QĐND - Hãng AP ngày 13-3 đưa tin, chính quyền I-ran đang lên kế hoạch kiện Hollywood vì “Argo” - tác phẩm điện ảnh nhận giải Phim hay nhất Oscar 2013, đã “khắc họa một cách không trung thực” và bóp méo hình ảnh của I-ran một cách có chủ đích, đồng thời khơi mào cho “chiến tranh mềm” chống lại nước này.

Quyết định theo đuổi vụ kiện được I-ran đưa ra sau khi một nhóm quan chức văn hóa và nhà phê bình điện ảnh nước này được xem một suất chiếu hạn chế của phim “Argo” do phim hiện đang bị I-ran cấm chiếu ngoài rạp.

Theo AP, luật sư người Pháp I-da-ben Câu-tan Pây-ơ (Isabelle Coutant-Peyre) đang thảo luận với các quan chức của chính phủ I-ran làm sao để kiện hãng Warner Bros, nhà phát hành bộ phim “Argo”, cũng như kiện lên tòa án nào đối với hành vi “mô tả không đúng thực tế về I-ran” của bộ phim này.

“Argo” được chuyển thể từ một sự kiện lịch sử có thật về cuộc khủng hoảng con tin ở I-ran. Vào ngày 4-11-1979, khi cuộc cách mạng I-ran đang lên đến đỉnh điểm, dân quân đã tấn công vào đại sứ quán Mỹ ở Tê-hê-ran, bắt 52 người Mỹ làm con tin trong 444 ngày. Nhưng giữa cuộc chiến hỗn loạn ấy, 6 người Mỹ đã chạy trốn được và tá túc ở hầm trú ẩn của đại sứ Ca-na-đa. Trong khi dân quân I-ran đang rà soát tìm manh mối của 6 người trốn thoát thì một chuyên gia giải cứu con tin của CIA đã lập ra một kế hoạch mạo hiểm để đưa họ rời khỏi I-ran an toàn.

 Áp-phích phim "Argo". Ảnh: AP

Theo Tê-hê-ran, hình ảnh I-ran trong bộ phim này đã bị xuyên tạc một cách có chủ đích. Chính quyền I-ran gọi bộ phim “Argo” là “chiến dịch tuyên truyền của CIA”, đồng thời cáo buộc nhà sản xuất bộ phim này là cố tình xuyên tạc các sự kiện. Bộ trưởng Bộ Văn hóa I-ran, ông M.Hô-sê-in (Mohammad Hossain) tuyên bố rằng, bộ phim “Argo” có ít giá trị nghệ thuật và bóp méo hoàn toàn các sự kiện có thật đã xảy ra vào năm 1979.

Trước đó, các nghị sĩ của Quốc hội Niu Di-lân trong một cuộc họp đã bỏ phiếu nhất trí hỗ trợ việc Ngoại trưởng Uyn-xtơn Pi-tơ (Winston Peters) đứng lên lên án nội dung của phim "Argo". Trong phim, các chính trị gia Niu Di-lân tỏ ra thờ ơ, bỏ mặc những nhà ngoại giao Mỹ gặp nạn hồi năm 1979 tại I-ran. Ông Uyn-xtơn Pi-tơ cho rằng, bộ phim đã miêu tả một cách “sai lầm nghiêm trọng” về vai trò của Niu Di-lân trong vụ việc, bởi trên thực tế, một nhà ngoại giao của nước này đã lái xe đưa người Mỹ tới sân bay ở Tê-hê-ran để họ có thể bay tới Thụy Sĩ. “Những nhà ngoại giao Niu Di-lân đã can đảm giúp đỡ cho các con tin Mỹ và xứng đáng được ghi vào lịch sử nhưng nó đã bị làm sai lệch”, ông Pi-tơ nói. Trước đó, khi phim được công chiếu tại liên hoan phim Tô-rôn-tô, nhà sản xuất đã bị Chính phủ Ca-na-đa trách rằng, đã không nói hết được công lao của Ca-na-đa trong sứ mệnh giải cứu con tin ly kỳ này.

Trong khi đó, đứng ở một góc độ trung lập hơn, một số nhà sử học cũng cho rằng, "Argo" đã quá đà khi sử dụng nhiều chi tiết tưởng tượng để đưa vào một bộ phim mang tính lịch sử, đáng kể nhất là việc "Argo" đã phóng đại vai trò của CIA trong việc giải cứu các nhà ngoại giao Mỹ.

 Lâu nay, giới truyền thông I-ran vẫn miêu tả cuộc chiến Mỹ phát động nhằm lật đổ chính quyền I-ran là một "cuộc chiến mềm" với những chiến dịch tuyên truyền văn hóa nhằm chống phá nước này. Bộ trưởng Văn hóa I-ran Hô-sê-in cũng tuyên bố rằng, "Argo" đã mở màn một "cuộc chiến tranh mềm" làm ảnh hưởng tới văn hóa I-ran. Lời cáo buộc của ông Hô-sê-in không phải vô căn cứ. Không chỉ vì mối quan hệ Mỹ - I-ran vẫn luôn căng thẳng bấy lâu nay. Nếu nhìn từ lễ trao giải Oscar nhuốm màu chính trị với sự xuất hiện để xướng tên phim đoạt giải cao nhất của bà Mi-sen Ô-ba-ma (Michele Obama), phu nhân Tổng thống Mỹ; thì lời dọa kiện có một không hai cũng như thái độ đối đầu của chính phủ I-ran là điều được báo trước. Trong Lễ trao giải Oscar lần thứ 85 diễn ra tại Nhà hát Dobly, Lốt An-giơ-lét, Mỹ ngày 24-2, đệ nhất phu nhân Mỹ Mi-sen Ô-ba-ma mở phong bì công bố "Argo" chiến thắng hạng mục Phim hay nhất từ Nhà Trắng. Đó là việc chưa từng có trong lịch sử của Oscar, do đó không bất ngờ nếu I-ran cảm thấy nghi ngại. Huống chi đây không phải là lần đầu tiên I-ran cáo buộc điện ảnh Mỹ ra sức "bóp méo" hình ảnh quốc gia Hồi giáo. Năm 2009, I-ran yêu cầu một đoàn viếng thăm gồm các diễn viên và quản lý ở Hollywood phải xin lỗi vì những bộ phim như “300”, “The Wrestler” đã “xúc phạm” người I-ran. Bộ phim ăn khách “300” sản xuất năm 2007 mô tả cuộc chiến giữa người Hy Lạp và người Ba Tư đã khiến người I-ran giận dữ vì cho rằng đã xúc phạm tổ tiên của họ và kích động tinh thần hận thù đối với I-ran. Năm 1991, bộ phim “Not Without My Daughter” dựa trên một câu chuyện có thật về một phụ nữ Mỹ chạy trốn khỏi I-ran với cô con gái nhỏ, bị cáo buộc là đã mô tả người I-ran như những người dơ bẩn, thô lỗ, tàn bạo, bị đạo Hồi ám ảnh và thái độ chống phụ nữ.

Trở lại với vụ kiện sắp tới của I-ran, luật sư I-da-ben cho biết, bà sẽ sớm bắt đầu chiến dịch pháp lý để chỉ ra rằng “Argo” là một bộ phim dối trá và buộc phải ngừng phân phối bộ phim tới các rạp chiếu trên khắp thế giới. Trong khi đó, Tê-hê-ran đã tuyên bố họ sẽ làm phiên bản của họ về cuộc giải cứu con tin sau cuộc cách mạng Hồi giáo 1979. "Bản thảo cho bộ phim "Setad Moshtarak" (Đại tướng quân) đã được hội đồng nghệ thuật phê duyệt và đang chờ được cấp kinh phí để quay”, báo chí I-ran cho hay. Theo đó, “bộ phim sẽ nói về việc 20 con tin người Mỹ đã được trao trả bởi những thành phần cách mạng I-ran vào thời điểm khởi đầu cuộc cách mạng đạo Hồi. Đây sẽ là câu trả lời thích đáng với những bộ phim bị xuyên tạc như "Argo".

THU TRANG