Để bảo đảm đón một cái Tết mang đậm nét truyền thống trong điều kiện dã chiến như ở Bentiu, Nam Sudan, đối với các thành viên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam là cả một sự cố gắng lớn và quá trình chuẩn bị. Từ Nam Sudan, Trung tá Trịnh Mỹ Hòa, Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 vui vẻ cho biết: “Dù còn nhiều thiếu thốn, chúng tôi quyết tâm tổ chức đón một cái tết cho cán bộ, nhân viên bệnh viện sao cho thật ấm cúng, mang đậm đà bản sắc dân tộc, nhằm động viên, khích lệ tinh thần anh chị em đang làm nhiệm vụ xa Tổ quốc”.

Những chiếc bánh chưng vuông vắn được các nhân viên bệnh viện gói khéo léo. Ảnh: TIẾN PHÚC 

 

 "Gia đình 2.3" quây quần gói bánh chưng trong không khí Tết. Ảnh: TIẾN PHÚC
Các bác sĩ bệnh viện chỉ quen cầm dao mổ nhưng khi gói bánh cũng rất tài. Ảnh: TIẾN PHÚC
Lá chuối phải phơi cho héo và qua xử lý để gói bánh, gói giò.  Ảnh: TIẾN PHÚC
Rửa lá chuối là công đoạn ngại nhất vì phải nhẹ nhàng, nâng niu từng tàu lá không để bị rách.  Ảnh: TIẾN PHÚC

Ý tưởng và kế hoạch đón Tết đã được lên từ sớm, trong đó không chỉ chú trọng tới bảo đảm vật chất, hậu cần mà các hoạt động giải trí tinh thần ngày Tết cũng được quan tâm như dựng cây Nêu, gói bánh chưng, bánh tét, giã giò, chơi các trò chơi dân gian, tổ chức các hoạt động thể thao. Để bảo đảm nguồn thực phẩm đa dạng phục vụ cho các bữa ăn trong dịp Tết, Ban Bảo đảm của bệnh viện đã cùng các Khoa chuyên môn y tế cùng xây dựng thực đơn ăn cho những ngày Tết. Từ đó có kế hoạch chuẩn bị nguồn thực phẩm tại chỗ do Liên hợp quốc cấp hoặc mua thêm tại địa bàn. 

 Các thành viên bệnh viện dã chiến Việt Nam gói những chiếc giò xào truyền thống có lẽ là lần đầu tiên có ở Nam Sudan. Ảnh: TIẾN PHÚC

Phó giám đốc quân sự, Thiếu tá Phạm Hảo chia sẻ: “Để có thể làm ra được một chiếc bánh chưng, bánh tét ở đây là một quá trình cùng sự nỗ lực của cả tập thể, bởi thiếu nguồn nguyên vật liệu làm bánh, không có lá dong mà cũng khó tìm lá chuối để thay thế hay mua được thịt lợn”.

Ở Nam Sudan, người dân theo đạo Hồi không ăn thịt lợn nên thịt lợn ở đây hiếm và đắt. Năm nay do lũ lụt nên đa phần cây chuối ở ngoài dân chết hết và nếu còn thì tàu lá cũng nát tươm vì gió lớn. Để bảo đảm vật liệu cho việc gói bánh chưng, bánh tét, đơn vị đã cử một tổ công tác di chuyển đến thủ đô Juba, cách địa bàn đóng quân hơn 900km để thu gom lá chuối tại các địa điểm bên trong căn cứ của Liên hợp quốc. Không có lạt mềm như ở Việt Nam nên phải dùng lá của cây Bồn Bồn vốn mọc hoang ở địa phương, xử lý bằng cách chẻ ra đem phơi nắng rồi luộc qua bảo đảm đủ độ dẻo dai để buộc. Rửa lá chuối cũng phải rất cẩn thận, nhẹ nhàng. Lá được đem luộc qua trước rồi mới rửa và lau khô tránh để bị rách, thiếu lá gói.

Mỗi người một việc tất bật chuẩn bị cho nồi bánh chưng của đơn vị. Ảnh: TIẾN PHÚC 
Thu gom từng tàu lá chuối ở thủ đô Juba để mang về Bentiu gói bánh.  Ảnh: TIẾN PHÚC 
Hoa chuối cũng được tận dụng để làm món nộm.  Ảnh: TIẾN PHÚC 

Ngay từ khi triển khai đến địa bàn, Ban Hậu cần của Bệnh viện đã mua được hai chú lợn con với trọng lượng chỉ khoảng 5kg/con. Sau hơn 6 tháng chăm nuôi cẩn thận và rất kỳ công, hai chú lợn từ bé xíu đã đạt được trọng lượng 45kg/con, bảo đảm cho đơn vị đủ nguồn thịt lợn, không những phục vụ cho việc làm bánh chưng, bánh tét, làm giò cũng như các món ăn khác góp phần cải thiện cho đơn vị bữa ăn ngày Tết.

Trung tá Chử Đức Hiệp, người được giao phụ trách tổ chức gói bánh chưng kể: “Tôi và một đồng chí nữa dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị, gạo đỗ, thịt để tới giờ mọi người tới có nguyên liệu gói bánh. Anh chị em mỗi người một chân một tay quây quần gói bánh chưng như một gia đình nên không khí Tết đầm ấm, rất vui”. 

Nữ bác sĩ Tống Vân Anh làm hoa đào bằng giấy màu để trang trí đơn vị. Ảnh: TIẾN PHÚC  
Những chiếc bánh tét tròn trịa và bánh chưng vuông vắn được gói rất khéo từ lá chuối. Ảnh: TIẾN PHÚC 

Thiếu uý QNCN Lê Na khoe cô nhận làm các loại mứt từ những nguyên liệu sẵn có như gừng, cà rốt, bí, rau câu… Còn một số chị em khác làm dưa góp, kim chi cải thảo để ăn trong mấy ngày Tết. Nữ bác sĩ, Thượng uý Tống Vân Anh lần đầu tiên được gói bánh tét bằng lá chuối, lại không có khuôn nên rất thích thú vì cô đã làm được nhờ sự hỗ trợ và hướng dẫn của các đồng nghiệp là người miền Nam. Anh chị em vẫn nói vui, ở bệnh viện, nhất là dịp Tết này, anh chị em ai cũng có “những lần đầu tiên” được làm những việc chưa làm bao giờ.

Anh Chử Đức Hiệp kể lần đầu tiên làm giò, dù thịt lợn tươi nguyên, nhưng thiếu kinh nghiệm và một số máy móc cần thiết, nên giò chưa được ngon như giò ở Việt Nam. Những món ăn ngày Tết được làm trong điều kiện dã chiến dù có thể chưa tròn vị như ở nhà nhưng cũng góp thêm hương vị cho mâm cơm ngày Tết của những người lính mũ nồi xanh làm nhiệm vụ xa Tổ quốc. 

Những chiếc bánh chưng, bánh tét đầu tiên được vớt.  Ảnh: TIẾN PHÚC 

Theo Trung tá Trịnh Mỹ Hòa, dịp này bệnh viện cũng tranh thủ giới thiệu cho bạn bè quốc tế về nét truyền thống văn hóa đặc sắc ngày Tết của người Việt Nam. Trong quá trình gói bánh, đơn vị cũng mời một số khách quốc tế là các sĩ quan, nhân viên Liên hợp quốc đang làm nhiệm vụ trên địa bàn căn cứ Bentiu đến tham dự, hướng dẫn làm bánh và giới thiệu về bánh chưng, bánh tét, những loại bánh cổ truyền không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt dịp Tết.

Các vị khách quốc tế còn bị thu hút bởi cây Nêu cao 10m đủ màu sắc dựng trong khuôn viên bệnh viện và được nghe giới thiệu đây là một phong tục của người Việt Nam vào dịp Tết để xua đi những điều không may của năm cũ và mong một năm mới bình an, may mắn. 

 Món mứt gừng Việt Nam ở Nam Sudan được Lê Na làm với hương vị rất đặc trưng. Ảnh: TIẾN PHÚC 
 Sên mứt là công đoạn lâu nhất nhưng không làm khó được đôi bàn tay của Thiếu uý QNCN Lê Na. Ảnh: TIẾN PHÚC

“Việc dựng cây Nêu Việt Nam là điểm nhấn quan trọng đem cái tết đến gần hơn với các thành viên bệnh viện, bởi lẽ nhìn thấy cây Nêu là như thấy quê hương, càng tiếp thêm cho chúng tôi ý chí quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc ở một nới đặc biệt”, Trung tá Trịnh Mỹ Hòa nói. Một số vật liệu chuẩn bị sẵn từ Việt Nam, nhưng ở đây không tìm đâu ra cây tre nên anh em sáng tạo lấy cây ăng ten thông tin cao 10 mét làm cột và gắn cờ Việt Nam trên đỉnh, đèn led gắn dọc theo dây treo. Từ nơi rất xa đã có thể nhìn thấy cây Nêu với lá cờ Việt Nam phất phới tung bay.

 Cây Nêu được dựng trong khuôn viên bệnh viện thu hút sự quan tâm của nhiều người. Ảnh: TIẾN PHÚC

Đơn vị cũng tổ chức các trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt đánh trống, bịt mắt bắt dê, giúp mang lại bầu không khí vui tươi cho các cán bộ, nhân viên với mong muốn các cán bộ, nhân viên của Bệnh viện cấp 2 số 3 sẽ thực sự có những ký ức khó quên được đón một cái Tết xa nhà đầy ý nghĩa bên đồng chí, đồng đội. Cùng với đó là các hoạt động thi đấu thể thao như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, bi-a, góp phần làm cho các hoạt động ngày Tết trở nên sinh động, gắn kết mọi người, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất cho bộ đội.

Theo Trung tá Trịnh Mỹ Hoà, ngay từ ở nhà chúng tôi đã nhờ nghệ nhân làm diều ở Đà Nẵng thiết kế cho 2 chiếc diều với kích thước thân là 3 mét, đuôi dài 10m. 1 chiếc diều có thân in cờ Việt Nam, đuôi là hàng chữ “we love peace-chúng tôi yêu hoà bình”. Chiếc còn lại thân là lá cờ Liên Hợp quốc, đuôi in hình lá cờ các nước tham gia hoạt động Gìn giữ hoà bình ở Bentiu. Các bạn nước ngoài rất vui khi nhìn thấy cờ nước mình tung bay trên bầu trời châu Phi.

Chiếc diều in hình lá cá cờ Việt Nam tung bay trên bầu trời châu Phi. Ảnh: TIẾN PHÚC 
Hai chiếc diều được trang trí những hình ảnh đầy ý nghĩa mang thông điệp chung tay vì sứ mệnh Gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc. Ảnh: TIẾN PHÚC 

Lần đầu tiên đón Tết xa quê hương, Thiếu uý QNCN Lê Na xúc động nói: Đây là lần đầu em đón Tết xa Việt Nam, nhưng lại là lần thứ 2 đón Tết cùng “gia đình 2.3”. Năm ngoái còn ở Việt Nam, do dịch Covid-19 phức tạp nên tất cả bệnh viện đều tập trung đón Tết ở Bệnh viện Quân y 175. Nên dù không được về nhà đón Tết với gia đình, nhưng được cùng nấu nướng, chuẩn bị rồi vui Tết chung với nhau nên không ai cảm thấy thấy buồn, mà thấy Tết càng vui, ấm áp và đáng nhớ hơn. Sang đây cũng vậy, cùng trông nồi bánh chưng, chuẩn bị tết, trang trí đơn vị với cành mai, cành đào làm bằng giấy màu, mọi người cũng vơi bớt nỗi nhớ nhà ngày Tết”.

 Mâm cơm ngày Tết được cải thiện với thực đơn phong phú đậm hương vị quê hương. Ảnh: TIẾN PHÚC 
Lê Na được giao nhiệm vụ làm một số món bánh để tăng cường bữa ăn và đem tặng một số đơn vị bạn. Ảnh: TIẾN PHÚC  

Dịp tết, các thành viên bệnh viện đều tranh thủ ngoài giờ làm việc chuyên môn để tham gia chuẩn bị đón Tết. Các kíp trực vẫn duy trì bảo đảm 24/7 nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc y tế tại địa bàn, không làm gián đoạn các hoạt động chuyên môn. Hằng ngày, ngoài các kíp trực chuyên môn ở các vị trí, bệnh viện cũng tổ chức cử từ một đến hai y, bác sĩ có khả năng nấu ăn cùng tham gia vào việc nấu ăn, các công việc phụ bếp, góp phần làm cho các món ăn trở nên đa dạng, chất lượng hơn.

Trong những ngày Tết, bệnh viện cũng để mỗi khoa, phòng, ban trong bệnh viện được tổ chức nấu các món ăn truyền thống, phát huy khả năng ẩm thực của tất cả các cán bộ nhân viên y tế trong dịp Tết.

Phong bao lì xì tự chế để mừng tuổi. Ảnh: TIẾN PHÚC 

Các đoàn công tác của Liên hợp quốc khi đến thăm, làm việc tại bệnh viện Việt Nam vào dịp này đều rất ấn tượng với không khí chuẩn bị đón Tết của đơn vị. Họ gửi những lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất đến toàn thể cán bộ, nhân viên bệnh viện, mong muốn bệnh viện có một cái Tết đầm ấm, vui vẻ đậm đà bản sắc Việt tại Bentiu, Nam Sudan và tiếp tục hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.

Trước thềm năm mới, xúc động chia sẻ, Trung tá Trịnh Mỹ Hòa nói: Chúng tôi xác định đây là một cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm cùng nhau ăn Tết tại một nơi xa Tổ quốc gần 10.000km. Đây cũng sẽ là một kỷ niệm, một ký ức khó quên trong cuộc đời quân ngũ của chúng tôi”.

MỸ HẠNH