Tạp chí Defense News mới đây đã công bố bảng xếp hạng “100 công ty quốc phòng hàng đầu”, trong đó xuất hiện nhiều cái tên quen thuộc ở vị trí tốp đầu như Lockheed Martin, RTX (Raytheon Technologies), Northrop Grumman, Boeing, General Dynamics, BAE Systems...

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đang gây ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu. Trong khi Mỹ và các đồng minh đổ một lượng tiền lớn vào việc trang bị vũ khí cho Ukraine, nhiều quốc gia trên thế giới cũng liên tiếp gia tăng ngân sách quốc phòng, nhu cầu vũ khí và các mối quan hệ quân sự. Điều này kéo theo doanh thu của các công ty quốc phòng tăng vọt.

Theo trang RT, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2023, thu nhập của 25 công ty quốc phòng lớn nhất tại phương Tây đã tăng 11%, đạt 212 tỷ USD. Tổng doanh số bán vũ khí của họ dự kiến sẽ đạt 448 tỷ USD trong năm nay, tăng 47 tỷ USD so với năm trước. Thậm chí đến năm 2026, con số này có thể tăng hơn 20%, lên mức 554 tỷ USD nhờ cung cấp vũ khí cho Ukraine và tái vũ trang ở các nước châu Âu.

Hãng thông tấn Iran Farsi cũng dự báo rằng, các công ty quốc phòng phương Tây sẽ tăng doanh thu của họ thêm 150 tỷ USD, tương đương 37% từ năm 2021 đến 2026. Tốc độ tăng trưởng doanh thu này cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế ở các nước tiên tiến trong cùng kỳ.

Quy mô và mức độ tăng trưởng của các tập đoàn quốc phòng đã gây sự chú ý lớn. Trang openDemocracy cho biết, tổng doanh thu năm 2022 của tập đoàn vũ khí đứng đầu thế giới Lockheed Martin gần như tương đương với ngân sách mà Vương quốc Anh dự tính chi cho lĩnh vực quân sự trong năm 2023. Ngoài Mỹ với ngân sách quốc phòng khổng lồ hơn 800 tỷ USD và Trung Quốc gần 300 tỷ USD, tất cả quốc gia khác trên toàn thế giới, bao gồm cả Nga, đều có ngân sách bằng hoặc thấp hơn doanh thu của các tập đoàn vũ khí lớn nhất.

leftcenterrightdel

Xe tăng M1A1 Abrams của Quân đội Mỹ được chuyển giao cho Ukraine. Ảnh: RT 

Nhìn vào bảng xếp hạng của Defense News có thể thấy, các nhà sản xuất vũ khí Mỹ đang thống trị ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu và cuộc xung đột Nga-Ukraine dường như không làm thay đổi thực tế này. Năm 2022, 5 công ty vũ khí lớn nhất của Mỹ có tổng doanh thu quốc phòng lên tới 196 tỷ USD. Đáng chú ý, trong 5 doanh nghiệp dẫn đầu ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu thì có tới 4 công ty là của Mỹ. Washington đã trở thành nhà cung cấp vũ khí chính cho Ukraine trong cuộc xung đột, với cam kết cung cấp khoảng 37 tỷ USD viện trợ quân sự cho Kiev. Các thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ USD đã đổ vào Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra. Từ xe tăng tối tân, hệ thống tên lửa cho đến máy bay trực thăng, đạn dược, các loại vũ khí và thiết bị quân sự liên tiếp được vận chuyển tới quốc gia Đông Âu. Theo các chuyên gia, đại đa số những vũ khí này đến từ Mỹ.

Hanna Homestead, nhà phân tích chính sách tại Trung tâm Chính sách quốc tế, chuyên nghiên cứu về tác động từ việc buôn bán vũ khí của Mỹ trên toàn thế giới, cho biết: “Số lượng viện trợ quân sự mà Mỹ dành cho Ukraine nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào từng được Washington viện trợ quân sự trước đây, thậm chí còn lớn hơn cả thời đỉnh điểm của cuộc chiến Afghanistan. Bà Homestead tiết lộ, tính đến cuối năm ngoái, Washington đã chi gần 20 tỷ USD để trang bị vũ khí cho Ukraine, gần gấp đôi số tiền mà nước này đã chi vào năm 2021 cho 12 quốc gia khác cộng lại, bao gồm Afghanistan (4,1 tỷ USD), Israel (3,3 tỷ USD) và Ai Cập (1,3 tỷ USD). Hai trong số những cái tên nổi bật về cung cấp vũ khí cho Ukraine là Tập đoàn Boeing và RTX của Mỹ.

Trang Analyst News nhận định, khi cuộc xung đột tại Ukraine kéo dài và hy vọng chấm dứt xung đột ngày càng mong manh, chính tổ hợp công nghiệp-quân sự của Mỹ đã và đang được hưởng chiến lợi phẩm của xung đột. Một quan chức Liên minh châu Âu (EU) giấu tên từng nói với Politico: “Nếu bạn nhìn nhận vấn đề một cách tỉnh táo, quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc xung đột này là Mỹ vì họ đang cung cấp nhiều khí đốt hơn với giá cao hơn và họ cũng đang bán nhiều vũ khí hơn”. Xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Mỹ đã tăng từ 33% lên 40% từ năm 2018 đến 2022, so với giai đoạn 5 năm trước đó, theo số liệu từ Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).

Đương nhiên, nói như vậy không có nghĩa chỉ các công ty Mỹ được hưởng lợi, mà các doanh nghiệp quốc phòng châu Âu cũng đã thu được lợi nhuận lớn từ xung đột Ukraine. Nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức đã ghi nhận mức lợi nhuận tăng tới 27% và cổ phiếu tăng 55% trong vòng một năm.

Xung đột tại Ukraine đã kéo dài hơn một năm. Cuộc xung đột đã đẩy nhanh quy mô tái vũ trang trên phạm vi toàn cầu, đồng thời tạo ra một vòng xoáy gia tăng chi tiêu quốc phòng mới trên toàn thế giới. “Đây là mảnh đất màu mỡ để thu lợi nhuận khổng lồ cho các công ty vũ khí lớn như Lockheed Martin, RTX và Boeing”, William Hartung, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quincy (Mỹ) nhận định.

NGỌC HÂN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.