Trong niềm tiếc thương, chúng ta lại nhớ về những di sản mà ông để lại cho đất nước Nhật Bản, cho quan hệ hợp tác hữu nghị Việt-Nhật.
Gần 3.000 ngày tận hiến cho đất nước
Cố Thủ tướng Abe Shinzo sinh năm 1954 tại Tokyo. Ông tốt nghiệp Khoa Luật, Bộ môn khoa học chính trị, Trường Đại học Seikei và Khoa Chính trị, Đại học Nam California. Năm 2006, ở độ tuổi 52, ông trở thành Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP), đồng thời trở thành Thủ tướng Nhật Bản. Dù vậy, một năm sau đó, ông phải từ chức vì căn bệnh viêm loét đại tràng mạn tính.
Cuối năm 2012, ông trở lại chính trường và chính thức ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng lần thứ hai. Sau gần 8 năm dốc sức cống hiến nhằm đem tới cuộc sống tốt đẹp cho đất nước và người dân Nhật Bản, tháng 8-2020, ông bất ngờ tuyên bố từ chức vì bệnh cũ tái phát.
Nhắc đến Abe Shinzo là nhắc tới vị Thủ tướng có thời gian tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử xứ sở mặt trời mọc (2.799 ngày) và hơn thế nữa, ông được xem là người có đóng góp lớn cho nỗ lực hồi sinh nền kinh tế Nhật Bản. Còn nhớ năm 2012, khi ông Abe Shinzo đắc cử Thủ tướng nhiệm kỳ thứ hai, nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, trì trệ.
Và chính ông là người khởi xướng cuộc “đại thử nghiệm” về kinh tế thông qua chính sách mang tên Abenomics, với 3 trọng tâm, gồm: Thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng chính sách tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng. Cũng kể từ đây, người ta bắt đầu nhìn thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới được tiếp thêm luồng sinh khí mới để từ đó dần thoát khỏi tình trạng trì trệ kéo dài.
 |
Ông Abe Shinzo ăn mặc giản dị khi đi mua sắm ở Tokyo, tháng 2-2019. Ảnh: Getty Images |
Trong con mắt của rất nhiều người, những thành tựu khởi nguồn từ chính sách gắn liền với tên tuổi của cố Thủ tướng Abe Shinzo là không thể phủ nhận. Như chuyên gia phân tích về chính trị Nhật Bản Tobias Harris đã từng nói, ông Abe Shinzo đã biến Nhật Bản trở thành một vùng đất ổn định chính trị, kể cả khi các nền dân chủ công nghiệp tiên tiến khác phải đối diện với những chính phủ yếu kém, ngắn hạn và không được lòng dân.
Cũng có ý kiến cho rằng, dù không hoàn thành hết mọi điều mà đất nước và Nhật Bản cần nhưng ông Abe Shinzo đã làm được nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Nhật Bản nào trong nhiều thập kỷ qua.
Cố Thủ tướng Abe Shinzo cũng là người để lại dấu ấn trong việc định hình lại quan hệ về chính trị, kinh tế của Nhật Bản với các nước khác, trong đó có những quốc gia ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Vai trò nổi bật của ông trong xử lý các vấn đề liên quan tới quan hệ song phương của Nhật Bản với các nước, các vấn đề khu vực và toàn cầu, đã giúp ông được nhìn nhận như một chính khách có tầm ảnh hưởng quốc tế sâu rộng.
Với cá nhân Abe Shinzo, ông tự nhận mình là một chính trị gia yêu nước và luôn phải đối mặt với những lời chỉ trích. “Vì tôi là một chính trị gia, tôi thường bị chỉ trích rất nhiều. Nhưng nếu cứ bận tâm đến những lời chỉ trích như vậy thì làm sao tôi có thể bảo vệ tính mạng của người dân”, ông Abe Shinzo chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn Tạp chí Times vào năm 2014.
Những đóng góp quan trọng cho quan hệ Việt-Nhật
Không chỉ là chính khách có tầm ảnh hưởng sâu rộng quốc tế, khi còn tại nhiệm, cố Thủ tướng Abe Shinzo đã dành cho đất nước và con người Việt Nam những tình cảm đặc biệt và có sự đóng góp không nhỏ đối với sự phát triển mối bang giao giữa hai nước trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Mối quan tâm mà ông Abe Shinzo dành cho quan hệ Việt-Nhật trước hết được thể hiện rõ qua số lần tiếp xúc giữa ông và các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. Ngoài 4 lần thăm chính thức Việt Nam vào các năm 2006, 2013, 2017 (hai lần), ông từng tiếp đón nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam sang thăm Nhật Bản, trong đó có chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015.
Khi còn tại vị, ông Abe Shinzo cũng chứng tỏ luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới. Điển hình như tháng 5-2016, trên cương vị Thủ tướng, ông đã mời Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng ở Nagoya (Nhật Bản).
Đó là lần đầu tiên trong lịch sử 42 năm hình thành của G7, Việt Nam được mời tham gia Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng. Khi ấy, Thủ tướng Abe Shinzo đưa ra lời giải thích ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa rằng: Đó là sự công nhận đối với vị thế nâng cao của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Dưới thời Thủ tướng Abe Shinzo, với sự chung tay vun đắp của ông và các nhà lãnh đạo Việt Nam, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản cũng bước vào một giai đoạn được đánh giá là tốt nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao.
Bằng chứng là năm 2006, hai nước đã đưa ra Tuyên bố chung Việt Nam-Nhật Bản hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á và đến năm 2014 đã nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á. Cũng trong giai đoạn này, Nhật Bản là nước tài trợ vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA) lớn nhất của Việt Nam, là nhà đầu tư có tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều thứ hai tại Việt Nam, đối tác du lịch thứ ba của Việt Nam, đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam...
Giờ đây, những đóng góp của ông cho quan hệ hai nước, cho sự phát triển ở Việt Nam, vẫn hiện hữu trong nhiều lĩnh vực của đời sống thường ngày.
Abe Shinzo đã ra đi, song vẫn còn đó hình ảnh một vị chính khách với phong thái đĩnh đạc và nụ cười hồn hậu, một vị Thủ tướng đã có những ngày cuối đời sống lặng lẽ, bình dị như bao người dân ở quê hương ông. Với Việt Nam, ông đã và sẽ luôn là một người bạn lớn. Xin được nói lời vĩnh biệt ông, Abe Shinzo!
TRUNG DŨNG