Con tàu này đã bị Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho cập cảng để tiêu hủy do lo ngại ô nhiễm môi trường nên buộc phải trôi nổi ngoài khơi suốt mấy tháng qua.

Hải quân Brazil cho biết, tàu Sao Paulo 32.000 tấn được lai dắt đến châu Âu nhưng không thể đi qua eo biển Gibraltar và phải quay trở lại Đại Tây Dương sau khi Thổ Nhĩ Kỳ khước từ cho cập cảng vì cho rằng con tàu là mối nguy đối với môi trường. Con tàu đang có nguy cơ bị chìm, do đó không thể cho cập cảng Brazil nên hải quân nước này có kế hoạch đánh chìm con tàu ngoài khơi.

leftcenterrightdel
Tàu sân bay Sao Paulo khi còn ở Rio de Janeiro năm 2016. Ảnh: Reuters 

Năm 2021, Brazil bán tàu Sao Paulo cho một xưởng đóng tàu tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đến tháng 8-2022, tàu này rời căn cứ hải quân ở thủ đô Rio de Janeiro để hành trình đến Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ hủy bỏ cấp phép cho tàu Sao Paulo vào lãnh hải nước này với lý do phía Brazil chưa chứng minh được tàu không còn chất amiang. Trong khi đó, Brazil cũng không muốn nhận lại tàu này. Hồi tháng 9-2022, bang Pernambuco của Brazil từ chối cho tàu Sao Paulo cập cảng.

Trước nguy cơ ô nhiễm môi trường do việc đánh chìm con tàu gây ra, Bộ trưởng Môi trường Brazil Marina Silva đã yêu cầu không đánh chìm tàu sân bay này. Nhưng theo Hải quân Brazil, không còn lựa chọn nào khác bởi tàu Sao Paulo nhiều khả năng sẽ bị chìm không kiểm soát. Khu vực đánh đắm tàu ở vùng biển ngoài khơi có độ sâu 5.000m và cách bờ 350km trong vùng đặc quyền kinh tế của Brazil. Khu vực này cũng cách xa khu vực bảo vệ môi trường biển, không có hệ thống cáp thông tin liên lạc dưới đáy biển.

Kế hoạch đánh đắm con tàu của Hải quân Brazil còn vấp phải sự cản trở của các công tố viên Brazil cũng với lý do đe dọa môi trường, bởi hàng tấn amiang được sử dụng để ốp bên trong con tàu.

Tàu Sao Paulo là tàu sân bay lớp Clemenceau biên chế trong lực lượng Hải quân Pháp từ năm 1963 đến năm 2000 với tên gọi Foch, có khả năng chở 40 máy bay. Theo Military Today, Brazil đã mua lại Foch sau khi Hải quân Pháp loại biên và đặt tên là Sao Paulo. Sức mạnh của Sao Paulo được đánh giá là nằm ở số lượng máy bay có thể mang theo. 

ĐỨC ANH