Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, ngày 19-2, biểu tượng bản đồ màu đỏ biểu thị bán đảo Triều Tiên đã bị xóa khỏi phía trên trang web “Foreign Trade of DPRK” được lập ra để thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư của Triều Tiên. Hình ảnh bán đảo Triều Tiên trên trang chủ của cổng thông tin “Publications of the DPRK”-một trang web đăng tải những tin tức chính thức về Triều Tiên bằng tiếng nước ngoài, cũng không còn xuất hiện. 

Hành động xóa bỏ biểu tượng của thống nhất hai miền Triều Tiên này diễn ra trong bối cảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho rằng việc thống nhất với Hàn Quốc không còn khả thi nữa. Trong bài phát biểu trước Hội đồng nhân dân tối cao (Quốc hội Triều Tiên) ngày 15-1, ông Kim Jong Un cho rằng Triều Tiên nên sửa đổi Hiến pháp để giáo dục người dân nước này xem Hàn Quốc là “kẻ thù chính và kẻ thù không thay đổi", xác định Triều Tiên có lãnh thổ tách biệt với Hàn Quốc.

leftcenterrightdel

Bức ảnh phía trên được chụp trên trang web “Publications of the DPRK” ngày 19-2 không còn hình ảnh bản đồ màu đỏ biểu thị bán đảo Triều Tiên như hình bên dưới. Ảnh: Yonhap 

Tháng trước, Đài phát thanh truyền hình nhà nước Triều Tiên đã phát sóng chương trình trên đó bản đồ chỉ đánh dấu phần phía Bắc của Bán đảo Triều Tiên bằng màu đỏ. Trong khi đó, theo đài truyền hình NHK của Nhật Bản, Triều Tiên đã bỏ một cụm từ tượng trưng cho bán đảo Triều Tiên thống nhất khỏi lời bài quốc ca. Cụ thể, lời bài hát được tải lên trang web Bộ Ngoại giao Triều Tiên không có cụm từ “3.000 ri”, ám chỉ chiều dài của toàn bộ lãnh thổ bán đảo Triều Tiên khoảng 1.200km, trải dài từ mũi phía Bắc của Triều Tiên đến hòn đảo nghỉ mát Jeju phía Nam Hàn Quốc.

Cuối tháng 1 vừa qua, theo NK News, Triều Tiên đã phá hủy tượng đài lớn ở thủ đô tượng trưng cho mục tiêu thống nhất với Hàn Quốc. Tượng đài hình vòm tượng trưng cho hy vọng thống nhất hai miền được dựng lên sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000.

Trước đó là một loạt cơ quan phụ trách các vấn đề liên Triều bị Bình Nhưỡng đóng cửa, đồng nghĩa với việc đóng lại cánh cửa đối thoại liên Triều cũng như chấm dứt các cuộc đàm phán và hoạt động hợp tác song phương.

Những hành động cứng rắn của Triều Tiên cho thấy mối quan hệ liên Triều đã sa sút nghiêm trọng kể từ sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi tháng 2-2019 không mang lại kết quả. Nó cũng cho thấy một cách tiếp cận mới của Bình Nhưỡng trong việc ứng phó với Hàn Quốc, đó là nỗ lực thoát khỏi sự cô lập về ngoại giao bằng cách tăng cường quan hệ với các nước, cũng như củng cố vị thế của mình trong khu vực thông qua củng cố năng lực hạt nhân và tên lửa. Tình hình trên bán đảo Triều Tiên thời gian gần đây trở nên căng thẳng sau nhiều vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng, cũng như các vụ bắn đạn pháo từ cả Triều Tiên và Hàn Quốc trong khuôn khổ các cuộc tập trận bắn đạn thật.  

Căng thẳng đẩy lên cao trào vào thời điểm Hàn Quốc sẽ bầu cử Quốc hội vào tháng 4 tới khiến giới phân tích cũng nhận định rằng, khả năng Triều Tiên đang muốn gây áp lực lên cuộc bầu cử này. Động thái leo thang căng thẳng của Triều Tiên được cho là có thể tác động đến tâm lý của cử tri Hàn Quốc, trong đó có những người cho rằng “cần một cách nghĩ mới” về bán đảo Triều Tiên cũng như triển vọng hòa bình và thống nhất hai miền. Cuộc bỏ phiếu sắp tới được dự đoán là có thể ảnh hưởng đến chương trình nghị sự trong và ngoài nước của Tổng thống Yoon Suk Yeol, người vốn duy trì lập trường cứng rắn đối với Bình Nhưỡng. 

XUÂN PHONG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.