĩ nhấn mạnh.

Theo trang mạng swissinfo.ch, kế hoạch đưa các binh lính tham gia huấn luyện tại Áo là một bước đi nhằm cụ thể hóa chiến lược của Thụy Sĩ tăng cường hợp tác với các nước đối tác cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) giữa lúc tình hình an ninh “rõ ràng đi xuống”, như đánh giá của tướng Süssli. Thụy Sĩ đã quyết định tăng dần ngân sách quốc phòng của nước này lên mức 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), muộn nhất là vào năm 2035. Hồi tháng 9 năm ngoái, quân đội Thụy Sĩ cũng thông báo đã mở rộng khái niệm phòng thủ. Theo đó, trong trường hợp xảy ra xung đột, lực lượng này không đơn thuần chờ đợi ở khu vực biên giới và nỗ lực ngăn chặn kẻ thù xâm lược đất nước, thay vào đó “có thể chiến đấu ở nước ngoài và từ trên không, chủ yếu sử dụng máy bay chiến đấu và cả máy bay không người lái (UAV)”.

Trang mạng gisreportsonline.com cho biết, Thụy Sĩ có vị trí địa lý thuận lợi khi "nằm ở khoảng cách tương đối an toàn" so với các cuộc xung đột và "điểm nóng" hiện nay. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra "một cuộc khủng hoảng lớn", thậm chí là chiến tranh, không thể bị loại trừ. Đó cũng là lý do để Thụy Sĩ chú trọng nâng cao tiềm lực quốc phòng. Theo trang Airforce Technology, trong một thập niên trở lại đây, ngân sách quốc phòng của Thụy Sĩ liên tục tăng và nước này dành sự quan tâm cho việc mua sắm các loại máy bay chiến đấu, hệ thống phòng không mới.

Chủ trương tăng cường hợp tác với các nước đối tác cũng như NATO được tiến hành trong bối cảnh Thụy Sĩ lâu nay thực hiện chính sách trung lập (kể từ năm 1815). Chính sách trung lập của Thụy Sĩ ngay từ đầu đã là vấn đề gây tranh cãi. Tuy nhiên, theo trang mạng swissinfo.ch, trong một thế giới toàn cầu hóa-nơi các quốc gia ngày càng trở nên phụ thuộc lẫn nhau như hiện nay, khái niệm này khó mà định nghĩa rõ ràng. Tổ chức phi lợi nhuận American Swiss Foundation có trụ sở tại New York (Mỹ) cho biết, với cách hiểu là không can thiệp vào các cuộc xung đột quân sự giữa các quốc gia, chính sách trung lập không cho phép Thụy Sĩ gia nhập một liên minh quân sự như NATO, song lại không cấm nước này trở thành đối tác của khối. Trên thực tế, Thụy Sĩ thời gian qua vẫn hợp tác với NATO thông qua chương trình đối tác vì hòa bình của liên minh quân sự lớn nhất hành tinh.

Thời gian qua, quân đội Thụy Sĩ đã kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là với NATO, Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia láng giềng, qua đó nước này có thể đóng góp cho an ninh chung của châu Âu. Hồi năm 2022, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Tổng thống Thụy Sĩ khi đó là ông Ignazio Cassis từng tuyên bố: "Trung lập không có nghĩa là thờ ơ!".

VĨNH AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.