Hai tập đoàn hàng đầu Nhật Bản là NEC và Sumitomo mới đây cho biết sẽ hợp tác phát triển dịch vụ sử dụng AI để ứng phó hạn hán và hỗ trợ canh tác trên toàn thế giới vào năm 2024. NEC và Sumitomo mong muốn cung cấp các giải pháp hỗ trợ sản xuất lương thực ổn định trong bối cảnh khủng hoảng lương thực do các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên xảy ra bởi biến đổi khí hậu. Bằng cách sử dụng AI kết hợp và phân tích lượng dữ liệu lớn liên quan đến việc canh tác như lịch sử trồng trọt trong quá khứ, thông tin từ vệ tinh và cảm biến được lắp đặt tại các trang trại, dịch vụ hỗ trợ của liên minh NEC-Sumitomo sẽ đề xuất các phương pháp canh tác tốt nhất giúp tăng năng suất, đồng thời tiết kiệm nước và phân bón.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, AI có lẽ sẽ không thay thế được con người trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, mà chỉ có thể giúp công việc này của con người nhanh hơn và hiệu quả hơn. Với những ưu thế công nghệ của mình, AI có thể hỗ trợ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của con người hiện nay theo nhiều cách khác nhau như dự đoán và xác định các tảng băng trôi đang tan chảy, lập bản đồ nạn phá rừng, tái chế rác thải hiệu quả hơn, làm sạch đại dương, cải thiện khả năng dự báo thời tiết, hỗ trợ ngành công nghiệp khử carbon... Sử dụng công nghệ AI để đo lường sự thay đổi của tảng băng trôi có tốc độ nhanh hơn 10.000 lần so với khả năng của con người. Nhờ đó, các nhà khoa học sẽ nắm bắt chính xác hơn lượng nước tan chảy vào đại dương-quá trình này đang gia tăng do biến đổi khí hậu làm bầu khí quyển ấm lên. Các nhà khoa học tại Đại học Leeds, Vương quốc Anh, cho biết AI có thể lập bản đồ các tảng băng lớn ở Nam Cực bằng hình ảnh vệ tinh chỉ trong một phần trăm giây, theo báo cáo của Cơ quan Vũ trụ châu Âu. Đối với con người, công việc này tốn nhiều thời gian và khó có thể xác định được tảng băng trôi giữa mây trắng và băng biển. 

leftcenterrightdel

Một nền tảng AI do công ty ClimateAi phát triển đã giúp người trồng cà chua ở Ấn Độ chống chọi được với thời tiết cực đoan. Ảnh: Getty 

Tại Hà Lan, một tổ chức môi trường có tên “Dọn dẹp đại dương” đang sử dụng AI và những công nghệ khác để giúp loại bỏ ô nhiễm nhựa của các đại dương. AI phát hiện vật thể đang giúp tổ chức này tạo ra bản đồ chi tiết về rác thải đại dương ở những địa điểm xa xôi. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gần 4 tỷ người đang sống trong các khu vực dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Dự kiến, từ năm 2030 đến 2050 sẽ có thêm khoảng 250.000 ca tử vong mỗi năm do những tác động như suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy và nắng nóng. Vì vậy, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cần phải mang lại những kết quả tích cực hơn nữa và AI đang được coi như một công cụ đắc lực. Theo báo cáo của Tập đoàn tư vấn Boston (BCG), AI có tiềm năng giúp giảm thiểu 5% đến 10% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu vào năm 2030-tương đương tổng lượng phát thải hằng năm của Liên minh châu Âu.

Tại kỳ họp thứ 6 Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA-6) mới đây ở Nairobi, thủ đô Kenya, vấn đề sử dụng AI để chống biến đổi khí hậu là một trong những chủ đề được các đại biểu thảo luận sôi nổi. Các đại biểu nhất trí cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực khi sử dụng AI để hỗ trợ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cũng cần lưu ý những nguy cơ kèm theo, cụ thể là các tác động xấu tới môi trường do sử dụng AI sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng. 

Sử dụng AI đòi hỏi phải có hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ, trung tâm dữ liệu chứa đầy các dãy máy tính tiêu tốn năng lượng... Những kỹ sư phần mềm được khuyến cáo phải hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học về khí hậu để bảo đảm sự cân bằng, hài hòa trong vấn đề này. Kara Lamb, nhà khoa học nghiên cứu tại khoa kỹ thuật môi trường và trái đất của Đại học Columbia (Mỹ), đánh giá “chắc chắn phải có sự đánh đổi”, tuy nhiên, mặt tích cực vẫn nhiều hơn mặt tiêu cực khi áp dụng AI vào những cách tiếp cận này.

Theo kết quả nghiên cứu vào tháng 10-2023 của nhà nghiên cứu người Hà Lan Alex de Vries, hệ thống AI của Google ước tính có thể tiêu thụ lượng điện tương đương với đất nước Ireland mỗi năm. Chính vì vậy, các chuyên gia công nghệ khuyến cáo, AI phải được tạo ra với giá cả phải chăng và dễ tiếp cận đối với các quốc gia có thu nhập thấp, đặc biệt là những nơi đang bị ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu.

MAI NGUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.