Bài viết cho biết, nếu như 10 năm về trước, người ta còn hoài nghi về "vai trò trong tương lai" của Ấn Độ tại Trung Đông thì giờ đây, mọi chuyện đã thay đổi. "Đã đến lúc cần nhìn nhận nghiêm túc tầm ảnh hưởng của Ấn Độ tại khu vực này", Tạp chí Foreign Policy nêu rõ.

Bài viết đánh giá mối quan hệ với Israel có lẽ là mối quan hệ phát triển bậc nhất trong các mối quan hệ song phương của Ấn Độ tại Trung Đông. Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, nhất là trong những năm gần đây, quan hệ Ấn Độ-Israel ngày càng khởi sắc. Năm 2017, Thủ tướng Narendra Modi trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Ấn Độ thăm Israel.

Một năm sau đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng có chuyến thăm tới Ấn Độ. Cùng với những chuyến thăm cấp cao, quan hệ Ấn Độ-Israel phát triển nhanh trên nhiều lĩnh vực, đáng chú ý là các lĩnh vực công nghệ cao và quốc phòng. Israel là một trong những nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ. Truyền thông Ấn Độ gần đây đưa tin, hai bên đang tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất chung các hệ thống vũ khí. Ấn Độ và Israel hiện cũng đang đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan trong chuyến thăm UAE, tháng 6-2022. Ảnh: Gulf News

Về quan hệ giữa Ấn Độ với các quốc gia vùng Vịnh, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Saudi Arabia cũng đang tích cực nỗ lực mở rộng quan hệ với New Delhi. Nguyên nhân, theo Tạp chí Foreign Policy, một phần là vì đôi bên cùng chia sẻ lợi ích trong việc ngăn chặn chủ nghĩa hồi giáo cực đoan và quan trọng hơn cả là vì lợi ích kinh tế. Cả Abu Dhabi và Riyadh nhận thấy có nhiều cơ hội ở quốc gia hơn 1,4 tỷ dân chỉ cách 4 giờ bay. Kể từ khi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Ấn Độ-UAE chính thức có hiệu lực vào tháng 5-2022, kim ngạch thương mại song phương (chưa tính lĩnh vực dầu mỏ) đã đạt 45 tỷ USD, tăng gần 7% so với trước đó.

Quan hệ Ấn Độ-UAE còn không ngừng phát triển trong khuôn khổ nhóm I2U2 (gồm: Israel, Ấn Độ, UAE và Mỹ có mục tiêu tận dụng trình độ công nghệ và nguồn vốn tư nhân để ứng phó với những thách thức về năng lượng, nông nghiệp, thương mại, phát triển hạ tầng...). Với Saudi Arabia-nhà cung cấp dầu mỏ và khí đốt lớn thứ hai của Ấn Độ, kim ngạch thương mại song phương trung bình đạt khoảng 43 tỷ USD/năm và hai bên đang tìm cách nâng cao con số này.

Song song với đó, Ấn Độ tiếp tục chủ trương ủng hộ Palestine và có quan hệ hữu hảo với Iran-nhà cung cấp dầu mỏ quan trọng của New Delhi. "Vị thế gia tăng của Ấn Độ tại Trung Đông phản ánh một trật tự quốc tế đang thay đổi và cho thấy các quốc gia trong khu vực sẵn sàng, thậm chí là nóng lòng, được hưởng lợi từ trật tự đa cực mới", Tạp chí Foreign Policy nhận định.

Cùng chung quan điểm, Tạp chí Mosaic nhấn mạnh, Ấn Độ đang gia tăng sự hiện diện tại Trung Đông. Mục tiêu được cho là nhằm bảo đảm các lợi ích của New Delhi không bị ảnh hưởng "trước khoảng trống được tạo ra do việc Mỹ tập trung vào cạnh tranh với Trung Quốc và Nga". Theo Tạp chí Mosaic, Trung Đông là nguồn cung quan trọng về đầu tư, năng lượng và kiều hối cho Ấn Độ (có gần 9 triệu người Ấn Độ sinh sống tại vùng Vịnh và một nửa trong tổng số hơn 80 tỷ USD kiều hối/năm của Ấn Độ là từ vùng Vịnh).

Trung Đông cũng chia sẻ những mối quan ngại về an ninh của Ấn Độ, nhất là chủ nghĩa cực đoan và khủng bố. Trong khi đó, trang mạng The New Arab cũng cho rằng với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền vào năm 2014, Ấn Độ đã không ngừng làm sâu sắc quan hệ với các quốc gia Trung Đông. Giữa lúc dư luận tập trung vào cạnh tranh cường quốc tại Trung Đông, Ấn Độ "đang âm thầm nổi lên như là một đối tác quan trọng" tại khu vực này. "Sự hiện diện của Ấn Độ tại Trung Đông phản ánh xu hướng đa cực ngày càng gia tăng tại khu vực", trang mạng The New Arab nêu rõ.

HOÀNG VŨ