Hướng tiếp cận mới

Tận dụng sự tiện lợi và phổ biến của điện thoại thông minh, các đơn vị y tế và doanh nghiệp đã nghiên cứu, cho ra mắt hàng loạt phần mềm và ứng dụng có thể giúp bệnh nhân khám bệnh và chủ động chăm sóc sức khỏe ngay trên điện thoại cá nhân của họ.

Babylon Health do bác sĩ Ali Parsa phát minh là một trong số đó. Ứng dụng trên smartphone này cung cấp một dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện. Với mức phí hằng tháng là 4,99 bảng Anh, khách hàng sẽ nhận được tư vấn về y khoa không giới hạn bằng các nội dung văn bản và video. Khi bạn đặt câu hỏi qua ứng dụng này, một bác sĩ đa khoa sẽ gửi thông tin đăng ký của bạn đến nhà thuốc gần bạn nhất và sắp xếp một lời giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa để tư vấn cho bạn. “Thông thường, nếu bạn có vấn đề về sức khỏe và muốn gặp một bác sĩ, bạn phải nghỉ làm nửa ngày để đi khám. Hiện nay, với ứng dụng này, bạn có thể đặt một cuộc hẹn trong giây lát, gặp bác sĩ trong vài phút và có câu trả lời ngay tại chỗ”, bác sĩ Ali Parsa giới thiệu về ứng dụng Babylon Health. Đến nay, đã có khoảng 250.000 người sử dụng dịch vụ này ở Anh và Ireland.

Trong những năm gần đây, thị trường ứng dụng theo dõi tình trạng sức khỏe trên các thiết bị thông minh tương tự như Babylon Health đang chứng kiến sự tăng trưởng chưa từng thấy. Số liệu thống kê cho thấy, số lượng các ứng dụng chăm sóc sức khỏe trên di động đã tăng tới hơn 60% chỉ trong 2 năm qua. Kể từ khi bắt đầu phát triển với giá trị 1,3 tỷ USD vào năm 2012, thị trường này đã tăng lên đến trị giá 26 tỷ USD vào cuối năm ngoái. Theo The Guardian, hiện có hơn 165.000 ứng dụng sức khỏe chạy trên hai hệ điều hành iOS và Android.

Ứng dụng Babylon Health trên điện thoại thông minh.n Ảnh: Financial Review

Với những ứng dụng này, người dùng hoàn toàn có thể được hỗ trợ tra cứu thông tin y tế, cẩm nang sức khỏe, danh sách phòng khám, đặt lịch bác sĩ, cho đến đo nhịp tim, đo huyết áp, kiểm tra thính lực, siêu âm, làm các xét nghiệm kiểm tra chức năng gan, thận và thậm chí xét nghiệm ADN... chỉ bằng một chiếc điện thoại di động.

Mang lại lợi ích không nhỏ

Trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe đang gia tăng ở thị trường Đông Nam Á, việc đáp ứng nhu cầu này lại ngày càng khó khăn hơn.

Cải thiện thực trạng này là một quá trình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế và công nghệ thông tin, việc số hóa trong y tế sẽ có thể tạo ra một bước nhảy cóc khỏi các vấn đề kể trên đối với các nước đang phát triển. Những ứng dụng chăm sóc sức khỏe đơn giản trên điện thoại thông minh có thể giúp người bệnh tiết kiệm thời gian xếp hàng chờ khám ở những bệnh viện quá tải bệnh nhân. Kết nối bệnh nhân và bác sĩ qua điện thoại có thể giúp bác sĩ kiểm soát quá trình điều trị hằng ngày của bệnh nhân. Trong khi đó, chi phí dành cho các ứng dụng sức khỏe trên điện thoại thông minh lại khá rẻ so với chi phí khám bệnh thông thường. Những điểm ưu việt này được dự đoán sẽ góp phần đem các dịch vụ chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số tới gần hơn với đa số người dân Đông Nam Á. Các chuyên gia ước tính, thị trường chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số riêng tại khu vực Đông Nam Á ước tính tăng hơn 20% trong giai đoạn từ năm 2016-2020 và thị trường này sẽ đạt tới 100 tỷ USD vào năm 2020.

Con dao hai lưỡi

Với tiềm năng phát triển mạnh mẽ, các ứng dụng sức khỏe trên di động mọc lên nhanh chóng. Điều này dẫn tới việc một bộ phận các ứng dụng này được tạo ra với mục đích lợi nhuận và được các nhà sản xuất vốn không hề có chuyên môn về y khoa sáng tạo nên. Hệ lụy của nó là việc đánh giá không chính xác tình trạng của bệnh nhân, dẫn đến các chẩn đoán sai lệch nghiêm trọng. Apple từng phải gỡ một ứng dụng đo huyết áp sau khi nhiều kiểm nghiệm cho thấy có sai số. Trong khi đó, nhà phát triển ứng dụng Acne App điều trị mụn bằng ánh sáng từ màn hình iPhone cũng đã bị phạt vì thông tin sai sự thật.

Ngoài ra, trong thời đại công nghệ thông tin, điều đáng quan tâm là dữ liệu và quyền riêng tư của các bệnh nhân sử dụng các ứng dụng sức khỏe sẽ được bảo vệ ra sao, liệu rằng những thông tin cá nhân có được sử dụng vào mục đích xấu. Một nghiên cứu mới trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ cho thấy, nhiều ứng dụng trên di động đã thu thập và chia sẻ dữ liệu sức khỏe của người bệnh mà không được cho phép. Bên cạnh đó, 4/5 trong số 211 ứng dụng theo dõi bệnh tiểu đường không có chính sách bảo mật. Đây là những lời cảnh báo đối với người dùng về tính hai mặt của các "bác sĩ bỏ túi".

HÀ LAN