Nấc thang mới
Thông qua các chương trình, hoạt động giao lưu biên giới, mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, phối hợp công tác giữa quân đội nói chung, bộ đội biên phòng nói riêng với quân đội, lực lượng vũ trang, quản lý, bảo vệ biên giới của Trung Quốc được củng cố vững chắc, phát triển tốt đẹp.
Kể từ khi hiệp ước biên giới trên đất liền mang tính lịch sử giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết và chính thức có hiệu lực vào năm 2000, quan hệ giữa lực lượng bảo vệ biên giới và người dân hai nước ở khu vực giáp biên ngày càng phát triển tích cực. Song, bên cạnh đó cũng nảy sinh những vấn đề liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ biên giới chung, đặc biệt là các yếu tố an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, hoạt động của các loại tội phạm, đòi hỏi sự phối hợp tốt từ các lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới và người dân hai nước. Do đó, Bộ Quốc phòng hai nước đã trao đổi và đề ra nhiều sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác biên giới giữa hai quân đội, điển hình như các hoạt động giao lưu, gặp gỡ, tuần tra chung, trao đổi thông tin, phòng, chống tội phạm... giữa lực lượng bảo vệ biên giới của hai nước. Hai bên cũng nhận thấy sự cần thiết phải nâng tầm mối quan hệ biên giới thông qua các hoạt động giao lưu, hợp tác nhằm mục tiêu chung là xây dựng đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Trên cơ sở đó, năm 2014, Bộ Quốc phòng hai nước quyết định phối hợp tổ chức chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới (HNQPBG) Việt Nam-Trung Quốc. Đây là hoạt động nhằm thúc đẩy, tăng cường tin cậy chính trị, tình cảm hữu nghị và mối quan hệ giữa lực lượng bảo vệ biên giới hai nước, chính quyền địa phương và nhân dân khu vực biên giới; duy trì an ninh trật tự khu vực biên giới, cửa khẩu; thúc đẩy phát triển kinh tế ở biên giới...
 |
Các bác sĩ khám, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc trên địa bàn huyện Mường Khương (Lào Cai), tháng 8-2023. Ảnh: VĂN CHIỂN
|
Qua những lần giao lưu, tình cảm hữu nghị, sự tin cậy chính trị giữa chính quyền, quân và dân khu vực biên giới hai nước càng được tăng cường, củng cố hơn nữa, góp phần đưa quan hệ Việt Nam-Trung Quốc ngày càng phát triển thực chất, ổn định và bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế-xã hội của nhân dân hai nước; đồng thời nâng cao khả năng phối hợp, giải quyết ổn thỏa, kịp thời những vấn đề phức tạp nảy sinh ở biên giới như các vụ việc vi phạm pháp luật, xuất-nhập cảnh trái phép, phòng, chống dịch bệnh...
Chính vì vậy, có thể nói rằng, sự ra đời của chương trình Giao lưu HNQPBG Việt Nam-Trung Quốc đã mở ra một nấc thang mới cho hợp tác ở khu vực biên giới giữa hai nước.
Sức lan tỏa của một mô hình tiêu biểu
Trải qua 7 lần tổ chức ở các địa phương giáp biên của hai nước, chương trình Giao lưu HNQPBG Việt Nam-Trung Quốc đã chứng minh hiệu quả, tác động tích cực đối với việc tăng cường tin cậy, tình cảm hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân, quân đội hai nước nói chung, giữa chính quyền địa phương, nhân dân khu vực biên giới và lực lượng bảo vệ biên giới hai nước nói riêng.
Giao lưu HNQPBG Việt Nam-Trung Quốc lần đầu tiên được Bộ Quốc phòng hai nước phối hợp tổ chức vào năm 2014 tại tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho HTQP giữa hai nước.
Kể từ năm 2014 đến nay, quân đội hai nước đã tổ chức thành công 7 kỳ giao lưu tại các cặp địa phương giáp biên của hai nước, bao gồm: Quảng Ninh-Quảng Tây, Lào Cai-Vân Nam, Lạng Sơn-Quảng Tây, Lai Châu-Vân Nam, Cao Bằng-Quảng Tây. Về cấp chủ trì, ở chương trình giao lưu đầu tiên, phía Việt Nam là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trong khi phía Trung Quốc là Phó tổng Tham mưu trưởng (Trung Quốc không có chức danh Thứ trưởng Bộ Quốc phòng). Tuy nhiên, kể từ chương trình giao lưu thứ hai đến nay, cấp chủ trì là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hai nước. Điều này cho thấy hai bên rất coi trọng mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc cũng như ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình Giao lưu HNQPBG Việt-Trung.
 |
Nhân dân khu vực biên giới huyện Mường Khương (Lào Cai) được cấp phát thuốc miễn phí, tháng 8-2023. Ảnh: VĂN CHIỂN
|
Có mặt trong cả 7 kỳ giao lưu đã qua, phóng viên Báo Quân đội nhân dân hoàn toàn đồng tình với nhận xét của những người làm công tác tổ chức sự kiện này, đó là mặc dù gặp nhiều khó khăn do địa hình đồi núi, giao thông đi lại, cơ sở hạ tầng hạn chế và tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (trong giai đoạn 2020-2022), song Giao lưu HNQPBG Việt-Trung ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, nội dung ngày càng phong phú với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, có sức lan tỏa cao như: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hai nước tô son cột mốc chủ quyền, trồng cây hữu nghị; tọa đàm hữu nghị, giao lưu văn hóa-văn nghệ giữa lực lượng bảo vệ biên giới, chính quyền địa phương và nhân dân hai bên biên giới; diễn tập chung về cứu trợ thảm họa, dịch bệnh; tuần tra chung trên biên giới; khám sức khỏe, tặng thuốc miễn phí cho nhân dân khu vực biên giới...
Đến nay, chương trình giao lưu trở thành sự kiện đối ngoại mang ý nghĩa chính trị quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc, được lãnh đạo các cấp của hai nước quan tâm, ủng hộ, nhân dân hai nước đồng tình và dư luận quốc tế dõi theo. Đây không chỉ là hoạt động biểu tượng, có ý nghĩa đối với HTQP song phương mà còn là minh chứng cho quyết tâm chính trị cao của quân đội, các lực lượng bảo vệ biên giới và các địa phương giáp biên của hai nước trong việc xây dựng, bảo vệ khu vực biên giới Việt-Trung hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.
Chương trình giao lưu cũng được xem như một trong những mô hình tiêu biểu của đối ngoại biên giới và được Bộ Quốc phòng Việt Nam nhân rộng, tổ chức thành công các cuộc Giao lưu HNQPBG với hai quốc gia láng giềng khác là Lào và Campuchia.
(còn nữa)
NGỌC THƯ - ANH VŨ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Đối ngoại quốc phòng xem các tin, bài liên quan.