Thập niên 1970, Bangladesh chứng kiến tỷ lệ trẻ tử vong rất cao do các bệnh kiết lỵ, dịch tả sau khi uống nước bẩn từ sông, suối, ao tù. Để đối phó với tình trạng này, Chính phủ Bangladesh với sự hỗ trợ của các cơ quan quốc tế do UNICEF dẫn đầu đã phát động một nỗ lực lớn nhằm khai thác nguồn nước ngầm dưới lòng đất. Trong hai thập kỷ tiếp theo, người ta khoan nhiều giếng ngầm để lấy nước sạch. “Chỉ trong vòng một thế hệ, họ đã xây dựng thói quen sử dụng nước ngầm của toàn bộ người dân”, nhà hóa học, giáo sư danh dự tại Đại học Norwich, người có nhiều năm nghiên cứu về ô nhiễm asen chia sẻ với CNN. Kể từ đó, tỷ lệ tử vong ở trẻ em của nước này đã giảm đáng kể.

leftcenterrightdel
Trẻ em lấy nước uống tại trại tị nạn ở Cox’s Bazar, Bangladesh - Ảnh: Shafiqur Rahman/AP 

Đến thập niên 1990, các chuyên gia phát hiện nước ngầm ở Bangladesh chứa hàm lượng asen cao "ngất ngưởng". Giới y tế gọi đây là “vụ ngộ độc hàng loạt” tồi tệ nhất trong lịch sử, với hàng chục triệu người bị ảnh hưởng. Theo một nghiên cứu, ước tính có khoảng 43.000 người chết mỗi năm do các bệnh liên quan đến ngộ độc asen ở Bangladesh.

Tình hình được dự báo có thể trở nên tồi tệ hơn, khi tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra, bao gồm lũ lụt và mực nước biển dâng đang làm thay đổi thành phần hóa học của nước dưới lòng đất và đẩy nồng độ asen lên cao hơn nữa.

Không chỉ ở Bangladesh, ngày càng có nhiều nghiên cứu ở các quốc gia khác cho thấy, sự nóng lên toàn cầu có thể làm trầm trọng thêm vấn đề nước nhiễm asen trên khắp thế giới.

Nếu nước trên mặt đất bị ô nhiễm khiến con người nhanh chóng nhiễm bệnh thì asen lại là “kẻ giết người lén lút”. Là chất hóa học không màu, không mùi, không vị, sẽ không có cách nào phát hiện ra asen nếu không sử dụng phản ứng hóa học hoặc chứng kiến triệu chứng của nó xuất hiện sau nhiều năm. Phơi nhiễm mãn tính asen biểu hiện qua lớp da cứng ở bàn tay và bàn chân (chứng dày sừng), sự xuất hiện của các mảng sắc tố trên da và thậm chí là “bệnh chân đen”. Vào bên trong cơ thể, asen làm tăng nguy cơ ung thư da, gan, phổi, bàng quang, bệnh tim mạch, tiểu đường, chậm phát triển ở trẻ em...

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính khoảng 140 triệu người ở ít nhất 70 quốc gia đã uống nước bị nhiễm asen ở mức vượt quá giới hạn khuyến nghị là 10 microgam/lít, để lại một di sản nặng nề cho cộng đồng và xã hội.

HẢI LÊ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.