Trong báo cáo công bố hồi tháng 3 năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng "quá nhiều thủ tục hành chính" là một trong những trở ngại chính đối với việc phục hồi nền kinh tế Đức. Chẳng hạn, các doanh nghiệp ở Đức phải mất tới 120 ngày để xin được giấy phép kinh doanh, tức là gấp đôi thời gian trung bình ở các nền kinh tế phương Tây khác. Ngoài ra, Đức cũng bị xem là tụt hậu so với phần còn lại của Liên minh châu Âu (EU) trong việc số hóa các dịch vụ của chính phủ, mà bằng chứng là nước này vẫn yêu cầu các văn bản giấy trong nhiều trường hợp. Tờ The New York Times nhận định, gánh nặng thủ tục hành chính là vấn đề trở nên cấp bách ở Đức hơn ở bất cứ nơi nào khác.

leftcenterrightdel
Hành khách xếp hàng chờ làm thủ tục tại sân bay Frankfurt, Đức. Ảnh: Reuters 

Claus Paal, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Stuttgart (Đức) đồng thời là người điều hành một công ty bao bì, than phiền rằng công ty của ông ngày càng cần thêm nhiều nhân viên để có thể giải quyết các vấn đề liên quan tới thủ tục hành chính, sổ sách, giấy tờ. Ông nói: “Những người có trình độ này thực sự sẽ làm tốt hơn nhiều khi tham gia sản xuất thay vì ngồi viết báo cáo hoặc điền số liệu thống kê”.

Ước tính, các công ty ở Đức tiêu tốn tổng cộng 64 triệu giờ mỗi năm vào việc điền các báo cáo thống kê để cung cấp cho 375 cơ sở dữ liệu chính thức của nước này. Chẳng thế mà khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Stuttgart yêu cầu 175.000 thành viên nêu tên những thách thức lớn nhất mà họ gặp phải, thủ tục hành chính đứng đầu danh sách.

Ngay cả Thủ tướng Olaf Scholz cũng từng công khai thừa nhận rằng các thủ tục hành chính đã trở nên quá nhiều ở Đức. Theo ông, Đức đã rơi vào tình huống mà ở nhiều nơi trên đất nước này, không ai có thể thực hiện tất cả thủ tục do chính họ tạo ra.

Các thủ tục hành chính rườm rà gây tốn kém cả thời gian lẫn nguồn lực đặc biệt ảnh hưởng đến các công ty vừa và nhỏ-những công ty có ít hơn 500 nhân viên và doanh thu hàng năm dưới 50 triệu euro-vốn được coi là “xương sống” của nền kinh tế Đức. Michael Wirkner, người sáng lập một công ty quảng cáo tại Göppingen cách đây gần 20 năm, tiết lộ rằng ngay cả quá trình số hóa các dịch vụ của Chính phủ Đức cũng bị cản trở bởi những thủ tục hành chính.

Vì vậy, tháng 3-2024, Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã nhất trí soạn thảo một dự luật nhằm cắt giảm thủ tục hành chính hằng ngày cho các doanh nghiệp, chính quyền các thành phố và người dân Đức, qua đó giúp họ tiết kiệm được khoảng 3 tỷ euro mỗi năm. Theo tờ DW, Thủ tướng Olaf Scholz đã gọi động thái này là một bước tiến lớn, đồng thời khẳng định: “Giảm bớt bộ máy quan liêu là một trong những nhiệm vụ chính của chính quyền liên bang, một trong những dự án lớn của chúng tôi”.

Mặc dù vậy, một số chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng các kế hoạch hiện nay của nước Đức vẫn chưa đủ. Chẳng hạn, theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Đức Hildegard Müller, việc soạn thảo dự luật liên quan tới cắt giảm thủ tục, giấy tờ hành chính đã gửi đi "tín hiệu đúng đắn" nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Nhìn chung, có nhiều ý kiến cho rằng vẫn cần thêm thời gian để doanh nghiệp và người dân Đức không còn cảm thấy đau đầu vì nạn “quan liêu giấy tờ”. “Nó giống như việc tích mỡ bụng theo năm tháng vậy. Bạn không thể loại bỏ chúng chỉ sau một đêm bằng cách nhấn nút", Bộ trưởng Tư pháp Marco Buschmann ví von trong một lần trả lời phỏng vấn đài truyền hình ARD.

ANH VŨ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.