QĐND - Sáng 30-8, tại Hà Nội, đồng chí Dương Ngọc Long, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên và đồng chí Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có buổi đối thoại trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ với chủ đề “Phát triển hạ tầng giao thông - khâu đột phá để xây dựng Thái Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm khu vực trung du miền núi phía Bắc”. Tại buổi đối thoại, đông đảo độc giả đã "xoáy" vào 2 "điểm nghẽn" về hạ tầng giao thông của tỉnh Thái Nguyên là Dự án đường Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và Dự án cải tạo Quốc lộ 3 cũ.
 |
Dự án đường Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đoạn chạy qua huyện Phổ Yên vẫn đang ngổn ngang thi công theo kiểu "xôi đỗ".
|
Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên thi công ì ạch!
Buổi trực tuyến “nóng” lên khi các câu hỏi tập trung vào việc, Quốc lộ 3 mới thi công ì ạch gây bức xúc trong nhân dân. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: Dự án cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên thực hiện bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản nên có nhiều thủ tục phức tạp, kéo dài. Do chưa chủ động làm công tác tái định cư, chính sách đền bù chưa thỏa đáng nên việc giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, nhà thầu chính sử dụng nhà thầu phụ có năng lực hạn chế, khiến các gói thầu triển khai không bảo đảm tiến độ. Trước thực tế trên, Bộ đang tích cực rút ngắn thời gian, thủ tục đầu tư; kiên quyết thay thế nhà thầu yếu kém. Hy vọng trong thời gian tới sẽ cải thiện vấn đề này, tiến độ thi công sẽ bảo đảm tốt”.
Lý giải thêm về nguyên nhân Dự án đường Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đang thi công theo kiểu xôi đỗ, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, với các dự án đầu tư khi phê duyệt dự án, có thiết kế kỹ thuật thì lúc đó mới tiến hành giải phóng mặt bằng, bởi lúc đó mới có vốn. Nhưng chúng ta vừa thi công, vừa giải phóng mặt bằng nên gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, vật liệu tại Dự án phải mua với giá cao, dẫn đến giá thành công trình cũng đẩy lên và tiến độ thi công cũng tăng lên. Một nguyên nhân nữa cũng được Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đưa ra là do nhà thầu phụ năng lực yếu đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Tiến độ chậm vì... chủ đầu tư yếu kém!
Trước ý kiến của ông Lê Văn Chung và nhiều người dân ở thị xã Sông Công (Thái Nguyên) bày tỏ bức xúc với hiện trạng thi công kiểu "rùa bò" khiến Quốc lộ 3 cũ chỗ nào cũng như một công trường, con đường lúc nào cũng chỉ thấy máy xúc, máy ủi và bụi đất, Chủ tịch Dương Ngọc Long cho biết, theo phân cấp quản lý giao thông hiện nay, tuyến Quốc lộ 3 cũ đang cải tạo thuộc nguồn vốn ngân sách trung ương, được Bộ GTVT trực tiếp làm chủ đầu tư. Từ năm 2009, Bộ GTVT đã cùng với tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn Sông Đà trình Chính phủ cơ chế đầu tư theo hình thức BOT kết hợp BT. Phần dự án từ cầu Đa Phúc trở về Hà Nội, do UBND thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm phần BT; phần từ Đa Phúc lên Thái Nguyên do tỉnh Thái Nguyên thực hiện theo BT. Đây là phân cấp đã được Chính phủ cho phép. Tập đoàn Sông Đà đã lập dự án, trình duyệt dự án theo từng phân đoạn. Thế nhưng, do năng lực của chủ đầu tư đoạn Hà Nội - Thái Nguyên thực sự yếu kém, đã khiến Dự án bị ngưng trệ. Vừa qua, Tập đoàn Sông Đà đã chính thức có văn bản xin phép Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, tỉnh Thái Nguyên rút lui không làm chủ đầu tư xây dựng Dự án cải tạo Quốc lộ 3 cũ nữa.
Như vậy, đoạn từ thị xã Sông Công lên thành phố Thái Nguyên đã được Bộ GTVT chấp thuận đầu tư, đang khởi công xây dựng với chiều dài toàn tuyến là hơn 12km, phần còn lại từ thị xã Sông Công đến huyện Phổ Yên và đoạn từ nút đầu Thái Nguyên lên đến thành phố đã được Chính phủ, Bộ GTVT chấp thuận cho đầu tư bằng nguồn vốn an toàn giao thông quốc gia. Dễ nhận thấy, chỉ còn 10km từ Đa Phúc lên Thái Nguyên là chưa có nguồn vốn. “Vừa qua, chúng tôi tiếp tục báo cáo và trình lên Bộ GTVT, báo cáo Chính phủ để cho phép đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước. Có thể, cũng dùng theo hình thức BT, chứ cũng không nên làm theo BOT”, Chủ tịch Dương Ngọc Long giãi bày.
Về phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh Thái Nguyên trong tương lai, Chủ tịch Dương Ngọc Long cho biết, tỉnh đã ưu tiên hoàn chỉnh quy hoạch giao thông tới năm 2020, tầm nhìn 2030 và xác định làm sao thỏa mãn cao nhất nhu cầu vận tải của xã hội, hạn chế tối thiểu tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường. Trước mắt, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công 2 dự án lớn kể trên để từng bước Thái Nguyên sẽ có một mạng lưới giao thông hiện đại, liên thông giữa mạng giao thông của tỉnh với mạng giao thông quốc gia, quốc tế.
Bài và ảnh: Lê Xuân Đức