QĐND - Giới học giả và dư luận quốc tế tiếp tục phản đối các hành vi trái phép của Trung Quốc tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông…

Các tàu Trung Quốc xung quanh giàn khoan Hải Dương 981 của nước này hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam. Ảnh: Roi-tơ

Ngày 30-6, trang mạng Chinafocus đã cho đăng tải bài viết của giáo sư Can Thay-ơ (Carlyle Thayer), chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á tại Đại học New South Wales (Ô-xtrây-li-a), phân tích hệ quả của lối hành xử đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trong bài viết của mình, giáo sư Can Thay-ơ cho rằng, những căng thẳng gần đây trên Biển Đông xuất phát từ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam đã đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về niềm tin chiến lược trong quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng. Theo giáo sư Can Thay-ơ, quyết định của Bắc Kinh gây ngạc nhiên, phi pháp, hủy hoại các nỗ lực xây dựng niềm tin chiến lược giữa Trung Quốc với các nước.

Giáo sư Can Thay-ơ cho rằng, hành vi đó gây ngạc nhiên là bởi Việt Nam đã không có bất kỳ một hành động nào có thể coi là “khiêu khích” để Trung Quốc vin vào đó biện minh cho việc làm sai trái của mình. Hơn nữa, trước đó Trung Quốc đã đạt được các thỏa thuận cấp cao với Việt Nam về phương thức, cơ chế xử lý các tranh chấp trên biển, vốn được xem là vấn đề phức tạp nhất trong quan hệ song phương.

Hành động đó là phi pháp, bởi lẽ đây là lần đầu tiên Trung Quốc tự ý hạ đặt giàn khoan trong vùng EEZ của một nước khác. Nguy hiểm hơn, Bắc Kinh còn huy động rất nhiều tàu chiến, tàu hải cảnh, tàu cá, máy bay quân sự… làm nhiệm vụ bảo vệ giàn khoan, với số lượng trung bình khoảng 100 tàu/ngày. Hạ đặt giàn khoan còn cho thấy, Trung Quốc đã ngang nhiên thách thức luật pháp quốc tế.

Giáo sư Can Thay-ơ đồng thời đánh giá cao đối sách đầy thiện chí của Việt Nam, với việc kiên trì sử dụng các kênh giao tiếp, trong đó có cơ chế đường dây nóng, phái viên, để giải quyết hòa bình các bất đồng, xung đột. Ông kết luận: Hệ quả nhãn tiền của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng thềm lục địa, vùng EEZ của Việt Nam đã rõ: Bắc Kinh đã tự đánh mất niềm tin chiến lược trước các nước láng giềng.

Trong khi đó, theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng, giáo sư quan hệ quốc tế Shi Yinhong thuộc Đại học Nhân Dân (Trung Quốc)-một chuyên gia hàng đầu Trung Quốc, cho rằng các chính sách của chính quyền Bắc Kinh sẽ khiến tranh chấp trên Biển Đông ngày càng tồi tệ hơn. Nhận định của giáo sư Shi Yinhong rất đáng chú ý bởi từ trước đến nay, các quan chức Trung Quốc nhiều lần rũ bỏ trách nhiệm trong tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, Phi-líp-pin, Việt Nam và Ấn Độ. Ông Shi cũng nói rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục chiến lược của nước này dù nó có phản tác dụng hay không. “Nguyên nhân xuất phát từ niềm tin cá nhân và quan điểm chiến lược của các nhà lãnh đạo trong nước. Ngoài ra, còn bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang lan tràn ở Trung Quốc trong khi quân đội có những toan tính riêng”-giáo sư Shi cho biết. Do đó, xung đột ở biển Hoa Đông, Biển Đông và dãy Himalaya (khu vực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc) sẽ tiếp tục xấu đi.

Cũng liên quan đến những căng thẳng diễn ra trên Biển Đông hiện nay, ngày 2-7, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Đ.Rút-xen (Daniel Russel) cho biết, Mỹ sẽ đưa ra quan điểm về các hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông tại Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung diễn ra tuần tới ở thủ đô Bắc Kinh. AFP dẫn lời ông Rút-xen cho hay, Oa-sinh-tơn sẽ “bày tỏ một số quan điểm của chúng tôi về các bước mà Trung Quốc và các quốc gia có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông cần tiến hành nhằm làm hạ nhiệt tình hình, giảm nguy cơ dẫn đến khủng hoảng”.

Trước tình hình căng thẳng ngày càng leo thang do Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ngày 30-6, các Hội hữu nghị với Việt Nam tại Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Anh và Đan Mạch, Ủy ban Đoàn kết Thụy Điển với Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia và Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại I-ta-li-a đã ra Nghị quyết chung yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam và chấm dứt các hành động bạo lực. Nghị quyết này đã được gửi tới Liên minh châu Âu (EU).

NGỌC HÀ