QĐND - Theo AFP, sau khi các lực lượng do NATO đứng đầu rút khỏi Áp-ga-ni-xtan, quốc gia Nam Á này không chỉ đối mặt với sự trỗi dậy ngày càng lớn của phiến quân Ta-li-ban, mà còn đang đứng trước một bài toán nan giải hơn nhiều, đó là vấn đề kinh tế. Tình trạng kinh tế nghèo nàn có thể sẽ gây ra mối đe dọa lớn hơn đối với sự ổn định lâu dài của Áp-ga-ni-xtan, mà những nguồn khoáng sản khổng lồ của nước này không thể nhanh chóng khỏa lấp.
Theo một khảo sát được thực hiện bởi Quỹ châu Á, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, tình trạng thất nghiệp và nền kinh tế yếu kém là những vấn đề nổi cộm nhất ở Áp-ga-ni-xtan hiện nay, thậm chí nó còn đáng lo ngại hơn sự bất ổn và tình trạng tham nhũng tại quốc gia này.
 |
Hoạt động tại một khu chợ thu đổi ngoại tệ ở thủ đô Ca-bun. Ảnh: AFP
|
Theo tổ chức Tổng thanh sát viên đặc biệt của Mỹ về tái thiết Áp-ga-ni-xtan (SIGAR), kể từ năm 2002 đến nay, Mỹ đã “bơm” hơn 104 tỷ USD vào Áp-ga-ni-xtan. Tuy nhiên, số tiền khổng lồ này chủ yếu được đầu tư cho các hoạt động chiến đấu hơn là việc tái thiết đất nước. Ngay cả khi các lực lượng Áp-ga-ni-xtan làm nhiệm vụ chống lại phiến quân Ta-li-ban, lương bổng của họ vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ của nước ngoài. Từ nay đến ít nhất là năm 2016, mỗi năm Áp-ga-ni-xtan sẽ nhận được 8 tỷ USD từ viện trợ quốc tế. Nếu không có nguồn hỗ trợ này, Chính phủ Áp-ga-ni-xtan sẽ không đủ khả năng trả lương cho khoảng 350.000 binh sĩ và cảnh sát hoạt động trên mặt trận chống Ta-li-ban.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, trải qua một thập kỷ với sự có mặt của các lực lượng NATO, Áp-ga-ni-xtan đã đạt được tăng trưởng lớn về kinh tế. GDP của nước này đã tăng từ 2,5 tỷ USD vào năm 2001 lên hơn 20 tỷ USD, chủ yếu nhờ vào các lĩnh vực như giao thông, xây dựng, viễn thông và truyền thông.
Lĩnh vực nông nghiệp, với thế mạnh là xuất khẩu hoa quả khô, cũng đem đến lợi ích kinh tế không nhỏ. Các nhà sản xuất của Áp-ga-ni-xtan đã “kiếm bộn tiền” từ việc xuất khẩu trái cây khô tới vùng Vịnh, Ô-xtrây-li-a và Ca-na-đa, đồng thời giúp tạo việc làm cho một đất nước với 30 triệu dân, trong đó có 400.000 người trẻ tuổi bị thất nghiệp mỗi năm. Tuy nhiên, điều đáng nói là để thúc đẩy xuất khẩu, Áp-ga-ni-xtan cần thêm nhiều nguồn cung cấp năng lượng ổn định, đầu tư mạnh mẽ hơn cho các nhà máy và quảng bá sản phẩm ở nước ngoài.
Một lĩnh vực khác cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư là khai thác khoáng sản. Tổ chức Khảo sát địa chất Mỹ ước tính, giá trị các mỏ khoáng sản của Áp-ga-ni-xtan, bao gồm vàng, sắt và đồng, rơi vào khoảng 1000 đến 3000 tỷ USD.
Về lý thuyết, nguồn trữ lượng này sẽ giúp Chính phủ Áp-ga-ni-xtan không phải phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Tuy nhiên, theo chuyên gia khoáng sản người Áp-ga-ni-xtan Gia-vét Nua-ra-ni (Javed Noorani), hoạt động khai thác vẫn đang gặp phải vô số những trở ngại. Cụ thể, Áp-ga-ni-xtan cần phải cải tổ hệ thống luật pháp liên quan đến khai thác khoáng sản, mở rộng hệ thống đường sắt và giải quyết vấn nạn tham nhũng tràn lan ở các mỏ hiện có.
Ước tính, Áp-ga-ni-xtan sẽ cần ít nhất 10 năm để giải quyết tất cả những vấn đề nói trên và xây dựng một “ngành khai thác khoáng sản đích thực”.
Trước khi làm được điều đó, Áp-ga-ni-xtan cần sự ổn định và phải tạo công ăn việc làm cũng như nhiều cơ hội hơn cho đội ngũ dân số trẻ. Bởi vậy, nền kinh tế nước này vẫn chưa thể thoát khỏi cảnh dựa vào viện trợ nước ngoài và đứng trước tương lai hết sức bấp bênh.
TRUNG DŨNG