Bộ trưởng Bộ Nội thương và Tiêu dùng Malaysia Alexander Nanta Linggi vui mừng thông báo giá dầu ăn đóng chai và giá dầu ăn thô dự kiến sẽ sớm giảm trong tuần này, đặc biệt giá thịt gà và trứng đã giảm, khi ông đánh giá về kết quả của chiến lược 5 mũi nhọn của chính phủ nhằm giải quyết lạm phát và giá tiêu dùng tăng cao.

Ông cũng bày tỏ lạc quan trong thời gian tới, giá hàng hóa sẽ tiếp tục giảm xuống. Chiến lược này là một trong những bước đi mạnh mẽ của Bộ Nội thương và Tiêu dùng Malaysia, trong đó nổi bật là vai trò của lực lượng đặc trách chống lạm phát được thành lập hồi cuối tháng 6 vừa qua. 

Giá thịt gà ở Malaysia đã được kiểm soát nhờ nỗ lực trợ giá của chính phủ. (ảnh minh họa). Ảnh: Bernama   

Chiến lược 5 mũi nhọn đang được Malaysia triển khai bao gồm: Hợp tác chặt chẽ với lực lượng đặc trách để giải quyết lạm phát; kiểm soát giá nhu yếu phẩm thông qua trợ cấp có mục tiêu; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong ngành để ổn định giá; phối hợp với tất cả cơ quan thực thi để tránh việc tuồn hàng ra ngoài, đặc biệt liên quan đến hàng hóa được trợ cấp; mở rộng chương trình bán hàng đến 613 khu vực để giảm bớt gánh nặng của người dân bằng cách cung cấp các mặt hàng thiết yếu, rẻ hơn 20% so với giá thị trường địa phương.

Mũi nhọn đầu tiên được đánh giá là đã phát huy hiệu quả tốt khi các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với lực lượng đặc trách chống lạm phát để thực thi nhiệm vụ chung là kiềm chế giá cả leo thang. Lực lượng đặc trách chống lạm phát có nhiệm vụ chính là thu thập tất cả thông tin từ các bộ, ngành và thị trường để xây dựng chiến lược và phối hợp hành động cùng giải quyết các vấn đề liên quan đến lạm phát, đặc biệt là kiểm soát việc tăng giá một cách hiệu quả hơn. 

Lực lượng đặc trách chống lạm phát có cơ chế hoạt động cũng tương tự như lực lượng đặc trách chống dịch Covid-19, nhằm bảo đảm luôn bám sát các nhiệm vụ và mục tiêu đặt ra. Cứ hai lần một tuần vào thứ hai và thứ năm, lực lượng này sẽ họp và sau đó tổ chức họp báo để trả lời tất cả câu hỏi về những vấn đề mà người dân đang quan tâm. 

Lực lượng đặc trách chống lạm phát do Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Đa phương tiện đứng đầu, gồm 5 thành viên là: Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ trưởng Bộ Nội thương và Tiêu dùng, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng phụ trách kinh tế và Tổng thư ký Chính phủ. Trong đó, Bộ Nội thương và Tiêu dùng làm nhiệm vụ thư ký. 

Theo công bố của Cục Thống kê Malaysia, giao dịch thương mại bán buôn và bán lẻ của Malaysia đã thiết lập một kỷ lục mới vào tháng 5 năm nay với mức tăng trưởng 19,9% so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới 129,8 tỷ ringgit (hơn 29,1 tỷ USD). 

Vì vậy, theo Bộ trưởng Linggi, Bộ Nội thương và Tiêu dùng đã tiến hành đánh giá lại các sáng kiến và chương trình hành động có tác động cao giúp phục hồi kinh tế đất nước thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh thương mại và tiêu dùng nội địa. Chiến lược 5 mũi nhọn chống lạm phát và kiềm chế giá tiêu dùng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới. 

Trước đó, Bộ trưởng Linggi cho biết, chính phủ nước này có thể duy trì hệ thống trợ cấp cho một số nhu cầu thiết yếu để bảo đảm cuộc sống. Theo đó, người dân có thể mua các mặt hàng thiết yếu với giá phải chăng, bất chấp tình hình bất ổn trên toàn cầu.

Ông nói: “Giá hàng hóa bán cho người tiêu dùng thấp hơn thị trường từ 5 đến 20%. Các nhu cầu về thực phẩm hằng ngày như: Dầu ăn, cá, gà, trứng và rau sẽ được chở bằng xe lưu động đến bán tại các khu dân cư nghèo theo lịch trình”.

Một trong những biện pháp hỗ trợ người tiêu dùng đó là chính phủ đã quyết định giữ mức giá trần đối với thịt gà, nhằm giúp giảm nhẹ phần nào gánh nặng vật giá leo thang cho người dân. Trong tương lai gần, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm Malaysia sẽ công bố mức giá trần mới đối với thịt gà. Ngoài ra, Malaysia cũng không tăng phí điện, nước, đồng nghĩa với việc chính phủ tiếp tục trợ giá 5,8 tỷ ringgit (RM) để bù đắp sự tăng giá nhiên liệu và phát điện. 

Các nỗ lực kiềm chế lạm phát của Malaysia được đưa ra trong bối cảnh người dân nước này phải đối mặt với chi phí sinh hoạt tăng cao do tác động của biến đổi khí hậu và những bất ổn địa chính trị, bao gồm cả cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine dự kiến sẽ kéo dài và ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa thực phẩm và nhiên liệu. 

Thủ tướng Malaysia nhấn mạnh, chính phủ luôn nỗ lực để bảo đảm rằng người dân không bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá cả tiêu dùng gia tăng cũng như tác động của lạm phát cao trên toàn thế giới.

HẠNH NGUYÊN