leftcenterrightdel
 Công trường thi công nâng cấp, sửa chữa sân bay dã chiến ở Phái bộ UNISFA do Đội Công binh số 1 Việt Nam tiến hành. Ảnh: Đội Công binh số 1 Việt Nam

Ngoài nhiệm vụ làm mới, sửa chữa và nâng cấp các tuyến đường, xây dựng, củng cố doanh trại…, Đội Công binh Việt Nam còn đảm nhận công việc sửa chữa, củng cố, nâng cấp hệ thống các sân bay, bãi đỗ trực thăng dã chiến của phái bộ. Trong đó, 2 sân bay trực thăng (chính và dự bị) tại sở chỉ huy của Phái bộ UNISFA có vai trò đặc biệt quan trọng để cơ động lực lượng, vận chuyển hàng hóa, tuần tra bảo đảm an ninh an toàn bằng máy bay trực thăng của phái bộ.

Đây là nhiệm vụ đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, tác phong làm việc chuyên nghiệp, khả năng hiệp đồng tốt với các đơn vị, cơ quan phái bộ, vì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, sân bay vẫn duy trì hoạt động bình thường. Dưới cái nắng gay gắt ở Abyei, công trường thi công vẫn diễn ra nhộn nhịp, khẩn trương để kịp tiến độ, bảo đảm an toàn và thông suốt những chuyến bay quan trọng của phái bộ. Hàng trăm mét khối đất đỏ murran được được vận chuyển, san gạt, lu nèn. Toàn bộ diện tích bề mặt của 2 sân bay trước đây lầy lội, sụt lún vì mưa lũ, thì nay đã trở nên bằng phẳng, chắc chắn, bảo đảm có thể hoạt động ở chế độ tốt nhất.

Công tác kiểm tra cũng được tiến hành thường xuyên, kịp thời sửa chữa, bảo dưỡng các sự cố hỏng hóc trên bề mặt sân bay; tổ chức lực lượng, phương biện hằng ngày tưới nước tạo độ ẩm cho toàn bộ bề mặt, bảo đảm an toàn cho quá trình cất cánh và hạ cánh của máy bay trực thăng. Tinh thần làm việc trách nhiệm của Đội Công binh Việt Nam đã góp phần bảo đảm cho các sân bay dã chiến của Phái bộ hoạt động thông suốt, an toàn tuyệt đối trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

leftcenterrightdel
 Các công đoạn được thi công theo đúng quy trình kỹ thuật đã được xác định để bảo đảm chất lượng. Ảnh: Đội Công binh số 1 Việt Nam

Ngoài bảo đảm cho hai sân bay quan trọng nhất của Phái bộ UNISFA hoạt động tốt, Đội Công binh Việt Nam cũng đã sớm thực hiện khảo sát đánh giá tình hình, chất lượng toàn bộ các sân bay, bãi đỗ khác trên địa bàn, để từ đó xây dựng kế hoạch, lên phương án thi công sửa chữa cụ thể.

Các sân bay, bãi đỗ trực thăng dã chiến đóng vai trò quan trọng ở khu vực Abyei do hệ thống giao thông đường bộ bị ngập nước mùa mưa lũ đã hư hỏng nặng, sạt lở, nên các phương tiện giao thông không thể di chuyển được. Nhiều khu dân cư bị cô lập, việc cung ứng cho những điểm đóng quân xa của phái bộ cũng bị gián đoạn. Vì vậy, việc duy trì hoạt động của hệ thống các sân bay, bãi đỗ để bảo đảm thông suốt các hoạt động cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm của phái bộ, kịp thời ứng phó với các tình huống an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, là đòi hỏi sống còn.

Sau hơn 3 tháng thi công, tất cả các sân bay, bãi đỗ của phái bộ đã được củng cố nâng cấp, bảo đảm tốt yêu cầu kỹ thuật cả về mặt phẳng và độ cứng của bề mặt sân; có kích thước đủ rộng để máy bay cất và hạ cánh; hệ thống thoát nước cũng được xử lý bảo đảm sân bay không bị đọng nước, ngập úng trong mùa mưa.

leftcenterrightdel
 Ở Abyei, giao thông bằng đường không đóng vai trò quan trọng vào mùa mưa lũ nên công việc được tiến hành khẩn trương nhất có thể nhằm bảo đảm các chuyến bay thông suốt, an toàn. Ảnh: Đội Công binh số 1 Việt Nam

Ngoài ra, Phái bộ UNISFA đã giao Đội Công binh Việt Nam lập kế hoạch làm một sân bay trực thăng tại căn cứ Liên hợp quốc ở Diffra cách Sở chỉ huy Phái bộ 42km. Do tình hình xung đột nội chiến ở Sudan, có rất nhiều người tị nạn chạy từ các vùng chiến sự về Abyei. Theo báo cáo tình hình an ninh của Phân khu Bắc, hàng tuần có hàng trăm người chạy nạn đổ về khu vực Abyei. Trong bối cảnh đó, nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống an ninh, bảo đảm công tác hậu cần, kỹ thuật cho các đơn vị phân khu Bắc, Phái bộ UNISFA đã giao Đội Công binh Việt Nam lập kế hoạch để thi công trong thời gian sớm nhất có thể. 

Trước đây, Căn cứ Diffra có một bãi đỗ trực thăng loại nhỏ, nhưng bỏ hoang đã lâu không sử dụng. Nay, do nhu cầu vận tải hàng không lớn trong mùa mưa, phái bộ đã quyết định phải nâng cấp thành sân bay trực thăng cho máy bay vận tải lớn hơn dùng cho cả Trực thăng Mi-26 cất hạ cánh.

Làm sân bay loại lớn bằng vật liệu đất đỏ murran là nhiệm vụ khá thử thách đối với Đội Công binh Việt Nam. Bởi trong huấn luyện tiền triển khai, cán bộ, nhân viên Đội Công binh số 1 chỉ được huấn luyện làm sân bay, bãi đỗ trực thăng dã chiến bê tông, cốt thép. Những vật liệu này ở địa bàn rất khan hiếm, đắt đỏ nên tất cả các sân bay dã chiến của Phái bộ UNISFA đều được làm bằng đất đỏ murran.

leftcenterrightdel
 Trong quá trình thi công, sân bay vẫn hoạt động. Ảnh: Đội Công binh số 1 Việt Nam

Trong suốt quá trình thi công dưới sự giám sát của đội ngũ kỹ sư, nhân viên phái bộ và đơn vị chủ quản, Đội Công binh Việt Nam đã tổ chức thi công đúng theo quy trình kỹ thuật đã được xác định: kiểm tra làm sạch đất, loại bỏ rác, đá to trên 75mm; pha keo APS với nước theo đúng tỷ lệ rồi tưới lên đất để đạt độ ẩm tối ưu tạo kết dính tốt nhất rồi dải lên toàn bộ bề mặt sân bay theo các dấu mốc định sẵn; sử dụng máy lu để định hình sân bay, sử dụng máy gạt để làm phẳng toàn bộ bề mặt, tiếp đến sử dụng máy lu để đầm lèn; tiếp tục phun hỗn hợp keo APS lên bề mặt (phun 1 lần rồi để khô đến ngày hôm sau phun lần tiếp theo).

Trước đó để có đất đỏ murran làm sân bay, đơn vị đã vận chuyển trên 1000 mét khối đất loại này từ doanh trại của Đội Công binh Việt Nam ở Căn cứ Highway lên Diffra để tôn nền, mở rộng và làm mặt sân bay. 

Sau hơn 1 tháng thi công với tinh thần trách nhiệm cao nhất, một sân bay cỡ lớn với diện tích hơn 200 mét vuông đã được hoàn thành trước sự ngạc nhiên của Đoàn nghiệm thu Phái bộ UNISFA. Các thành viên trong đoàn thực sự bất ngờ về tiến độ thi công của Đội Công binh Việt Nam cùng chất lượng cũng như các kỹ thuật đã tiến hành để hoàn thiện trong một thời gian ngắn như vậy. 

Trung tá NGUYỄN QUANG TUYỂN-Chính trị viên Đội Công binh số 1 Việt Nam (từ Abyei)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.