Đối với người Lào, ngày Tết cổ truyền hay còn gọi là Tết Té nước Bunpimay, được diễn ra trong tháng Tư dương lịch, với ý nghĩa mang lại sự phồn vinh, mát mẻ cho vạn vật; ấm no, hạnh phúc và bình an cho con người.

Tết Bunpimay diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 13 đến 16-4 dương lịch hằng năm, đây cũng là thời điểm nóng nhất trong năm.

Trong những ngày này, khắp các ngõ phố được dọn dẹp sạch sẽ, các ngôi nhà được trang trí bằng hoa chăm-pa, hoa muồng hoàng yến. Muồng hoàng yến hay tên tiếng Lào là Dok Khoun, là một loại hoa màu vàng, mùi thơm nhẹ và nở rộ trong dịp năm mới. Chùm hoa Dok Khoun được buộc bằng chỉ mà người dân thường hay dùng trong lễ buộc chỉ cổ tay, treo lên cửa nhà với mong muốn may mắn và hạnh phúc, hoa còn được treo trên xe ô tô, xe máy với mong muốn may mắn và an toàn trong các chuyến đi xa.

leftcenterrightdel

Những hoạt động được tổ chức trong 4 ngày Tết cổ truyền Bunpimay của Lào. 

Trong dịp Tết Bunpimay, người dân Lào có nhiều hoạt động vui chơi mang tính cộng đồng, người ta thường gọi là “chơi Tết” chứ không phải “ăn Tết”. Dịp này, các hoạt động theo phong tục cổ truyền thường được tổ chức trong chùa hoặc tại nhà như: Tắm tượng phật, buộc chỉ cổ tay, lễ phóng sinh, lễ chúc phúc cha mẹ, ông bà….

Theo truyền thống, vào ngày đầu tiên của Tết Lào (Sang Khan Luang) -  ngày tiễn năm cũ, chào đón năm mới. Trong ngày này, người dân thường dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ và chuẩn bị nước thơm ướp hoa. Nước thơm là một hỗn hợp gồm nước, nghệ, bồ kết nướng, hoa và dầu thơm. Nước được ướp hương hoa hoặc hương liệu thiên nhiên như hoa chăm-pa, hoa Dok Khoun.

Trong ngày đầu tiên của Tết, các tượng Phật trong các chùa ở Lào được rước ra đặt lên kệ trong khuôn viên chùa để người dân đến tắm nước thơm. Nước tắm được hứng lại và mang về để té lên cho người thân, bạn bè với niềm tin gột rửa, thanh lọc những điều không may, bệnh tật và chúc cho họ một năm mới an bình, may mắn, hạnh phúc. Nước thơm cũng được xức lên nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất mới, mong muốn một năm mới mưa thuận, gió hòa, làm ăn thịnh vượng.

leftcenterrightdel
 Buộc chỉ cổ tay và chúc phúc cho nhau nhân dịp tết Bunpimay.

Ngày thứ hai và thứ ba (Van Nao) - ngày giao thời, là ngày chuyển giao giữa năm cũ và mới. Trong ngày này, trẻ em thường cùng ông bà, cha mẹ đi té nước chúc phúc người lớn hơn. Làng trên xóm dưới, ai ai cũng vui vẻ chúc mừng nhau nhân dịp năm mới. Người Lào tin rằng, làm như vậy là gột rửa những điều không tốt của năm cũ, chuẩn bị cho một năm mới khỏe mạnh và tươm tất.

Ngày cuối cùng của Tết Bunpimay hay còn gọi là Sang khan Khuen Py May. Trong ngày này, nhiều gia đình tổ chức Lễ buộc chỉ cổ tay (Lễ Ba xi) để nghênh đón năm mới, chúc phúc, tặng quà người già và xin được thứ lỗi cho những gì đã làm chưa tốt trong năm cũ.

Buổi chiều hoặc tối của ngày Khuen Py May, tượng Phật trong chùa được rước trở lại tọa bàn. Người dân đến nghe tụng kinh để xin Phật tha thứ nếu trong quá trình tắm tượng vô tình sờ vào tượng, làm lễ rước đèn nến đi quanh chùa để kết thúc Bunpimay.

Ngày nay, trong dịp Tết Bunpimay, tại các thành phố lớn, mọi người dễ dàng bắt gặp từng nhóm người đứng bên đường té nước vào người qua đường, còn dưới lòng đường là hàng đoàn xe ô tô bán tải, trên xe chở hàng chục người cùng với thùng, xô đựng nước để té nước người đi bộ… nên Bunpimay trước đây cũng như hiện tại được nhiều người biết đến với tên gọi Tết Té nước hay Bun Hốt Nặm.

leftcenterrightdel
  Tắm tượng Phật tại chùa.
leftcenterrightdel
 Mọi người đến chùa tắm tượng Phật để mong một năm mới nhiều hạnh phúc cho bản thân và gia đình.

Trong ngày Tết, người Lào rất chú trọng tới việc ăn món Lạp, đặc biệt là các doanh nhân. Theo ngôn ngữ Lào, “Lạp” có nghĩa là “Lộc”. Lạp ở đây thường được làm bằng thịt gà hay thịt bò tươi, sau đó đem trộn với gia vị. Đặc biệt, món Lạp mà không có thính thì sẽ làm giảm hương vị độc đáo.

Trong mỗi gia đình, đặc biệt là những người làm nghề kinh doanh, món Lạp thường được các đầu bếp làm rất công phu, vì mọi người quan niệm rằng, nếu món này trong ngày Tết mà không ngon thì năm mới làm ăn sẽ ít thuận buồm xuôi gió. Lạp thường được ăn với xôi nóng. Lạp được xem như là “linh hồn”của người Lào trong năm mới. Người ta có thể chúc nhau bằng món Lạp. Gia đình nào nhận được nhiều món Lạp thì hy vọng năm mới sẽ có nhiều lộc.

Tết Bunpimay Lào mọi người thường đi du lịch xa, ăn món Lạp, uống bia Lào, ca hát, nhảy múa và té nước chúc tụng nhau. Trong ngày Tết, trên mọi nẻo đường đâu đâu cũng nghe thấy tiếng nhạc rộn ràng, cũng nhìn thấy người dân nhảy múa, ca hát, được cảm nhận cái vị mát lạnh của nước khi té vào người cùng với những lời chúc tụng.

Đến với Lào dịp Tết Bunpimay, ngoài việc cảm nhận về một đất nước hiền hòa, tươi đẹp, du khách còn được hòa mình vào phong tục té nước, với những điệu lăm-vông uyển chuyển say đắm lòng người, cảm nhận được những người dân Lào với nhiệt huyết, quyết tâm xây dựng một đất nước Lào giàu đẹp, cảm nhận sự chuyển mình mạnh mẽ của một nước Lào tươi trẻ, đầy sức sống, vươn lên không ngừng trong năm mới tràn đầy hy vọng.

Nếu có dịp cùng gia đình đến với đất nước triệu voi tươi đẹp dịp Tết Bunpimay, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy rất hài lòng. 

Phaylin BOUNYANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.