Cộng đồng quốc tế đang gia tăng quan ngại và kêu gọi hai bên ngừng bắn để giải quyết xung đột liên quan đến khu vực lãnh thổ tranh chấp Nagorny-Karabakh bùng phát từ ngày 27-9. Là nước có hiệp định quân sự với Armenia nhưng cũng có quan hệ hữu hảo với Azerbaijan, Nga đã lên tiếng kêu gọi hai nước chấm dứt chiến tranh và đề nghị hỗ trợ thúc đẩy đàm phán. Ngày 1-10, Nga tuyên bố sẵn sàng mời ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan để cùng thảo luận về tình hình hiện nay. Thông báo cùng ngày của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Ngoại trưởng Sergei Lavrov khẳng định, Moscow tiếp tục làm việc cả riêng rẽ lẫn chung, với các đại diện của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) để làm trung gian cho cuộc xung đột hiện nay giữa Armenia và Azerbaijan. 

Binh lính Armenia ở khu vực xung đột Nagorny-Karabakh. Ảnh: EPA

Đáng chú ý, thông báo của Nga cũng đề cập tới sự xuất hiện của các tay súng Syria và Libya trong cuộc xung đột ở khu vực Nagorny-Karabakh. Nga kêu gọi các quốc gia liên quan đến vấn đề này cần ngăn chặn sử dụng "các lính đánh thuê và phần tử khủng bố nước ngoài". Theo báo Guardian (Anh), Nga lên án việc sử dụng các lực lượng bên ngoài trong cuộc giao tranh và gọi đây là mối đe dọa với cả khu vực.

Trước đó, ngày 30-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron kêu gọi ngừng bắn "hoàn toàn" ở khu vực Nagorny-Karabakh, đồng thời cho biết sẵn sàng đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao giúp giải quyết những bất đồng. Hai nhà lãnh đạo kêu gọi các bên liên quan dừng toàn bộ giao tranh ngay khi có thể, giảm căng thẳng và thể hiện kiềm chế tối đa. Trong cuộc điện đàm theo đề xuất của Tổng thống Pháp, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận "về những biện pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác, ưu tiên trong khuôn khổ cơ chế của Nhóm Minsk". Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ "sẵn sàng" thay mặt nhóm Minsk đưa ra thông báo kêu gọi ngừng bắn "ngay lập tức" và bắt đầu tiến hành đàm phán. 

Diễn biến ở khu vực Nagorny-Karabakh cho thấy tính chất phức tạp của cuộc xung đột đang diễn ra, nếu không kịp thời ngăn chặn có thể làm bùng phát một cuộc chiến toàn diện, kéo theo sự tham gia của nhiều bên như mối lo ngại của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, cả hai bên giao tranh đều bày tỏ chưa muốn đàm phán vào thời điểm hiện nay. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan ngày 30-9 nói chưa thể bàn tới chuyện đó lúc này, trong khi trước đó, trả lời phỏng vấn trên Đài Russian TV, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cũng bác bỏ ý tưởng đàm phán. Theo Thủ tướng Armenia: "Rất không phù hợp để nói về một cuộc họp thượng đỉnh giữa Armenia, Azerbaijan và Nga ở thời điểm chiến tranh căng thẳng”. Theo ông, cần phải có một  không khí và những điều kiện thích hợp cho các cuộc đàm phán".

Kể từ khi bùng phát xung đột, giao tranh liên tiếp diễn ra giữa Armenia và Azerbaijan, thậm chí hai bên vẫn tiếp tục có thêm những xung đột mới. Hai bên đấu nhau bằng hỏa lực mạnh và cáo buộc lẫn nhau là bên gây chiến trước. Cả hai đều công bố phía đối phương bị thương vong nặng nề nhưng các thông tin về thương vong cho đến nay đều không được kiểm chứng về độ xác thực. 

Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa Azerbaijan và Armenia mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2-1988 đến tháng 5-1994.

Trước những diễn biến căng thẳng leo thang ở khu vực Nagorny-Karabakh, trong những ngày qua, nhiều chính trị gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Armenia và Azerbaijan ngừng bắn và đối thoại. Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp và lên tiếng kêu gọi các lực lượng Armenia và Azerbaijan "lập tức ngừng giao tranh" tại khu vực Nagorny-Karabakh. Mới nhất, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Azerbaijan và Thủ tướng Armenia, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã thảo luận về sự leo thang ở Nagorny-Karabakh và kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.

XUÂN PHONG