PV: Thời gian qua, Lữ đoàn đã tham gia hiệu quả nhiều sự kiện đối ngoại quốc phòng quan trọng, hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) đã đóng góp như thế nào cho những thành công này, thưa đồng chí?
Thượng tá Vũ Viết Bằng: Thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao, Lữ đoàn 162 đã tham gia nhiều hoạt động đối ngoại quốc phòng quan trọng, như: Diễn tập hải quân đa phương; duyệt binh tàu hải quân quốc tế, thăm hữu nghị các nước trong và ngoài khu vực; đón các đoàn khách quốc tế đến thăm đơn vị và cảng quốc tế Cam Ranh.... Trong suốt quá trình đó, CTĐ, CTCT được tiến hành đồng bộ với các hoạt động khác, góp phần quan trọng vào thành công chung của toàn đơn vị.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, cán bộ, chiến sĩ toàn Lữ đoàn luôn tự tin, khẳng định được sự chính quy, tinh nhuệ, hiện đại của Hải quân nhân dân Việt Nam, tích cực tham gia các hoạt động đối ngoại, đặc biệt nhờ có ngoại ngữ tốt mà đội ngũ cán bộ khi tham gia các hội thảo, diễn tập, luyện tập với các nước đều rất tự tin, đóng góp các sáng kiến chung; qua đó đã rèn luyện được kỹ năng trong môi trường quốc tế.
Tham gia các sự kiện song phương và đa phương, cán bộ, thủy thủ tích cực quảng bá các giá trị văn hóa, văn minh của dân tộc Việt Nam, phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân" đến với bạn bè quốc tế.
Có thể nói, những chiến hạm của Hải quân nhân dân Việt Nam nói chung, Lữ đoàn 162 nói riêng đi ra quốc tế mang thông điệp hòa bình hữu nghị; thể hiện thiện chí xây dựng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với quân đội và hải quân các nước, đồng thời giúp nhân dân nước bạn hiểu hơn về con người Việt Nam thân thiện, hiếu khách, yêu chuộng hòa bình.
 |
Thượng tá Vũ Viết Bằng, Phó chính ủy Lữ đoàn 162. |
PV: Bài học kinh nghiệm cho hoạt động CTĐ, CTCT trong những chuyến đi biển dài ngày thực hiện nhiệm vụ đối ngoại là gì, thưa đồng chí?
Thượng tá Vũ Viết Bằng: Trong mọi hoạt động đối ngoại phải luôn kiên định quan điểm, lập trường của Đảng, Nhà nước về chủ quyền biển, đảo Việt Nam; tôn trọng luật pháp quốc tế và nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, coi trọng xây dựng môi trường biển hòa bình, hữu nghị, ổn định phát triển. Hoạt động CTĐ, CTCT phải kết hợp chặt chẽ các mặt công tác khác, xuất phát từ thực tiễn, bám sát nhiệm vụ chính trị và điều kiện thực tế của đơn vị. Phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì; tích cực, chủ động bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, lập trường, phương pháp, tác phong công tác, trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, chiến sĩ.
Hoạt động CTĐ, CTCT trong các hoạt động đối ngoại phải sáng tạo về nội dung, chương trình hoạt động sát với nhiệm vụ và phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng nước khi đến thăm và đón tại đơn vị.
Đồng thời, luôn quan tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên tàu. Đây là điều kiện quan trọng để bộ đội tu dưỡng, rèn luyện, xây dựng hình ảnh người chiến sĩ tàu chiến đấu mặt nước Lữ đoàn 162 “Bản lĩnh, trí tuệ, chính quy, cống hiến”, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ đến với bạn bè quốc tế.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Tàu 016-Quang Trung (Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân) chào cảng, lên đường thực hiện nhiệm vụ.
|
PV: Được giao quản lý, khai thác số lượng tàu chiến đấu, vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, thời gian qua, yếu tố con người được Lữ đoàn quan tâm xây dựng như thế nào để có thể làm chủ những trang bị này?
Thượng tá Vũ Viết Bằng: Để làm chủ vũ khí, trang bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn đặc biệt quan tâm xây dựng yếu tố con người, bởi vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại đòi hỏi cần có những con người hiện đại, trong đó xác định đội ngũ cán bộ là lực lượng nòng cốt, nhân tố có vai trò quyết định trong làm chủ những con tàu chiến đấu hiện đại. Cùng với đó, đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp được xác định là “xương sống” của mỗi con tàu.
Với quan điểm đó, thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã tập trung quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, đặc biệt là giáo dục lòng yêu nghề, yêu vũ khí, trang bị, gắn bó với đơn vị; tin tưởng và sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp, vũ khí trang bị hiện có để khai thác sử dụng hiệu quả.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác huấn luyện làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật, từ việc xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện, kiểm tra đánh giá kết quả huấn luyện đều được thực hiện một cách nghiêm túc.
Trong huấn luyện, thực hiện tốt việc cấp trên huấn luyện cấp dưới, cán bộ tập huấn, bồi dưỡng cho nhân viên trong ngành, những đồng chí công tác lâu năm kèm cặp, giúp đỡ cán bộ, nhân viên mới về đơn vị…. Nhờ đó cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật của đơn vị đã nhanh chóng tiếp cận, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện, thực hiện có hiệu quả việc quản lý, bảo quản, bảo dưỡng không để xảy ra hỏng hóc, mất mát do lỗi chủ quan. Đồng thời, phát huy vai trò đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp tổ chức có hiệu quả các hội thi chuyên ngành để nâng cao khả năng làm chủ trang bị mới.
Bên cạnh đó, Lữ đoàn chú trọng công tác thực hành, gắn với chức trách từng bộ phận; huấn luyện sát với phương án, nhiệm vụ và vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có, sát với chiến trường, đối tượng tác chiến.
Để khai thác tốt trang thiết bị kỹ thuật hiện đại trên tàu thì không thể thiếu ngoại ngữ và tin học. Lữ đoàn phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ đã được đào tạo, huấn luyện ở nước ngoài để biên dịch, biên soạn tài liệu, từ điển chuyên ngành, chủ động chuẩn bị giáo án, bài giảng để dạy cho đơn vị....
THANH SƠN (thực hiện)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Đối ngoại quốc phòng xem các tin, bài liên quan.