Phóng viên (PV): Giáo sư đánh giá thế nào khi Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh trong phát biểu của mình tại Đối thoại Shangri-La vừa qua rằng Việt Nam hiện đại hóa quân đội để bảo vệ Tổ quốc?
Giáo sư Carl Thayer: Việt Nam đã tiến hành hiện đại hóa quân đội từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước với ưu tiên dành cho hải quân và phòng không-không quân. Việt Nam cũng duy trì phân bổ đều đặn khoảng 2% GDP cho ngân sách quốc phòng. Nói cách khác, quá trình hiện đại hóa quân đội của Việt Nam không phải mới. Trong hơn 1/4 thế kỷ, Việt Nam đã mua sắm các tàu tuần tra, tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard, tàu ngầm thông thường lớp Kilo, máy bay phản lực chiến đấu hiện đại như Su-27 và Su-30, tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion, các tên lửa đất đối không, không đối không và diệt hạm.
Số lượng cũng như hỏa lực của các loại vũ khí này đủ để bảo vệ các lợi ích quốc gia của Việt Nam trong tự vệ và bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông. Nói cách khác, chúng đóng vai trò răn đe đối phương. Chúng không đủ tầm để phóng hay duy trì hỏa lực quân sự ở tầm xa trong một thời gian dài.
 |
Tàu 016-Quang Trung rời cảng Visakhapatnam (Ấn Độ) lên đường về nước, sau khi tham gia Diễn tập Hải quân đa phương MILAN năm 2022. Ảnh: KIM OANH.
|
PV: Việt Nam công khai thông báo hiện đại hóa quân đội để tự vệ trong bối cảnh mới, Giáo sư đánh giá thế nào về kế hoạch này?
Giáo sư Carl Thayer: Từ năm 2018 đến nay, Việt Nam đã cắt giảm mua sắm vũ khí quân sự “lớn”. Thông tin từ Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, về việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang có lựa chọn của Việt Nam không gây quan ngại. Hiện đại hóa là một quá trình đang diễn ra một cách bình thường.
Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu tại Đối thoại Shangri-La vừa qua cùng với Bộ trưởng Quốc phòng của Campuchia và Philippines, những người cũng có quan điểm tương tự về hiện đại hóa. Trên thực tế, nội dung bài phát biểu của Bộ trưởng Phan Văn Giang đã làm tăng sự minh bạch và xây dựng lòng tin chiến lược.
PV: Với vũ khí và trang bị của mình, liệu Việt Nam có trở thành một mối đe dọa với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực, thưa Giáo sư?
Giáo sư Carl Thayer: Việt Nam không sở hữu các vũ khí tấn công chiến lược tầm xa hoặc năng lực để bắn hoặc duy trì một lực lượng quân sự lớn ở một khoảng cách xa Việt Nam. Việt Nam đóng góp vào hòa bình trong khu vực theo hai cách. Thứ nhất, Việt Nam theo đuổi “tự lực”-phụ thuộc vào nguồn lực của riêng mình-để xây dựng sức mạnh phòng thủ. Một Việt Nam yếu kém sẽ chỉ mang lại đe dọa cho an ninh của chính mình. Thứ hai, Việt Nam đóng một vai trò chủ động và xây dựng trong cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và các cơ chế hợp tác phụ của nó như không quân, hải quân, tình báo và lục quân ASEAN.
PV: Đại tướng Phan Văn Giang tái khẳng định chính sách “4 không” trong bài phát biểu của mình. Chính sách này giúp bảo đảm hòa bình trong khu vực như thế nào, thưa Giáo sư?
Giáo sư Carl Thayer: Có hai hợp phần trong thế trận quốc phòng của một quốc gia: Khả năng và mục đích. Câu hỏi này đã hỏi trúng vào tâm của mục đích. Việt Nam đã ra mắt bốn Sách Trắng Quốc phòng từ năm 1998. Những cuốn Sách Trắng này luôn luôn bao gồm chính sách “3 không”: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống lại nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác. Sách Trắng Quốc phòng năm 2019 của Việt Nam bổ sung thêm cái không thứ tư: Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Điều này thực sự đã được nêu trong Sách Trắng Quốc phòng của Việt Nam năm 2004. Chính sách “4 không” của Việt Nam đưa ra bảo đảm cho các quốc gia khác trong khu vực vì Việt Nam luôn trung thành với lời nói của mình bằng chính hành động của mình.
PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
NGỌC HƯNG (thực hiện)