Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cùng Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ thăm Nhật Bản và Hàn Quốc trong một động thái được khẳng định là nhằm củng cố quan hệ đồng minh giữa Washington với Tokyo và Seoul.
Đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của các quan chức quốc phòng và ngoại giao hàng đầu trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Lầu Năm Góc khẳng định chuyến công du châu Á nhằm “trấn an các đồng minh về cam kết của Mỹ đối với khu vực”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc diễn ra từ ngày 15 đến 18-3 nhằm tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với việc tăng cường quan hệ đồng minh cũng như “nêu bật sự hợp tác thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới”.
Ngày 14-3, AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nêu rõ: “Mỹ có nhiều quan hệ đồng minh và quan hệ đối tác hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Những mối quan hệ ấy đem lại cho chúng tôi thêm nhiều năng lực. Chuyến công du của chúng tôi sẽ tập trung vào các mối quan hệ đồng minh và đối tác cũng như nâng cao năng lực”.
 |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (bên phải) sẽ cùng Ngoại trưởng Antony Blinken thăm Nhật Bản và Hàn Quốc. Ảnh: AFP |
Chuyến công du châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Mỹ diễn ra trong bối cảnh tại các cuộc điện đàm vừa qua giữa Tổng thống Joe Biden với các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc, ông chủ Nhà Trắng liên tục nhấn mạnh tới tầm quan trọng của các mối quan hệ đồng minh thân thiết Washington-Tokyo, Washington-Seoul. Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã nhất trí tiếp tục tăng cường quan hệ hướng tới thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời khẳng định sự cần thiết của các cuộc tiếp xúc cấp cao Nhật-Mỹ. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in nhất trí phát triển mối quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn thành mối quan hệ “đồng minh có trách nhiệm”, chia sẻ các giá trị chung và là một “đồng minh chiến lược toàn diện”.
Dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh đã chịu những tác động đáng kể do chính sách “Nước Mỹ trên hết”. Với Nhật Bản và Hàn Quốc, Washington liên tục gây sức ép yêu cầu Tokyo và Seoul phải chi trả nhiều chi phí hơn cho các lực lượng quân đội Mỹ đồn trú. Tuy nhiên, kể từ khi tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden thường xuyên đề cập về việc khôi phục quan hệ hợp tác với các đồng minh. Lầu Năm Góc cũng khẳng định mạng lưới các quan hệ đồng minh và đối tác của Mỹ là “một lợi thế bất cân xứng”. Giới phân tích cho rằng, để có thể thúc đẩy những giá trị và lợi ích cốt lõi của Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden cần phải hiện thực hóa những tuyên bố của mình để xây dựng các mối quan hệ thân thiết đúng nghĩa với việc đặt các đồng minh ở vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại. Mọi chuyện không chỉ đơn giản là đưa nước Mỹ trở lại vị thế dẫn đầu trong các vấn đề và các đồng minh sẽ theo sau. Theo chuyên gia Ash Jain của Hội đồng Đại Tây Dương-một cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Washington, Mỹ cần có cách tiếp cận khiêm nhường và lắng nghe hơn với các đồng minh để thể hiện thiện chí và thu hút sự phối hợp của họ, chứ không đơn thuần chỉ là tham vấn mang tính chiếu lệ. Có lẽ cũng vì thế mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã khẳng định trước thềm chuyến công du châu Á rằng: “Một trong những điều quan trọng mà tôi và Ngoại trưởng Antony Blinken muốn làm là bắt đầu củng cố quan hệ đồng minh, tập trung vào lắng nghe và học hỏi, tìm hiểu quan điểm của họ”.
VĨNH AN