Bộ Ngoại giao Mỹ vừa cho công bố báo cáo hằng năm về tự do tôn giáo quốc tế, tiếp tục đưa ra đánh giá sai lệch khi cho rằng Việt Nam có những vi phạm quyền tự do tôn giáo của người dân.
Phải nói rằng so với các năm trước, báo cáo mới này của Bộ Ngoại giao Mỹ đã có khá nhiều điều chỉnh trong cách tiếp cận cũng như trong các nhận xét liên quan đến Việt Nam. Phát biểu khi công bố báo cáo, Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo quốc tế của Mỹ G. Hen-phót thừa nhận: “Việt Nam đã có bước ngoặt và có tiến bộ rất lớn về tự do tôn giáo. Nhìn chung, việc tôn trọng tự do tôn giáo ở Việt Nam đã được cải thiện”. Thậm chí trong phần trả lời phỏng vấn báo chí của ông G. Hen-phót, Việt Nam đã hai lần được nhắc tới như ví dụ điển hình về sự cải thiện liên quan đến tự do tôn giáo.
Đáng tiếc là dù thừa nhận một cách khá khách quan những diễn biến tích cực ở Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa vượt qua được những thiên kiến, sai lệch và thậm chí là cả những sức ép chính trị mà dư luận thường thấy trong các báo cáo trước đây khi công bố kết luận cuối cùng của mình. Nghịch lý là ở chỗ trong khi đưa ra những nhận định, đánh giá tích cực liên quan đến Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ lại tiếp tục đặt Việt Nam trong danh sách những nước vi phạm “đáng kể” quyền tự do tôn giáo.
Thực tế cho thấy những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt về kinh tế cũng như nhu cầu luôn phải tập trung tối đa nỗ lực cho việc mở cửa, hội nhập quốc tế để vượt lên trong cuộc đua toàn cầu có thể tạo cảm giác đối với một số người nào đó ở bên ngoài rằng vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng còn chưa được đề cập đúng mức ở Việt Nam. Đúng là tự do tôn giáo, tín ngưỡng luôn là những vấn đề phức tạp, dễ tạo ra tranh cãi, và trên thực chất, nó đã trở thành vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Việt - Mỹ trong nhiều năm qua. Thế nhưng điều đó hoàn toàn không đồng nghĩa với việc đưa ra đánh giá tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân Việt Nam không được coi trọng, bị vi phạm, chà đạp.
Chúng ta không cho rằng mình đã hoàn hảo mọi chuyện trong vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, và trên thực tế, Việt Nam còn phải làm rất nhiều để bảo đảm và hoàn thiện một trong những nhu cầu tinh thần quan trọng của người dân. Thế nhưng, cũng không thể cố tình phủ nhận những việc làm, những nỗ lực không mệt mỏi của Việt Nam trong việc đem lại quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng cho người dân. Có thể dẫn ra rất nhiều những bằng chứng, công bố những con số thống kê cho thấy nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong vấn đề này. Tuy nhiên, để cho khách quan, hãy xem những người nước ngoài quan tâm đến vấn đề tự do tôn giáo cảm nhận thế nào về những gì họ chứng kiến ở Việt Nam.
Trong lá thư gửi Chủ tịch Tiểu ban Quan hệ đối ngoại Đông Á và Thái Bình Dương của Thượng viện Mỹ, ông A. Li-mây, một cựu binh Mỹ, viết: “Gần khách sạn tôi ở tại phố Bảo Khánh là Nhà thờ lớn. Hằng ngày mỗi khi có dịp đi qua đó, tôi thấy rõ các buổi lễ tôn giáo được cử hành với sự tham dự của rất nhiều học sinh trong bộ đồng phục, nét mặt các em đầy vẻ hân hoan. Vào sáng 1-1, tôi chứng kiến nhà thờ không còn một chỗ trống với hàng trăm thành viên giáo đoàn đang cử hành nghi lễ… Hiện giờ tôi đang theo đạo Phật, do vậy tôi cũng rất quan tâm tới việc khám phá liệu có tìm thấy các ngôi đền hoặc chùa hay không. Thật là hạnh phúc bởi có rất nhiều cơ hội để đi tới các đền chùa, dù là địa điểm dễ tìm hay heo hút, đôi khi các ngôi chùa chỉ cách nhau có vài bước chân đi. Tôi chẳng thấy có sự cản trở nào đối với việc cầu khấn và thực hành nghi lễ của mình…”.
Hay như đầu năm ngoái, hòa thượng Thích Nhất Hạnh, quốc tịch Pháp, cùng 200 tăng ni, cư sĩ từ 30 quốc gia trên thế giới, đã từ Pháp về Việt Nam trong chuyến công du kéo dài suốt 3 tháng đến khắp 3 miền đất nước để giảng đạo. Các buổi thuyết pháp đều thu hút đông nghịt các phật tử trong bầu không khí yên bình. Cuối năm, đến lượt Bộ trưởng truyền giáo Va-ti-can tới thăm Việt Nam dự lễ tấn phong cho 57 linh mục trước sự chứng kiến của các giáo dân ngồi chật kín các phố lân cận Nhà thờ Lớn ngay giữa thủ đô Hà Nội. Đầu năm nay, khi kết thúc chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, có một nghị sĩ Mỹ vốn rất để ý đã nhận xét rằng: “Từ TP. Hồ Chí Minh lên Đà Lạt, trên quãng đường hơn 300 cây số có tới 74 nhà thờ, đình chùa cho mọi người thực hiện tự do tín ngưỡng của mình. Có lẽ trên thế giới này hiếm nơi nào mật độ những nơi thờ tự, hoạt động tôn giáo lại phong phú như thế”.
Thực tế sinh động đó cho thấy tự do tôn giáo không phải là vấn đề “quan ngại” ở Việt Nam mà là vấn đề “đang được quan tâm” tích cực từ phía chính quyền Việt Nam với mục tiêu làm sao bảo đảm ngày càng tốt hơn một trong những nhu cầu tinh thần chính đáng của người dân. Chính vì thế, báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục xếp Việt Nam vào danh sách những nước “vi phạm đáng kể” tự do tôn giáo đã một lần nữa thể hiện cách nhìn thiên lệch, thiếu khách quan, không phản ánh đúng thực tế những gì đang diễn ra ở Việt Nam.
Đó vẫn là tư duy lỗi thời của quá khứ, là việc làm đáng tiếc, đi ngược lại xu thế bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Nhìn lại hơn một thập kỷ kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, chúng ta vui mừng nhận thấy rằng, quan hệ Việt - Mỹ đang đứng trước cơ hội phát triển thuận lợi hơn, nhất là sau khi hai nước kết thúc thành công vòng đàm phán về việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Những vướng mắc còn tồn tại dù nhạy cảm đến đâu cũng không thể để cản trở mục tiêu lớn trong quan hệ giữa hai nước. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần phải được đưa ra khỏi danh sách những nước cần quan tâm về tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, bởi điều đó phản ánh đúng thực tế tình hình ở Việt Nam cũng như xu thế chung trong quan hệ Việt – Mỹ, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước.
MẠNH TƯỜNG