Phóng viên (PV): Tại Đối thoại Shangri-La 19 diễn ra tại Singapore vừa qua, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có bài phát biểu mang chủ đề “Tăng cường khả năng quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc”. Bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam-thu hút sự quan tâm của đại biểu và được dư luận đánh giá cao-đã truyền tải những thông điệp nào, thưa đồng chí?

Đại tá Dương Quý Nam: Sau hai năm buộc phải hoãn, hủy do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Đối thoại Shangri-La 19 được tổ chức với quy mô lớn nhất trong những năm trở lại đây. Diễn đàn đã thu hút khoảng 500 đại biểu là quan chức chính phủ, quan chức quốc phòng-an ninh, ngoại giao, các chuyên gia quốc phòng-an ninh đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tham dự Đối thoại Shangri-La 19, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang đã có bài phát biểu quan trọng trong phiên thảo luận “Hiện đại hóa quân đội và những năng lực quốc phòng mới” với chủ đề “Tăng cường khả năng quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc”.

Là thành viên trong đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam, được vinh dự tháp tùng Bộ trưởng tham dự Đối thoại, tôi quan sát thấy, đại biểu các nước rất quan tâm, chú ý tới sự tham gia của Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Sự tham gia tích cực, chủ động của đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La 19, nhất là phát biểu của Bộ trưởng, Đại tướng Phan Văn Giang tại diễn đàn này một lần nữa khẳng định vai trò và trách nhiệm cao của Việt Nam đối với các vấn đề khu vực, quốc tế; thể hiện rõ tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về “Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc”; thể hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu về nâng cao năng lực quốc phòng, hiện đại hóa quân đội, chắc hẳn giới nghiên cứu, học giả sẽ nghĩ đến vấn đề mua sắm vũ khí trang bị, chạy đua vũ trang. Tuy nhiên, phát biểu của Bộ trưởng Phan Văn Giang đã truyền đi một thông điệp kiến tạo hòa bình; khẳng định quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân, mang tính chất hòa bình, tự vệ; tích cực, chủ động, kiên quyết, kiên trì ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh.

Đánh giá về nội dung và thông điệp được thể hiện trong bài phát biểu của Bộ trưởng, TS John Chipman, Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nhấn mạnh, quan điểm của Việt Nam góp phần vào việc kiểm soát chạy đua vũ trang trên thế giới, trong bối cảnh khu vực, thế giới đang phải đối mặt với môi trường an ninh thay đổi nhanh và khó đoán định.

Có thể thấy, ngay từ tiêu đề bài phát biểu của Bộ trưởng đã thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình của Việt Nam. Việt Nam nâng cao năng lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân. Điều này khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam về hiện đại hóa quân đội, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Chúng ta phải ra sức xây dựng Quân đội ta thành một đội quân nhân dân hùng mạnh, một quân đội cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại, để giữ gìn hòa bình, bảo vệ Tổ quốc”. 

 Đại tá Dương Quý Nam.

Nội dung bài phát biểu của Bộ trưởng cũng nêu rõ tính tất yếu khách quan của việc nâng cao năng lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc; nhấn mạnh mục tiêu tăng cường tiềm lực quốc phòng của Việt Nam là hòa bình, tự vệ. Điều này đã được khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. 

Phát biểu của Bộ trưởng tiếp tục khẳng định quan điểm phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gồm: “Sức mạnh của toàn quân, toàn dân và toàn thể hệ thống chính trị”; “sức mạnh toàn diện về tiềm lực chính trị, tinh thần, tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ”; “chứ không đơn thuần là nâng cao sức mạnh quân sự”. Đây là quan điểm nhận được nhiều đánh giá tích cực, cho rằng chính sách quốc phòng của Việt Nam đã khơi dậy và tận dụng được sức mạnh tổng hợp của cả đất nước. 

Chủ trương hiện đại hóa quân đội của Việt Nam không chỉ nhằm phục vụ hiện đại hóa lực lượng vũ trang, mà còn phục vụ các mục đích dân sự qua “phát triển nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng” trên cơ sở coi trọng yếu tố con người và phát triển lý luận, nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Trong xu hướng toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ, Việt Nam mong muốn thúc đẩy và mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc phòng, tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin chiến lược với các nước để cùng giải quyết các thách thức an ninh chung trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.    

Bài phát biểu của Bộ trưởng đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, truyền tải thông điệp về một Việt Nam hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, có trách nhiệm trong hợp tác quốc tế, là bạn bè, đối tác tin cậy với các nước trong khu vực và thế giới.

PV: Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 19, Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh “Quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân, mang tính chất hòa bình, tự vệ; tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc”. Đồng chí làm rõ hơn nội hàm trong thông điệp của Bộ trưởng?

Đại tá Dương Quý Nam: Việt Nam là đất nước đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh tự vệ, nên thấu hiểu giá trị của hòa bình, mong muốn duy trì và quyết tâm gìn giữ hòa bình đất nước. Vì vậy, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, mang tính chất hòa bình, tự vệ là chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Tại Đối thoại Shangri-La 19, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang nhấn mạnh: “Quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân, mang tính chất hòa bình, tự vệ; tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc”. Điều này đã thể hiện quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Đặc trưng quốc phòng Việt Nam là quốc phòng toàn dân, là nền quốc phòng huy động và dựa vào sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trên tất cả các hoạt động chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hóa, khoa học, công nghệ... nhằm tạo ra sức mạnh toàn diện cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn lịch sử chứng minh, nền quốc phòng toàn dân đã mang lại những thành quả quan trọng, góp phần vững chắc bảo vệ Tổ quốc, đồng thời nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình, tự vệ, bảo vệ Tổ quốc. Điều này đã được khẳng định rõ trong các văn kiện của Đảng, được cụ thể hóa trong Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam. Việt Nam chủ trương “tăng cường khả năng quốc phòng bằng nội lực và điều kiện, khả năng của mình, không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống lại nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”. Đối với các tranh chấp, bất đồng, Việt Nam chủ trương giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. 

Bộ trưởng đã khẳng định trước bạn bè và đối tác, việc Việt Nam tăng cường tiềm lực quốc phòng, hiện đại hóa quân đội như mua sắm, phát triển vũ khí trang bị, đào tạo, huấn luyện nâng cao năng lực cho lực lượng quân đội nhằm mục đích bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, đem lại môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đóng góp vào xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển của thế giới.

Quan điểm xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, tinh thần “người trước, súng sau”; xây dựng nền công nghiệp quốc phòng không chỉ phục vụ mục đích quân sự mà còn phục vụ nhu cầu dân sinh với các công nghệ, sản phẩm lưỡng dụng; đáp ứng yêu cầu tăng cường khả năng quốc phòng, làm tròn nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, một lần nữa khẳng định nội hàm của nền quốc phòng toàn dân, mang tính chất hòa bình, tự vệ.

PV: Trong bối cảnh các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng xảy ra nhiều hơn với hậu quả nặng nề hơn, đòi hỏi sự chung tay, góp sức của cộng đồng quốc tế, những thông điệp này có ý nghĩa như thế nào đối với an ninh, hòa bình và ổn định ở khu vực?

Đại tá Dương Quý Nam: Thế giới đang đứng trước những thách thức lớn từ các vấn đề an ninh phi truyền thống có tần suất ngày càng tăng cao, với những tác động khó lường và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Điều này có thể thấy rất rõ qua hơn hai năm chống chọi với dịch Covid-19 hay những thiên tai do biến đổi khí hậu mà các nước, trong đó có Việt Nam, đã phải gánh chịu.

Trong một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau về an ninh, một quốc gia riêng lẻ không thể giải quyết, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 19, Bộ trưởng Phan Văn Giang một lần nữa khẳng định vai trò của lực lượng quốc phòng các nước đóng góp nguồn lực, tập trung nguồn lực để giải quyết hiệu quả các thách thức an ninh chung, bao gồm an ninh phi truyền thống, thay vì chạy đua vũ trang tiêu tốn nguồn lực quốc gia.

Với vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng nêu rõ: “Hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam xung kích trong ứng phó với nhiều thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, ứng phó với đại dịch Covid-19; cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”.

Tính đến đầu năm 2022, Việt Nam đã cử 76 lượt sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ Liên hợp quốc tại phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và UNISFA; cử 189 lượt cán bộ, nhân viên y tế trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 tới Phái bộ Nam Sudan. Đây là minh chứng rõ nét thể hiện tinh thần trách nhiệm của Việt Nam, chung tay chia sẻ để kiến tạo, duy trì hòa bình khu vực và thế giới.

Như vậy, với thông điệp Việt Nam nỗ lực cùng các quốc gia bảo vệ hòa bình, Bộ trưởng Phan Văn Giang muốn khẳng định quan điểm của Việt Nam, mong muốn các nước tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác trên cơ sở song phương, đa phương để cùng nhau tìm giải pháp ứng phó những thách thức toàn cầu đang hiện hữu và ngày càng trở nên nghiêm trọng hiện nay.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

MỸ HẠNH (thực hiện)