Trước tình trạng trâu bò chết hàng loạt tại hai huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa của tỉnh Quảng Bình, ngày 10-2-2008, PV Báo SGGP đã có mặt tại các xã Tân Hóa, Trung Hóa, Thượng Hóa… huyện Minh Hóa chứng kiến cảnh trâu bò mỗi ngày chết dần hàng chục con. Hiện tại, việc trâu bò chết do giá rét vẫn chưa dừng lại tại hai huyện miền núi này. Đây là đợt trâu bò chết do rét đậm, rét hại chưa từng có đã làm cho người dân rơi vào cảnh khó khăn.

Nhiều trâu bò chết rét

Bò chết rét trên đường đi.

Xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa có tổng đàn gia súc gần 1.700 con là sức cày kéo của người dân trong vùng nhưng đã chết hơn 300 con do rét đậm, rét hại. Trong đó tập trung chủ yếu ở thôn 4 với gần 200 con bị chết.

Lao đao nhất là nhà chị Thái Thị Hồng (38 tuổi, ở thôn 4) nuôi 15 con cả trâu lẫn bò, cứ tưởng ra tết bán được giá cao, không ngờ bị chết dần chết mòn hết 8 con, 7 con còn lại đều gầy đét, chân đi không vững để kiếm ăn, không biết chúng chết lúc nào. Chị Hồng gặp chúng tôi với nước mắt lưng tròng: “Bao nhiêu vốn liếng trong nhà với tiền vay ngân hàng chính sách mua trâu bò về nuôi cho to rồi mong bán được tiền để nuôi bốn đứa con ăn học nhưng bây chừ chết đến 8 con, nhà như suy sụp chú ạ”. Đang nói chuyện ngoài cánh đồng Lèn Trắng, chị Hồng bỗng giật mình khi có người chạy đến báo có thêm con bò nhà chị khụy chân, không đi được. Trước tình cảnh đó, chị Hồng như không đủ sức chạy đi coi bò mà ngồi sập xuống đất khóc nức nở.

Sau nhà chị Hồng là anh em ông Trương Xuân Luận và Trương Xuân Đồng nuôi 12 con cả trâu lẫn bò cũng bị giá rét quật chết, bỗng chốc trắng tay. Cùng chung cảnh đó là nhà chị Trương Thị Lan, cắc củm nuôi được 5 con bò béo khỏe, nhưng đợt rét đậm, rét hại cũng làm chết 4 con, còn 1 con nhỏ chị phải đưa vô nhà ở với người cho khỏi chết rét, nhưng mấy hôm nay nó chẳng đứng dậy được do sức tàn lực kiệt vì rét. Nhà ông Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa Trương Xuân Bài nuôi 3 con bò, cũng bị rét giết chết 2 con, còn lại con nghé nhỏ hỏn chẳng biết có qua được đợt giá rét này không.

Sáng ngày 10-2-2008, khi đến các làng ở xã Tân Hóa, chúng tôi chứng kiến nhiều cảnh trâu bò đang gặm cỏ bỗng lăn kềnh ra chết. Ghi nhận tại đây cho thấy có khoảng 10 con gia súc vừa mới chết trong một ngày. Theo đánh giá của ông Trương Xuân Bài, với thời tiết rét hại từ 8-10 độ C như hiện nay ở miền núi, chắc chắn trâu bò còn chết dần chết mòn.

Rời Tân Hóa, về xã Trung Hóa, được ông Cao Xuân Quế, Chủ tịch xã cho biết: “Trước và trong tết, xã có 115 con trâu bò bị chết. Nặng nhất là nhà ông Cao Xuân Thanh, nuôi 6 con trâu, chết cả 6”. Qua xã Thượng Hóa, ông Cao Xuân Tình, Bí thư Đảng ủy xã thống kê sơ bộ cho thấy địa phương có 150 trâu bò bị chết. Ngược lên xã Minh Hóa cũng có số liệu tương tự, hơn 100 gia súc bị chết.

Hiện các địa phương xã ở huyện Minh Hóa chưa cập nhật số liệu đầy đủ, nhưng theo tính toán sơ bộ, nhiều nơi trung bình chết hơn 100 con, có người nhẩm tính phải đến gần 1.000 con đã chết nhưng chưa thống kê kịp do thời gian nghỉ ăn tết. Về huyện Tuyên Hóa, cũng diễn ra nạn gia súc chết, huyện này vừa cập nhật sơ bộ cho thấy có 42 con trâu bò bị chết vì rét.

Nỗ lực vớt lại sức cày

Giữ ấm cho bò.

Hiện người dân vùng gia súc chết hàng loạt đang rất nỗ lực cứu lại sức cày sức kéo bằng việc chăm sóc những con trâu bò còn sống. Nhiều người cho trâu bò mặc áo mưa tránh rét, thậm chí dùng cả chăn quấn lên lưng bò cho ấm. Chuồng trại được che chắn tứ bề nhằm tránh gió, có nhà nấu nước sôi tưới lên cỏ bứt về từ rừng cho ấm mới để gia súc ăn.

Vùng gia súc chết, người dân còn quyết định không ăn tết, chỉ làm mâm cơm đón ông bà rồi ai nấy kẻ lao vào rừng bứt cỏ, bứt lá cho trâu bò ăn rồi người ở nhà nấu nước muối cho gia súc uống chống rét. Tuy nhiên, theo ông Trương Xuân Bài: “Cố công vẫn không ăn thua, vì quá rét nên gia súc sưng mật, sưng phổi từ mấy ngày trước nên không chịu nổi, con người có chăm sóc mấy cũng đành bất lực rơi nước mắt nhìn con trâu là đầu cơ nghiệp chết rũ”. Ngoài rét ra, thức ăn gia súc cũng đang rất khan hiếm, rơm khô tuyệt đối không có, cỏ tươi hoàn toàn hiếm, nhiều nhà phải bứt cả ngô đang lên mơn mởn cho trâu bò ăn nhằm vớt vát lại gia sản đang chết dần. Hiện tại, chính quyền địa phương cũng như cán bộ thú y vẫn chưa có động thái tích cực nào giúp người dân khắc phục nạn gia súc chết hàng loạt ngoài việc vận động bà con không thả trâu bò vào rừng.

Ông Cao Xuân Quế cho biết: “Trâu bò chết, người dân phải gánh lấy mất mát. Lúc mua trâu giống, bò giống khỏe mạnh một con hơn 5 triệu đồng, những con kéo cày tốt có khi hơn 10 triệu đồng, nhưng chừ chúng chết xuống, người dân mổ lấy thịt bán chẳng ai mua được giá, cứ một con trâu bò chết bị tư thương ép giá chỉ còn 400.000 đồng, có khi chẳng được nữa, đành chia nhau trong xóm cùng ăn”.

Nhìn từng người dân ôm vào lòng những con trâu bò vừa chết mà rơi nước mắt, tất cả cơ nghiệp, gia sản của họ đều đặt vào đó và đợt rét vừa qua đã làm cho họ đã khó càng khó khăn hơn.

MINH PHONG

Thanh Hóa: Gần 1.000 con trâu, bò chết... vì rét

Ngày 10-2, ông Trịnh Văn Chiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp Thanh Hóa cho biết: Trong đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ đầu tháng 1-2008 đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có gần 1.000 con trâu, bò bị chết do rét. Số trâu, bò chết tập trung chủ yếu ở 11 huyện miền núi, vùng cao của tỉnh Thanh Hóa, mà tập trung nhiều nhất là huyện Bá Thước với 422 con. Do thời tiết lạnh giá kéo dài, kết hợp với sương muối ở các xã vùng cao làm cho đàn trâu, bò không thể đi kiếm ăn được.

Theo thói quen, đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây thường thả rông đàn gia súc trên đồi, rừng, không chăm sóc nên dẫn đến tình trạng gia súc bị chết đói, chết rét. Hiện số trâu, bò chết trên đang được bà con mổ xẻ thịt để bán, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi giá bán chỉ được 800.000 - 1 triệu đồng/con, trong khi một con bò trưởng thành, khỏe mạnh bán ra thị trường từ 5 - 7 triệu đồng/con.

Đ.NGUYÊN