QĐND - Với sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng vận tải đường bộ cả về số lượng đơn vị, phương tiện và lao động, thế nhưng cách thức quản lý hiện nay lại chưa có sự thay đổi tương ứng, nảy sinh nhiều bất cập, làm giảm hiệu quả đóng góp và tăng chi phí xã hội. Trước những tồn tại đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đã xây dựng Đề án “Đổi mới vận tải đường bộ theo hướng hiện đại, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và giảm thiểu tai nạn giao thông”. Đây được xem là hành động nhằm "xốc" lại hoạt động quản lý để thúc đẩy vận tải đường bộ phát triển theo hướng hiện đại.

Xe vận tải hành khách sẽ được gắn "sao" để phục vụ chuyên nghiệp hơn. (Trong ảnh: Bến xe phía Nam Hà Nội).

 

Sàng lọc doanh nghiệp yếu kém

Là người thường xuyên đi công tác xa và phương tiện di chuyển chủ yếu là ô tô khách, anh Nguyễn Văn Khiết (Hà Đông, Hà Nội) bức xúc cho biết: "Tôi thường xuyên đi ô tô khách nên chọn những nhà xe chất lượng cao. Giá vé tuy có cao hơn những xe khác nhưng xe và chất lượng phục vụ tốt. Tuy nhiên, có nhiều lúc muộn giờ, phải đi xe "chợ", là mấy chiếc xe hết "đát", vừa bị nhồi nhét mà giá cả cũng đắt ngang với xe chất lượng cao. Đấy là chưa kể những ngày lễ, Tết giá vé bị ép tăng lên gấp 2, 3 lần bình thường. Dù bức xúc nhưng là hiện tượng phổ biến ở các nhà xe nên hành khách không có nhiều lựa chọn".

Nỗi niềm của anh Khiết cũng chính là thực trạng chung của vận tải đường bộ ở nước ta hiện nay. Theo khảo sát, hiện cả nước có 102.654 xe khách và 620.000 xe tải các loại với 2.681 doanh nghiệp, 586 hợp tác xã (HTX) và hàng chục nghìn hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, đa số các đơn vị vận tải đều có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phương pháp quản lý thủ công, hiệu quả kinh doanh thấp. Phần lớn, các đơn vị vận tải không thực hiện quản lý mà “núp bóng” doanh nghiệp, HTX dưới dạng thuê xe, mua thương hiệu và giao việc điều hành cho chủ hoặc lái xe đảm nhận. Do đó, không quản lý được phương tiện, lái xe, không quan tâm đến chất lượng dịch vụ, an toàn giao thông. Theo khảo sát của Ngân hàng Châu Á (ADB), tỉ lệ xe chạy rỗng trong vận tải hàng hóa ở Việt Nam từ 30-50% nên chi phí và tiêu hao nhiên liệu cao, dẫn đến xe chở quá tải.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) ví von: Vận tải đường bộ hiện nay đang “bung” ra như khoán ruộng đất trong nông nghiệp, phát triển rộng nhưng không mạnh, về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu vận tải nhưng cũng còn rất nhiều tồn tại như: Chất lượng không đồng đều, an toàn vận tải không được kiểm soát mà các biểu hiện cụ thể là hiện tượng xe “dù”, bến “cóc”, “cơm tù”, chạy vòng vo bắt khách, chở quá tải… Đề án này sẽ định hướng phát triển vận tải đường bộ chất lượng cao, chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho thị trường sàng lọc doanh nghiệp yếu kém. Đây cũng là một cách tiết kiệm nguồn lực xã hội, giảm lãng phí đầu tư của doanh nghiệp.

Số hóa dữ liệu, minh bạch và chuyên nghiệp

Theo ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải và Pháp chế (TCĐB Việt Nam), mục tiêu của đề án này là xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về vận tải đường bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả các dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Với cách làm này, TCĐB Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý các doanh nghiệp vận tải đường bộ, nối mạng trên toàn quốc. Máy chủ có thể nối mạng với các thiết bị giám sát hành trình của các đơn vị vận tải, thậm chí của các xe đang hành trình; hình thành những trung tâm kiểm soát trực tuyến xe đang lưu thông trên đường và hậu kiểm, tích hợp dữ liệu từ giám sát hành trình. Trên cơ sở dữ liệu, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản lý chặt chẽ và có thể đưa ra được những quyết định phù hợp với thực tế; điều chỉnh, thúc đẩy phát triển vận tải theo định hướng; đồng thời sẽ công bố các đơn vị làm tốt, có cơ chế chính sách để khuyến khích, ưu đãi và ngược lại.

"Đối với quản lý vận tải hành khách, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xây dựng các tiêu chí đánh giá và phân hạng chất lượng dịch vụ vận tải, sẽ gắn “sao” cho xe và công bố công khai để hành khách tự do lựa chọn. Những doanh nghiệp xếp loại tốt nên khuyến khích, tạo điều kiện phát triển và nhân rộng, đồng thời quản lý chặt đối với các đơn vị làm chưa tốt. Sẽ thực hiện nhiều cơ chế để khuyến khích những doanh nghiệp làm tốt, ví dụ như tất cả xe ô tô lưu thông đều chịu chế độ tuần tra, xử phạt như nhau. Đối với những xe có chất lượng tốt, được gắn 5 “sao” thì có thể không cần phải dừng kiểm tra để tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh. Hay những đơn vị quản lý tốt, tỷ lệ tai nạn giao thông thấp thì mức đóng bảo hiểm thấp hơn và ngược lại", ông Nguyễn Văn Quyền chia sẻ.

Đề án cũng có kế hoạch xây dựng trang thông tin vận tải đường bộ để các đơn vị vận tải giới thiệu năng lực, giá cước, dịch vụ vận tải; các chủ hàng cũng có thể chào các lô hàng vận tải. Sau khi hoạt động tốt, trang thông tin có thể tiến tới hình thành sàn giao dịch vận tải trên mạng giúp cho cung-cầu tiệm cận, tiết kiệm nguồn lực xã hội. Ngoài ra, sẽ thiết lập đường dây nóng để hành khách phản ánh những bất cập, bức xúc, kịp thời xử lý những vi phạm. Không chỉ xử lý lái xe mà xử lý cả doanh nghiệp vận tải.

Đổi mới quản lý vận tải đường bộ là một nội dung mang tính tổng thể và mất nhiều thời gian, nhưng ngay trong năm 2013 và 2014, TCĐB Việt Nam sẽ tập trung giải quyết các vấn đề: Quản lý trách nhiệm chủ xe, chủ doanh nghiệp, trách nhiệm lái xe; quản lý taxi, bến xe, trạm dừng nghỉ... Đây là những nội dung yếu kém, bức xúc nhất cần tập trung xử lý hiệu quả để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu lại lực lượng vận tải, hướng tới cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả, hội nhập quốc tế.

Bài và ảnh: MINH MẠNH